Thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo

Người có thẩm quyền chậm giải quyết sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật

Người có thẩm quyền chậm giải quyết sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật

Hôm nay, 1-6, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo chính thức có hiệu lực thi hành. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo được ban hành lần này với 21 điều bổ sung, sửa đổi - thể hiện rõ hơn quyền của công dân và trách nhiệm của các cơ quan trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Chánh Thanh tra TPHCM Lâm Xuân Trường, đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh những thay đổi cơ bản này. Ông cho biết:

Người có thẩm quyền chậm giải quyết sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật ảnh 1

Chánh Thanh tra TPHCM Lâm Xuân Trường.

Nội dung sửa đổi và bổ sung lần này tập trung vào các quy định nhằm tạo điều kiện cho người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hành chính, kể cả quyết định cuối cùng của cơ quan hành chính.

Luật cũng cho phép luật sư được tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính. Đây được coi là những thay đổi rất cơ bản, thể hiện rõ tính luật hóa giữa quyền của công dân và trách nhiệm của các cơ quan hành chính có liên quan. 
 
- Chúng ta có dự báo số lượng công dân khởi kiện các cơ quan hành chính tại tòa hành chính sẽ tăng đột biến trong thời gian tới? Hướng để giải quyết vấn đề này như thế nào?
 
- Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác chuẩn bị tranh tụng tại tòa án của các cơ quan hành chính chưa tốt, thiếu chuyên sâu. Vấn đề này, Thanh tra TP đã dự liệu khối lượng công việc sẽ rất lớn và đang đề nghị UBND TP cần thành lập một bộ phận gồm những chuyên gia pháp luật giỏi chuyên môn, có kinh nghiệm chuyên nghiên cứu các quyết định hành chính và các hành vi khiếu kiện tại tòa án để giải quyết nhanh các vụ khiếu kiện, tránh dây dưa kéo dài.
 
- Vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại như thế nào thưa ông?

 
- Như tôi đã nói, trong trường hợp người khiếu nại nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật thì luật sư có quyền tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại. Người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản và gửi quyết định này cho người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có quyền, lợi ích liên quan. Quyết định giải quyết khiếu nại phải được công bố công khai.
 
- Tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài và phức tạp tại nhiều địa phương thời gian qua có một nguyên nhân thuộc về các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thường đùn đẩy cho nhau, hoặc không làm tròn trách nhiệm của mình. Liệu luật mới ban hành có hạn chế được tình trạng này không?

 
- Điều 36 quy định rất rõ thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Đối với những vụ việc phức tạp thì có kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. Nếu người có thẩm quyền không giải quyết, người khiếu nại có quyền kiến nghị với cấp trên trực tiếp của người không giải quyết khiếu nại để xem xét xử lý kỷ luật người đó.

Với quy định này, tôi tin chắc sẽ hạn chế được tình trạng vô cảm, thiếu trách nhiệm và đùn đẩy cho nhau của các cán bộ có trách nhiệm khi thụ lý, giải quyết khiếu nại của công dân.
 
- Luật đã có hiệu lực thi hành, nhưng còn phải chờ nghị định của Chính phủ, trong khi đó thì người dân đang rất quan tâm, mong luật này nhanh chóng được đưa vào cuộc sống. Trong trường hợp này, Thanh tra TP có căn cứ gì để giải quyết ngay những vụ việc khiếu kiện mà người dân đang chờ giải quyết?
 
- Trong lúc chờ Chính phủ ban hành nghị định thực hiện, Thanh tra TP đã chủ động kiến nghị UBND TP sớm ban hành các quy định trong giải quyết một số vướng mắc về thủ tục pháp lý trong giải quyết khiếu nại tố các ở các cơ quan hành chính và tòa hành chính các cấp.

Trước tiên, theo tôi quy trình tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các quận, huyện và sở ngành sẽ có thay đổi theo hướng nhanh hơn, thuận lợi hơn cho người dân ngay khi luật có hiệu lực thi hành.
 
- Xin cám ơn ông.

PHẠM HOÀI NAM thực hiện
 

Tin cùng chuyên mục