Các bạn trẻ! Các bạn và những người 83 tuổi như tôi trở xuống có niềm vui như tôi không? Tôi sinh ngày 1-5-1929. Ngày 6-1-1946, tôi chưa tròn 18 tuổi nhưng được đặc cách đi bầu cử Quốc hội khóa I vì nhiều lý do.
Tôi đã là trai đinh trước Cách mạng tháng 8-1945. Theo luật lệ của làng, bất cứ chàng trai nào ở tuổi 16 đều phải vào làng. Do bố mất từ năm tôi mới 7 tuổi nên tôi không dựa vào thế của bố, “được” xếp bét bảng, có nghĩa là phải gánh chiếu ra đình, trải sẵn cho đàn anh nằm; phải bện mùn rơm; phải chẻ đóm dễ cháy để châm cho đàn anh hút thuốc lào. Nếu tôi chậm trễ là bị đòn.
Quê tôi ở ga Nghĩa Trang tỉnh Thanh Hóa. Từ tháng 3 năm Ất Dậu (1945) gần như đêm nào chúng tôi đi tuần cũng gặp ít nhất một người chết đói. Tôi thường bị sai cõng hoặc vác xác chết chạy thật nhanh thoát khỏi địa giới làng mình, vứt sang làng bạn. Nếu bạn bắt quả tang, chúng tôi đành phải dùng cuốc xẻng đào hố nông choèn choẹt để vùi xác.
Cách mạng tháng 8 thành công đi đôi với phá bỏ hủ tục ở làng tôi. Tôi vác gậy xuống huyện cướp chính quyền, đuổi tri phủ nên được kết nạp vào đội du kích. Tôi nghiễm nhiên được gác để hội đồng bầu cử họp. Tôi có tên trong danh sách bầu cử. Cũng có ý kiến thắc mắc là tôi chưa đủ tuổi đã bị chủ tịch sạc:
– Tao đã chọn thằng Thiết là thư ký của ban bầu cử. Nó đủ sức thức suốt đêm để làm việc.
Dân quê tôi thời đó có tới 70% mù chữ, đặc biệt là các bà, các chị. Ngoài việc đi chợ, các bà, các chị chưa biết nơi nào khác nhưng ai cũng vui, cũng nô nức vì được đi bầu cử. Không đọc được tên các ứng cử viên nên không hiểu lý lịch của ai, không nhớ tên ai, những người mù chữ quê tôi được rỉ tai:
– Đây là tên những người tự ứng cử, ta không cần nhớ. Danh sách được Chính phủ ta giới thiệu gồm 14 người, gọi là nhóm A, B, C. Ta cứ nói với thư ký. Thư ký viết xong đưa phiếu đó cho ta, ta đem bỏ vào hòm phiếu là xong việc.
Tôi được chỉ thị tương tự. Ngồi vào bàn riêng, bất cứ ai đến gặp tôi nói là bầu cho nhóm gì đó (vì cử tri quên không nói chính xác A, B, C), tôi cứ ghi đúng theo chỉ đạo. Viết giúp độ hơn chục cử tri, tôi đã nhớ không phải nhìn giấy. Suốt ngày bầu cử, tôi đã viết giúp khoảng hơn trăm người rồi kiểm phiếu, rồi công bố kết quả.
Từ lần bầu cử thứ I (6-1-1946) đến lần bầu đại biểu Quốc hội thứ XIII (22-5-2011) tính ra đã 65 năm, tôi vẫn còn nhớ tên những đại biểu tôi đã viết giúp và tôi đã bầu (không rõ độ chính xác là bao nhiêu): Thụy, Thông, Đắc, Hỷ, Oanh, Ký, Tỉnh Thuần, Ngọc, Huệ, Thực, Kỳ, Đức Bân.
So sánh của tôi, một cử tri được đi bầu đại biểu Quốc hội khóa I đến khóa XIII thấy rất rõ: Ngoài khoảng 70% số người mù chữ, những cử tri khác phần lớn là đọc được, viết được. Chỉ có anh Giáo Văn, anh Ký Mẫn đậu Pờ-ri-me (tiểu học) được coi là trí thức. Khu bầu cử ở 25A Phan Đình Phùng, Hà Nội của tôi năm 2011 này rất khó tìm ra người tốt nghiệp cấp 2 như anh Giáo Văn, anh Ký Mẫn. Các cử tri trình độ văn hóa kém nhất cũng tốt nghiệp cấp 3, khoảng trên 50% có bằng đại học và trên đại học.
Cuộc bầu cử ngày 6-1-1946 ở quê tôi còn đói, hầu hết là ăn cơm độn. Ở khóa I, vì ở nông thôn nghèo nên dân chúng tôi chưa ai biết đến áo dạ, áo len, nhiều người mặc áo vá thường gọi là vá chằng, vá đụp. Năm 2011 này dù có đi bói cũng khó tìm thấy người mặc áo vải rách, có miếng vá. Về mặc, ta đã sang trọng khác xưa một trời, một vực.
Điều quan trọng nhất là ý thức chính trị. Cử tri nghiên cứu kỹ tiểu sử đại biểu mình sẽ bầu, trao đổi thông tin, cân nhắc kỹ trước khi tự mình viết phiếu bỏ vào hòm kín. Theo thể thức bỏ phiếu hiện nay, tôi chưa thực sự hài lòng. Tôi muốn có nhiều đại biểu ứng cử tự do hơn. Tôi đã đề nghị mỗi khu vực bầu cử có ít nhất một chọi một nhưng vì nhiều nguyên nhân nên ý kiến của tôi chưa được chấp thuận. Dù sao với một cử tri đã được tham dự đầy đủ 13 lần bầu cử Quốc hội, tôi rất vui vì chúng ta đã trưởng thành, đã tiến bộ vượt bậc.
NGUYỄN TRẦN THIẾT