Người cùng giới có thể đăng ký sống chung?

Ngày 24-9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có phiên họp toàn thể, thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Dự luật tập trung sửa đổi 16 nhóm vấn đề, trong đó đáng chú ý có nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện kết hôn; bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

(SGGP).– Ngày 24-9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có phiên họp toàn thể, thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Dự luật tập trung sửa đổi 16 nhóm vấn đề, trong đó đáng chú ý có nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện kết hôn; bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Theo đó, dự thảo sửa đổi quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thành “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”, đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống giữa họ. Đa số ý kiến tán thành quy định này vì cho rằng như vậy vừa thể hiện tính nhân văn vừa góp phần giảm kỳ thị. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết thêm, ông đã nhận được rất nhiều “tâm thư” bày tỏ mong muốn luật pháp thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Tuy nhiên, qua cân nhắc hoàn cảnh phát triển của xã hội, cơ quan soạn thảo đã lựa chọn phương án nêu trên, đồng nghĩa với việc không chính thức công nhận nhưng cũng không cấm. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) đề xuất một phương án đáng lưu ý khác: “Đối với những người cùng giới có thể đăng ký sống chung chứ không phải đăng ký kết hôn. Bởi vì, 2 người sống chung cũng có sự thỏa thuận, nghiêng về quan hệ dân sự. Nếu họ có những vấn đề liên quan đến tài sản thì sẽ giải quyết theo pháp luật về dân sự”.

Một vấn đề nữa được các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bàn thảo khá sôi nổi là quy định về mang thai hộ. Đa số ý kiến cơ bản tán thành với quy định mang thai hộ như trong dự luật, song cần có quy định chung giữa các bên liên quan, có điều kiện ràng buộc cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mang thai hộ cũng như giải quyết tranh chấp phát sinh. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu vấn đề: “Khi sinh con ra, nếu giữa người mang thai hộ và người mẹ ruột xảy ra tranh chấp thì như thế nào? Trong quá trình mang thai, người mang thai hộ phát sinh bệnh tật liên quan đến thai nhi hoặc nếu vì sinh đứa trẻ mà tính mạng của họ không bảo đảm thì sẽ như thế nào...?”.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục