Người cưu mang những cánh cò

Bản Đá Mài, xã Ba Nang, huyện Đakrông, Quảng Trị nằm ven đường Hồ Chí Minh huyền thoại, cách thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa khoảng 18km về phía Nam. Từ nhiều năm nay, ngàn vạn cánh cò từ khắp nơi đã tập trung về đây trú ngụ và chúng được một người cựu chiến binh trong bản cưu mang, che chở khỏi nạn săn bắn. Người ấy là ông Hồ Tường, 62 tuổi, cũng là người tiên phong trong mọi hoạt động bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng biên giới.
Người cưu mang những cánh cò

Bản Đá Mài, xã Ba Nang, huyện Đakrông, Quảng Trị nằm ven đường Hồ Chí Minh huyền thoại, cách thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa khoảng 18km về phía Nam. Từ nhiều năm nay, ngàn vạn cánh cò từ khắp nơi đã tập trung về đây trú ngụ và chúng được một người cựu chiến binh trong bản cưu mang, che chở khỏi nạn săn bắn. Người ấy là ông Hồ Tường, 62 tuổi, cũng là người tiên phong trong mọi hoạt động bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng biên giới.

  • Một đời binh nghiệp

Năm 1967, chàng trai Hồ Tường 18 tuổi, tham gia gùi lương thực, cõng thương binh, mở đường để xe bộ đội hành quân từ miền Bắc vào chiến đấu ở chiến trường Đường 9 qua Lao Bảo, Khe Sanh.

Ngày 9-7-1968, Khe Sanh - Hướng Hóa được giải phóng hoàn toàn. Chiến công này có sự đóng góp to lớn của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở đây. Đó là một sáng kiến có ý nghĩa quan trọng để đưa xe tăng từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam mà Mỹ và quân đội Sài Gòn không hề ngờ tới, bằng cách tháo rời từng bộ phận của xe, ngày đêm gùi cõng xuyên núi rừng, tập kết ở những nơi cần thiết.

Sau chiến thắng vang dội ở Khe Sanh - Hướng Hóa, nhiều thanh niên Pa Cô, Vân Kiều ở miền đất anh hùng này đã được phiên vào lực lượng bộ đội chính quy, chàng trai Hồ Tường thuộc đơn vị C6, D75, Quân khu 4. Anh đã tham gia chiến đấu ở nhiều nơi trên chiến trường Trị - Thiên. Những đồi A Xo, A Xóc, A Pay, đồi Bạch đều in dấu chân của người chiến sĩ Hồ Tường. Đặc biệt, ở đồi Bạch, thôn Đá Bàn, xã Ba Nang, huyện Đakrông ngày nay, anh đã tiên phong trinh sát, cùng với đồng đội chỉ huy vây ráp, tiêu diệt sạch gần trung đoàn địch.

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, ông rời quân ngũ trở về quê sinh sống, lập gia đình với bà Hồ Thị Mom và sinh được 5 người con. Ông tâm sự: “Hành trang ngày trở về chỉ có chiếc ba lô sờn bạc, nhưng bao năm qua, nhờ chất lính mà tôi đã vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống”.

  • Cưu mang những cánh cò

Cựu chiến binh Hồ Tường, người cưu mang những cánh cò ở quê.

Cựu chiến binh Hồ Tường, người cưu mang những cánh cò ở quê.

Ngôi nhà của ông tựa lưng vào ngọn đồi Bạch, thôn Đá Mài, xã Ba Nang. Sở dĩ ông chọn cất nhà ở đó là vì vào trận đánh năm xưa, ông đã cùng với đồng đội tiêu diệt hàng trăm tên địch nhưng không ít anh em đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi này, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Ông muốn ở đây để luôn nhớ về đồng đội, để chia sẻ miếng cơm, bát nước với họ như lúc họ còn sống!... Và, dường như cảm động tấm lòng chân thành, sâu sắc hiếm thấy của người cựu chiến binh Hồ Tường, không chỉ có bà con dân bản, đồng đội, đồng chí năm xưa, lãnh đạo chính quyền địa phương, mà còn có cả ngàn vạn cánh cò từ khắp nơi đã về đây trú ngụ, nương nhờ tấm lòng thơm thảo, chân thiện của ông.

Ông Hồ Cườm, 88 tuổi, là già làng ở bản Đá Mài cho biết, cò kéo về các đồi Plup, Clo, bản Đá Mài ngày một đông, trắng cả một vùng rừng rộng lớn. Người tiên phong và đến nay vẫn là người cần mẫn, chu đáo nhất trong việc bảo vệ, chăm nom những cánh cò là ông Hồ Tường.

Không ít lần giữa đêm hôm khuya khoắt, đàn cò bỗng kêu dáo dác, bay loạn xạ lên, ông Hồ Tường một mình cầm chiếc đèn pin, dò dẫm đi giữa đêm tối u tịch của núi rừng để xua đuổi bọn săn bắn trộm cò. Và, cũng không ít lần, chính đôi bàn tay thô ráp rám nắng của ông Hồ Tường đã giã những củ nghệ tươi để băng bó, cứu chữa cho những con cò không may bị trúng đạn của bọn săn trộm...

Tôi đi lang thang khắp bản Đá Mài, nơi có 74 hộ đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, người Kinh quây quần sống thân thiện, đầm ấm dưới chân dãy Trường Sơn. Câu chuyện của đời sống đầy cảm động được kể nhiều nhất là chuyện người cựu chiến binh Hồ Tường cưu mang, chăm sóc những cánh cò. Riêng Hồ Tường, ông chỉ cười hiền, cho biết, ông làm việc đó tự nhiên như chính con người sinh ra để sống và sống có ích cho đời, có ích cho muôn vật xung quanh mình vậy! 

NGỌC UYÊN

Tin cùng chuyên mục