Sau khi đọc bài “Cần bỏ nghịch lý xin quyền” của tác giả Huy Quang trên trang 4 Báo SGGP số ra ngày 18-11-2010 tôi có nhận xét sau:
Tác giả cũng xác nhận Đảng và Nhà nước có quan tâm đến vấn đề này nhưng chưa bỏ được cơ chế “xin cho” và từ trước đến nay chúng ta nói nhiều đến cải cách hành chính và người dân bị hành thường đề cập sự trì trệ, yếu kém và tiêu cực của một số cán bộ hành chính. Thực ra luật chúng ta không thiếu nhưng theo tôi một yếu tố quan trọng nhất mà lâu nay ta ít đề cập đến, đó là “dân trí của người dân”.
Luật có nhiều nhưng dân không hiểu hoặc không mạnh dạn sử dụng quyền của mình mà pháp luật cho phép thì coi như không. Nếu người dân đều hiểu quyền lợi và nghĩa vụ của mình đầy đủ, đúng pháp luật thì sẽ không có “đơn xin” (khi họ được quyền). Trong đơn người dân cần nói rõ căn cứ điều nào của luật, chính sách của Đảng và Nhà nước để yêu cầu cơ quan quản lý hành chính phải thực hiện. Như vậy giữa người dân và cán bộ hành chính đều bình đẳng, không có tư tưởng ban ơn, khó dễ và đây cũng là người dân thực thi quyền dân chủ của mình trong mọi trường hợp mà Đảng và Nhà nước luôn ủng hộ, cũng được coi là một sự “chế tài” của người dân với một số người cán bộ cố tình sai phạm.
V.LANG
12/7 Nguyễn Huy Tự, Q1, TPHCM