Phản hồi từ bài báo ứng dụng CNTT phòng chống tham nhũng và lãng phí

Người dân giám sát thông qua hệ thống “một cửa điện tử”

Người dân giám sát thông qua hệ thống “một cửa điện tử”

(Ý kiến của ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông TPHCM)

Trên trang 10 số báo ra ngày 27-2, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM, về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để quản lý các dự án đầu tư có vốn từ nguồn gốc ngân sách. Sau đó, chúng tôi nhận được nhiều thông tin từ bạn đọc muốn làm rõ hơn thực trạng ứng dụng CNTT tại TPHCM phục vụ quản lý nhà nước và cải cách hành chính. Chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông (BC-VT) TPHCM (ảnh) quanh vấn đề này.

* Phóng viên:
Sau bài báo số ra ngày 27-2 dư luận bạn đọc quan tâm về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong chống lãng phí, chống tham nhũng, ông có thể cung cấp thêm thông tin về vấn đề này?

Người dân giám sát thông qua hệ thống “một cửa điện tử” ảnh 1

* Ông LÊ MẠNH HÀ: Người ta có thể tham nhũng và lãng phí được khi mọi thứ không minh bạch, thông tin không đầy đủ, không chính xác và không thật. Mỗi cơ quan nhà nước đều nắm giữ rất nhiều thông tin nhưng rất khó trao đổi, chia sẻ và công khai.

Một vài ví dụ để minh họa điều này. Trong xây dựng cơ bản, nhiều sở ngành tham gia vào tiến trình thực hiện một dự án từ lúc lập kế hoạch đầu tư đến quyết toán công trình. Thế nhưng sở lập kế hoạch lại không nắm rõ các dự án được thanh toán đến đâu và đã quyết toán chưa. Do vậy, rất khó cho công tác lập kế hoạch cũng như quản lý đầu tư và rất thuận lợi cho lãng phí và thậm chí tiêu cực. Người dân, Hội đồng nhân dân, muốn giám sát cũng không thể được vì ngay Sở KH-ĐT còn không đủ thông tin.

Một lĩnh vực nữa thường dễ xảy ra lãng phí và tham nhũng là quản lý đất đai và xây dựng. Có ai biết được tổng số diện tích đất công, tổng số nhà do nhà nước quản lý trên địa bàn thành phố? Xa hơn nữa, có ai biết những tài sản này được sử dụng thế nào? Nếu chúng ta có tất cả những thông tin đó và công khai cho người dân thì tham nhũng và lãng phí sẽ có rất ít cơ hội để phát sinh.

CNTT sẽ giúp chúng ta hệ thống hóa lại các thông tin đó, xử lý nhanh vàø chính xác để công khai và để phục vụ cho công tác quản lý. CNTT là công cụ tốt nhất để công khai thông tin và minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước. Qua hệ thống này, người dân có thể giám sát hoạt động của các cơ quan và thậm chí của từng công chức 24 giờ trong 1 ngày và 7 ngày trong 1 tuần.

* Ông có thể cho bạn đọc biết rõ hơn TPHCM đã làm được gì trong thời gian qua, vì theo chúng tôi được biết TP đang là đơn vị dẫn đầu cả nước trong xây dựng chính phủ điện tử?

* Trên trang chuyên đề này, trong số báo ngày 7-2-2007, tôi đã có bài đánh giá về ứng dụng CNTT của thành phố. Xin nêu lại một cách tổng quát như thế này. Thành phố đã đầu tư một cách đồng bộ cho các quận, huyện trong năm 2005 và 2006.

Đến nay, đa số các quận huyện đã ứng dụng CNTT để xử lý các công việc liên quan đến quyền lợi của người dân và thông tin cũng đã cung cấp cho người dân. Thành phố là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong cả nước có “một cửa điện tử” cung cấp thông tin cho người dân. Thông tin từ các quận, huyện cũng đã sẵn sàng để kết nối và cung cấp cho các sở ngành, cho lãnh đạo.

Đối với khối sở ngành, Sở KH-ĐT là sở đi đầu từ nhiều năm trước. Sở Tư pháp, Sở Thương mại, Sở Văn hóa-Thông tin và cả Sở Bưu chính - Viễn thông cũng đã ứng dụng CNTT tốt. Các ngành như Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân TP bước đầu đã thành công trong tin học hóa.

* Thế nhưng thông tin vẫn chưa được kết nối và công khai, thưa ông? Nếu chỉ quyết tâm từ sở của ông và Sở KH-ĐT hoặc một số sở ngành khác thì sẽ vất vả và khả năng thành công không cao. Chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

* Chúng ta bắt đầu từ quận huyện. TPHCM là địa phương duy nhất ứng dụng CNTT từ cấp cơ sở, đến nay đã khẳng định được đây là hướng đi đúng. Thế nhưng, ứng dụng CNTT tốt tại từng đơn vị là chưa đủ, thông tin phải được trao đổi và chia sẻ mới thực sự có tác dụng như đã nói ở trên.

Kết nối về mặt công nghệ và kỹ thuật là không quá khó, cái khó hơn cả là phải có cơ chế trao đổi và cung cấp thông tin giữa các đơn vị. Các sở ngành có thể tự liên hệ để làm việc này, nhưng để nhanh hơn và hiệu quả hơn, phải có chỉ đạo thống nhất của UBND TPHCM.

Thành phố mới thành lập Ban chỉ đạo ứng dụng và phát triển CNTT, việc này rất thuận lợi cho triển khai ứng dụng CNTT, đặc biệt là cho việc kết nối các hệ thống thông tin. Thành phố đang hình thành hệ thống thông tin đất đai-xây dựng, hệ thống thông tin văn hóa-xã hội, hệ thống thông tin doanh nghiệp. Từng sở ngành trong hệ thống thông tin phải được kết nối và các hệ thống thông tin phải được kết nối với nhau hình thành nên một chính quyền điện tử.

Trong tháng 3 này, Sở BC-VT sẽ tổ chức khai trương hoạt động của mạng đô thị băng thông rộng (MetroNet), tại một số quận thông tin sẽ được kết nối từ cấp phường lên đến quận và sau đó lên thành phố. Sở cũng sẽ giới thiệu và khai trương hệ thống “một cửa điện tử” của thành phố. Hệ thống này sẽ trả lời cho câu hỏi về công khai thông tin của phóng viên.

Đây là tiền đề rất tốt cho kết nối, chia sẻ thông tin trong toàn thành phố. Tôi tin rằng, năm 2007 thành phố sẽ có bước chuyển rất mạnh và căn bản trong ứng dụng CNTT, phục vụ đắc lực cho cải cách hành chính, cho chương trình chống lãng phí và tham nhũng.

* Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này. 

VĂN MINH HOA thực hiện

Tin cùng chuyên mục