Người dân khó tiếp cận nhà ở do sự phổ biến hiện tượng đầu cơ

(SGGPO).- Đó là nhận định của TS Phạm Thái Sơn, Phó Chủ nhiệm Đề án Phát triển thị trường Bất động sản (BĐS) TPHCM giai đoạn 2016-2020 định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tại hội thảo “Thực trạng, tiềm năng, giải pháp và định hướng phát triển thị trường BĐS TPHCM giai đoạn 2016-2020 định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” do Sở Xây dựng TPHCM tổ chức ngày 12-11.

Theo TS Phạm Thái Sơn, một trong những điểm nổi bật của thị trường BĐS Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là tính không minh bạch của thị trường. Ông Sơn cũng dẫn chứng báo cáo hàng năm của Công ty Tư vấn BĐS toàn cầu John Lang LaSalle cho thấy, Việt Nam đứng thứ 68 trong bảng xếp hạng Chỉ số minh bạch BĐS toàn cầu với trị số điểm tuyệt đối thuộc nhóm có độ minh bạch thấp.

Ông Phạm Thái Sơn cho rằng, chính sự không minh bạch đã dẫn đến sự phổ biến của hiện tượng đầu cơ trong thị trường BĐS.

Theo khảo sát của Tập đoàn Đất xanh, giới đầu cơ chiếm 20% số người mua nhà tại thị trường BĐS TPHCM trong giai đoạn 2011-2014, còn trong thời kỳ phát triển nóng, tỷ lệ này lên đến hơn 50%. Theo ông Phạm Thái Sơn, chính sự phổ biến của giới đầu cơ trên thị trường BĐS khiến cho sự tiếp cận về nhà ở của những người có nhu cầu thật thêm khó khăn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, chỉ ra những mặt tích cực là thị trường BĐS TPHCM đã đóng góp đáng kể và sự phát triển chung của kinh tế TP, diện tích bình quân nhà ở của TP đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, từ 10,3m²/người năm 2006 nâng lên 17,32m²/người vào năm 2015…

Tuy nhiên, ông Trần Trọng Tuấn cũng nhìn nhận rằng, thị trường BĐS TPHCM trong 10 năm qua cũng bộc lộ nhiều mặt hạn chế và yếu kém, thị trường phát triển thiếu tính ổn định và thiếu minh bạch. Khi thì sốt, cung vượt cầu, sản phẩm cung chưa phù hợp cầu; khi thì trầm lắng, cả cung và cầu đều giảm, thậm chí đóng băng, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội TP. Ngoài ra, cơ cấu hàng hóa BĐS trên thị trường mất cân đối, lệch pha cung - cầu: nhà ở thương mại, diện tích lớn giá cao thì dư thừa trong khi phân khúc nhà bình dân, giá thấp phù hợp với khả năng tài chính của đại bộ phận người dân và nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp lại không nhiều nên đại bộ phận người dân lao động vẫn chưa thể an cư.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, qua phân tích, đánh giá về thực trạng BĐS TP một cách toàn diện cho thấy, thị trường vẫn còn không ít hạn chế, bất cập, thiếu tính ổn định. Chính vì thế, ông Trần Trọng Tuấn cho rằng, việc nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển thị trường BĐS TPHCM nhằm phát huy được hết các nguồn lực, lợi thế sẵn có, đồng thời khắc phục được những mặt hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, đảm bao cho thị trường BĐS TPHCM phát triển lành mạnh, ổn định trong gia đoạn sắp tới là hết sức cần thiết.

      HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục