Về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, ông Phan Xuân Biên:

Người dân quyết định trực tiếp là biểu hiện dân chủ cao nhất

Người dân quyết định trực tiếp là biểu hiện dân chủ cao nhất

Thời gian gần đây, trên nhiều phương tiện thông tin ở nước ngoài, các thế lực thù địch đã không ngừng tuyên truyền xuyên tạc về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII ở Việt Nam và dư luận xã hội trong nước cũng có những ý kiến khác nhau. Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS.TS Phan Xuân Biên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy TPHCM kiêm Trưởng Tiểu ban tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XII của TPHCM.

  • Cơ cấu: đảm bảo tính đại diện và toàn diện

Người dân quyết định trực tiếp là biểu hiện dân chủ cao nhất ảnh 1

Cử tri phường 7, quận 10 (TPHCM) góp ý với người ứng cử ĐBQH khóa XII. Ảnh: M.A

- Phóng viên: Thưa ông, trên website của nước ngoài có một số bài viết cho rằng bầu cử ĐBQH của chúng ta thực chất chỉ là cơ cấu, chứ không có dân chủ (?!). Ý kiến của ông như thế nào?

PGS.TS PHAN XUÂN BIÊN: Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, mà Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra.

Quốc hội là cơ quan lập pháp xây dựng nền tảng pháp lý cho sự vận hành và hoạt động của toàn xã hội và mọi công dân, quyết định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các quyết định của Quốc hội muốn bảo đảm tính toàn diện, khách quan, phù hợp thực tiễn, bảo đảm lợi ích của quốc gia và của dân chúng thì Quốc hội cần phải có cơ cấu hợp lý gồm đại biểu tiêu biểu cho các giới đồng bào, các tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, các địa bàn trên lãnh thổ Việt Nam.

Bản chất cơ cấu đó nói lên tính dân chủ ưu việt, tính đại diện cao của Quốc hội chúng ta. Nhớ lại, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam độc lập được bầu thông qua Tổng tuyển cử tự do ngày 6-1-1946, gồm 333 đại biểu được bầu; ngoài ra còn có thêm 70 ghế theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các đảng phái khác để bảo đảm tính cơ cấu, tính đại diện của Quốc hội trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ. Nghĩa là vấn đề “cơ cấu” để bảo đảm tính đại diện là hết sức quan trọng.

Đảng ta là đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đương nhiên Đảng phải lãnh đạo công tác bầu cử, trong đó có lãnh đạo bảo đảm tỉ lệ cơ cấu nhất định để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân cả nước.

Thực hiện cơ cấu đó là của các cơ quan đoàn thể, có sự tham gia của nhân dân. Cơ quan Đảng chỉ giới thiệu người ra ứng cử trong cơ quan Đảng thôi. Ví dụ, Thành ủy TPHCM chỉ giới thiệu 2 người đại diện cho khối Đảng. Ở đó cũng có sự tham gia của nhân dân qua ý kiến cán bộ nhân viên cơ quan và nhân dân ở nơi cư trú.

Và cuối cùng những người nào được đưa vào danh sách để bầu cử là đã trải qua “sàng lọc”, chọn lựa từ nhiều khâu, do Mặt trận chủ trì và có sự tham gia của các đoàn thể quần chúng, của nhân dân. Và quyết định là ở sự tín nhiệm của nhân dân qua việc bầu cử. Kết quả cuối cùng ấy thể hiện được “ý Đảng” có hợp với “lòng dân” hay không đều do khách quan, do nhân dân quyết định.

- Nếu cử tri bầu ra được nhiều ĐBQH tự ứng cử, vô hình trung phá vỡ dự kiến cơ cấu ban đầu, thì tính toàn diện trong Quốc hội có được bảo đảm không?

Quốc hội là của cả nước, nói cơ cấu là tầm vĩ mô của cả Quốc hội nước CHXHCNVN, chứ không phải chỉ ĐBQH của một địa phương, một ngành nào đó. Cho nên, tôi không nghĩ rằng, kết quả người dân bầu cử sẽ phá vỡ cơ cấu, vì ngay trong suốt quy trình chuẩn bị bầu cử trên cơ sở các cơ quan đoàn thể đã lựa chọn những người tiêu biểu cho giới mình, đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện, có khả năng, tâm huyết và cũng đã qua “sàng lọc” bước đầu của nhân dân.

Nếu tiếp tục làm đúng với tinh thần dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật thì kết quả cuối cùng, nếu có “chênh” thì cũng không bao nhiêu. Vì người dân rất biết và rất ý thức cơ cấu để bảo đảm tính toàn diện, tính đại diện của Quốc hội. Quan trọng là người dân được tạo điều kiện để thấu hiểu được luật pháp, nắm vững tiêu chuẩn ĐBQH, hiểu được người sẽ đại diện cho mình để bầu đúng người xứng đáng.

  • Danh sách bầu cử: không có chuyện “quân xanh, quân đỏ”

- Có ý kiến nói là do cơ cấu nên có một số ứng cử viên dường như “cầm chắc” trúng cử?

Thời buổi bây giờ ai còn nghĩ như vậy là thiếu thực tiễn, và ứng cử viên nào nghĩ như thế là hơi “liều”. Như trên đã nói, khi đã đưa vào danh sách bầu cử mọi ứng cử viên đều có cơ hội như nhau, việc bầu ai là do cử tri chọn lựa. Khi đã đưa vào danh sách bầu cử, không thể có chuyện “quân xanh, quân đỏ”. Lần này chắc là danh sách ứng cử viên (bao gồm người được đề cử và tự ứng cử) sẽ nhiều hơn, tỷ lệ chọn lựa cao hơn, càng có điều kiện phát huy tính dân chủ và trách nhiệm của cử tri.

- Một số người cho rằng, càng nhiều người tự ứng cử thì càng thể hiện tính dân chủ. Ông có thấy như vậy không?

Có nhiều người tự ứng cử là một dấu hiệu tốt của nền dân chủ nước ta. Nhưng vấn đề không phải người đề cử nhiều hay tự ứng cử nhiều là dân chủ nhiều hay ít, cao hay thấp, mà vấn đề là phương thức, cách thức, quy trình chuẩn bị bầu cử và tổ chức bầu cử, làm sao để cử tri - tức là nhân dân tham gia nhiều và cuối cùng là quyết định bằng lá phiếu. Dân quyết định trực tiếp bầu cho ai đó là thể hiện cao nhất của dân chủ.

- Có rất nhiều người nộp đơn tự ứng cử nhưng sau đó lại rút tên. Ý kiến của ông như thế nào về việc này?

Sau hiệp thương lần thứ 2, toàn TPHCM có 101 người tự ứng cử - cao nhất từ trước tới nay. Như trên đã nói, đó là một dấu hiệu tốt, là một biểu hiện nền dân chủ trong xã hội chúng ta. Trên cơ sở hiểu luật, hiểu tình hình đất nước, với lòng mong muốn đóng góp công sức cho đất nước và trong không khí dân chủ ngày càng mở rộng thì người ta tin tưởng, mạnh dạn ra ứng cử. Cử tri có trách nhiệm tìm người xứng đáng đại diện cho mình tham gia vào Quốc hội - cơ quan hoạch định chính sách phát triển đất nước, cử tri không dại gì bầu những người không xứng đáng.

Sau một thời gian, nhiều người tự ứng cử đã thấy rằng họ chưa có đầy đủ điều kiện để tham gia Quốc hội nên người ta đã tự xin rút khỏi danh sách. Đó cũng là dân chủ, chúng ta phải tôn trọng quyền tự ứng cử và quyền tự rút ra khỏi danh sách ứng cử với những nguyên nhân người ta đã trình bày.

Còn những người nào tự nhận thấy có đủ tiêu chuẩn, đầy nhiệt huyết, có điều kiện để phục vụ đất nước, nếu được nhân dân tín nhiệm, thì đó là điều đáng phấn khởi. Cái quan trọng là cần tạo điều kiện để cử tri hiểu đầy đủ về người “đại biểu tương lai” của mình để có quyết định chính xác với lá phiếu đầy trách nhiệm của người chủ đất nước.

  • Trách nhiệm của ĐBQH: không chỉ là “nói” hay “không nói”

- Một trong những vấn đề được cử tri rất quan tâm là chất lượng ĐBQH. Thực tế, có ĐBQH cả nhiệm kỳ không phát biểu ý kiến khiến cử tri băn khoăn: Trách nhiệm của người ĐBQH ấy được thể hiện như thế nào?

Vấn đề phát biểu trong Quốc hội của đại biểu qua nhiều khóa vừa qua, theo tôi cũng là điều cần suy nghĩ. Tôi cho rằng sự băn khoăn, đánh giá của người dân là điều cần lưu ý thỏa đáng. Song việc phát biểu nhiều hay ít còn tùy thuộc nhiều lý do chứ không thể quy ai ít hoặc không phát biểu là chưa làm tròn trách nhiệm.

Giả dụ, Quốc hội họp trung bình một kỳ khoảng trên dưới 1 tháng, nhưng khi truyền hình trực tiếp hay thông tin trên báo chí không phải đưa đầy đủ hết tên tuổi đại biểu đã phát biểu. Có ĐBQH phát biểu ở tổ, làm sao báo chí đưa hết được. Còn thảo luận hội trường có khi là ý kiến cá nhân, nhưng cũng có khi thay mặt cả đoàn phát biểu; hoặc một số đại biểu nói năng hoạt bát hơn, diễn đạt logic nên thường mạnh dạn phát biểu hoặc được “phân công” đại diện cho tổ, đoàn để trình bày.

Cũng có những trường hợp, nhất là ĐBQH là thành viên trong các tổ chức cao cấp của Đảng, của Nhà nước đã tham gia trực tiếp vào một số chủ trương, chính sách, dự án để đưa ra Quốc hội thảo luận, thì những đại biểu này đã tham gia ý kiến rồi, đã biểu quyết rồi.

Trong những trường hợp cần thiết mới phát biểu thêm, còn chủ yếu để dành cho các đại biểu khác, trong đó có khá nhiều đại biểu là đảng viên phản ánh ý kiến của cử tri hay của riêng mình. Quốc hội vừa qua đã làm rất nhiều việc; các đại biểu cũng được phân công các công việc khác nhau, đâu phải chỉ có “nói” hay “không nói” trong các kỳ họp.

Đương nhiên, vấn đề phát biểu trong Quốc hội, nói rộng hơn là vấn đề thực hành dân chủ trong hoạt động Quốc hội cũng cần bàn thêm và theo tôi, phải không ngừng đổi mới, hoàn thiện. Trong đó, vấn đề vai trò của người đại biểu là đảng viên như thế nào, tham gia thảo luận, chấp hành sự lãnh đạo của Đảng ra sao, bảo đảm vừa đại diện cho cử tri, vừa chấp hành đúng quy định của Đảng thế nào cho phù hợp, vừa dân chủ vừa đúng luật, đúng quy định.

- Dân số cả nước ta là 87 triệu dân, nhưng đảng viên chỉ có trên 3 triệu người. Song hầu hết ĐBQH là đảng viên, vậy những ĐBQH là đảng viên có thể đại diện cho ý chí và nguyện vọng của quần chúng nhân dân được không?

Đảng CSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là của dân tộc. Đảng ta tập hợp những người tiêu biểu, được giác ngộ, có ý thức trách nhiệm và có năng lực. Nhân dân tin tưởng ở những người là đảng viên được giới thiệu ra để bầu vào Quốc hội, nếu có đủ trình độ, điều kiện giải quyết những vấn đề quốc gia, có tâm huyết, trách nhiệm với dân với nước thì họ bầu thôi.

Nếu nhận thấy đảng viên nào không xứng đáng, chưa thể làm đại biểu thực sự cho họ thì cử tri không bầu. So với tổng số dân, đảng viên chiếm tỷ lệ ít, nhưng trong quá trình lịch sử, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc thắng lợi và lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới đất nước. Chính vì thế, nhân dân thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng và coi Đảng CSVN là “Đảng ta”.

Ở Mỹ có đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ, tôi nghĩ rằng, đảng viên của 2 đảng này cũng chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong dân số Mỹ, nhưng nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng chủ yếu là thuộc hai đảng đó.

- Có ý kiến nhận xét, trong nhiệm kỳ qua, những người phát biểu nhiều nhất, gay gắt nhất và không sợ “đụng chạm” nhất là những đại biểu ngoài Đảng…

Tôi thấy đại biểu Quốc hội là đảng viên cũng phát biểu nhiều đấy chứ và có những vấn đề cũng không kém phần gay gắt. Khi Quốc hội bàn về luật, các dự án, chương trình phát triển kinh tế-xã hội do Chính phủ hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình hoặc các phiên chất vấn Chính phủ và cả những phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận khá sôi nổi, đâu phải chỉ có ý kiến của đại biểu không phải là đảng viên.

Và khi biểu quyết, có vấn đề chỉ đạt được tỷ lệ thấp hơn tỷ lệ đảng viên trong Quốc hội. Như vậy là trong sinh hoạt Quốc hội đã khá dân chủ, khá sôi nổi, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhận thức đúng vị trí của mình - là đại biểu cho nhân dân trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Họ là đảng viên hay là quan chức của ngành, địa phương nào đó, nhưng trong Quốc hội họ là đại biểu của nhân dân, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, có trách nhiệm phản ánh, phân tích, biểu quyết theo ý chí và nguyện vọng của dân, theo quan điểm của mình trên cơ sở nắm nguyên tắc của Đảng, tích cực thảo luận, tranh luận để làm cho chủ trương của Đảng được hoàn thiện hơn, chính sách Nhà nước phù hợp hơn, sát hợp với cuộc sống, với lòng dân.

ĐBQH là đảng viên đương nhiên phải làm tròn chức năng của người ĐBQH vừa phải giữ vững nguyên tắc, quy định của Đảng. Nhưng nếu chỉ chấp hành xuôi chiều, thiếu suy nghĩ, không tích cực đóng góp qua các lần thảo luận để làm rõ hơn những vấn đề được đưa ra, theo tôi cũng là thiếu trách nhiệm, chưa làm tròn vai trò, nghĩa vụ của người đại biểu nhân dân và cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên vốn đòi hỏi phải mang tính tiên phong trong mọi lĩnh vực.

- Xin cảm ơn ông.

TUẤN SƠN thực hiện

Tin cùng chuyên mục