Nhiều ngày qua, hàng ngàn hộ dân các phường Mân Thái, Nại Hiên Đông, Thọ Quang (quận Sơn Trà) phải chịu cảnh sống chung với mùi hôi thối. Điều đáng nói, mùi hôi thối này xuất phát từ trạm xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang. Đây không phải lần đầu tiên trạm xử lý này gây ô nhiễm.
Sống cùng ô nhiễm
Đã 3 ngày qua, cuộc sống hàng ngàn hộ dân các phường Mân Thái, Nại Hiên Đông, Thọ Quang bị đảo lộn bởi không khí ô nhiễm trầm trọng. Từ đêm 14, rạng sáng 15-4, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên dữ dội tại khu vực trạm xử lý nước thải tập trung và âu thuyền Thọ Quang. Bất kể đêm ngày, mùi hôi thối bao phủ một khu vực rộng lớn với bán kính hơn 1km (tính từ trạm xử lý nước thải tập trung) khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
Sống cạnh âu thuyền Thọ Quang, nhiều ngày qua, gia đình bà Nguyễn Thị Châu (tổ 43 phường Nại Hiên Đông) phải mang khẩu trang suốt cả ngày. Thậm chí, khi ngủ cũng phải mang khẩu trang. Dù trời nắng gắt nhưng gia đình bà Châu phải đóng cửa im ỉm suốt ngày vì không chịu nổi mùi hôi thối.
Bà Châu than thở: “Mấy bữa nay gia đình tôi mất ăn, mất ngủ vì mùi thối. Đêm ngủ không được, ngày không thể nuốt nổi miếng cơm. Mùi hôi thối bao phủ như thế này làm sao mà sống nổi. Kiểu này dân tui có nước bị viêm phổi mà chết mất”.
Cùng cảnh ngộ với bà Châu, hàng ngàn hộ dân khác của các phường Mân Thái, Thọ Quang, Nại Hiên Đông phải sống chung với mùi hôi thối. Nhiều gia đình có con nhỏ phải bồng con đến nhà người thân ở nhờ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo ghi nhận của PV SGGP, mùi hôi thối bao phủ cả một vùng rộng lớn. Nơi ô nhiễm nhất là khu vực trạm xử lý nước thải tập trung và âu thuyền Thọ Quang. Đặc biệt, đường cống nơi trạm xử lý nước thải tập trung đổ ra âu thuyền Thọ Quang nước đen sì và đặc quánh mùi hôi thối. Ngày 17-4, bức xúc vì không chịu nổi mùi hôi thối, hàng chục hộ dân đã kéo đến trạm xử lý nước thải tập trung yêu cầu đơn vị quản lý tiến hành xử lý ô nhiễm, đồng thời phản ánh lên chính quyền địa phương.
Ông Đặng Ngọc Tài, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, cho biết sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, ngày 15-4, UBND phường Nại Hiên Đông đề nghị Sở TN-MT TP Đà Nẵng có biện pháp khắc phục, xử lý ô nhiễm. Tuy nhiên, đến chiều ngày 17-4, chính quyền địa phương vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía Sở TN-MT về các giải pháp khắc phục ô nhiễm.
Vừa xây dựng đã quá tải
Điều khiến người dân bức xúc hơn cả đó là tình trạng ô nhiễm này kéo dài nhiều năm qua và xuất phát từ… trạm xử lý nước thải tập trung. Trước đây, Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang, nơi tập trung hàng chục nhà máy chế biến thủy hải sản hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Để xử lý tình trạng này, UBND TP Đà Nẵng giao Công ty TNHH Khoa học công nghệ Quốc Việt (TPHCM) xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung với kinh phí 10 tỷ đồng theo hình thức BOO (đầu tư, kinh doanh và sở hữu). Trạm xử lý này được xây dựng trên diện tích 7.000m2 theo 2 giai đoạn với tổng công suất xử lý 5.000m³/ngày đêm. Đến nay, trạm đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động với công suất 2.500m³/ngày đêm.
Thế nhưng, từ ngày khánh thành và đưa vào hoạt động đến nay, trạm xử lý nước thải tập trung của Công ty Quốc Việt thường xuyên gây ô nhiễm môi trường và rất nhiều lần bị người dân kéo đến phản đối, thậm chí người dân cắt dây điện, đập phá trạm xử lý nước thải này để phản đối.
Trước tình trạng ô nhiễm kéo dài tại trạm xử lý nước thải này, đầu tháng 4-2012, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã tiếp nhận quản lý, vận hành trạm xử lý nước thải tập trung này từ Công ty Quốc Việt theo yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi vừa tiếp nhận được 10 ngày thì xảy ra ô nhiễm.
Tối 17-4, trực tiếp đi kiểm tra mùi hôi thối tại các khu dân cư trên địa bàn phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang… ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, cho biết nguyên nhân ô nhiễm mấy ngày qua do trạm xử lý nước thải bị quá tải khiến hồ nuôi men vi sinh bị chết và gây ô nhiễm. Trước đây, 14 công ty trong Khu công nghiệp Thọ Quang chỉ thải trung bình 1.000 COD mỗi ngày, nhưng nay do có nhiều doanh nghiệp chế biến chả cá hoạt động nên chỉ số này đã lên đến 3.500 COD (vượt gấp 3,5 lần).
Bên cạnh đó, về công suất, trạm xử lý này cũng quá tải gấp 1,5 lần so với thực tế. Trước mắt, để xử lý mùi hôi, công ty đã cho bơm chế sinh học để khử mùi và cải tạo hồ điều hòa giảm mùi hôi. Mặt khác, nuôi lại men vi sinh để xử lý mùi hôi và phải mất ít nhất 1 tháng men vi sinh mới hoạt động bình thường. Về lâu dài, phải mở rộng hồ chứa xử lý men vi sinh và tăng cường các máy sục khí tại hồ kỵ khí.
Theo ông Mai Mã, về mặt công nghệ, Công ty Quốc Việt đã xử lý đúng nhưng ô nhiễm là do trạm xử lý nước thải này đặt ở vị trí không phù hợp và quy trình xử lý có nhiều bất cập. Vì thế, không thể xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm.
Vì vậy, hiện Công ty Thoát nước và xử lý nước thải kiến nghị UBND TP Đà Nẵng xây dựng một trạm xử lý nước thải mới có công suất 10.000m³/ngày đêm, vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng và trạm xử lý nước thải hiện nay phải đóng cửa vì gặp nhiều bất cập.
Tuy nhiên, chưa biết phương án này có được phê duyệt hay không.
NGUYÊN KHÔI