Người dân Trung Quốc đòi di dời các nhà máy hóa chất

Người dân cần sống
Người dân Trung Quốc đòi di dời các nhà máy hóa chất

Theo Tân hoa xã, hàng ngàn người dân tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, phía Đông Bắc Trung Quốc ngày 14-8 đã kéo tới trụ sở chính quyền địa phương yêu cầu di dời nhà máy hóa chất tại đây do lo ngại rò rỉ chất độc ra môi trường.

Bão Muifa phá hủy tuyến đê bảo vệ nhà máy hóa chất Phó Gia.

Bão Muifa phá hủy tuyến đê bảo vệ nhà máy hóa chất Phó Gia.

Người dân cần sống

Phần lớn những người nói trên là thanh niên, cùng hát quốc ca và giương cao các biểu ngữ “Chúng tôi muốn sống”, “Chúng tôi muốn môi trường trong lành”. Bí thư Thành ủy Đại Liên, ông Đường Tuấn và chủ tịch thành phố này, ông Lý Vạn Tài đã hứa hẹn với người dân sẽ di dời nhà máy ra khỏi thành phố. Tuy nhiên, điều người dân muốn là một thời điểm cụ thể để di dời nhà máy.

Những lời kêu gọi di dời nhà máy hóa chất Phó Gia ngày càng mạnh lên trong tuần qua, sau khi cơn bão Muifa phá hủy đập gần nhà máy. Con đập này vốn được xây dựng nhằm bảo vệ nhà máy khỏi nước lũ. Cư dân ở đây lo ngại nước lũ tràn vào nhà máy đã làm rò rỉ hóa chất ra bên ngoài. Nhiều người dân sống gần nhà máy đã được lệnh sơ tán.

Phó Gia sản xuất paraxylene (PX), chất hóa dầu dùng để sản xuất các tấm phim cản nhiệt, cản quang và sản xuất sợi. Đây là hóa chất có thể gây ung thư. Theo THX, mặc dù con đập đã được đắp lại và không có hóa chất tràn ra ngoài, song yêu cầu di dời nhà máy ngày càng trở nên bức thiết.

Sức mạnh của dân

Do kinh tế phát triển, trong nhiều thập niên qua, ngày càng có nhiều nhà máy mọc lên, kể cả ở gần các khu dân cư. Điều này trở thành mối hiểm họa đối với môi trường sống của người dân nhiều tỉnh thành Trung Quốc. Theo các nguồn tin địa phương ở Trung Quốc, nhà máy Phó Gia bắt đầu hoạt động từ tháng 6-2009, nhưng tới tháng 4-2010 mới có giấy chứng nhận về an toàn môi trường của cơ quan bảo vệ môi trường tỉnh Liêu Ninh.

Gần đây, Liêu Ninh cũng đã bị thảm họa tràn dầu. Nhiều bãi biển ở tỉnh này bị ô nhiễm dầu đã làm mất khách du lịch và ảnh hưởng đến ngành nuôi trồng thủy sản.

Năm 2007, một nhà máy hóa dầu trị giá 1 tỷ USD trong quá trình xây dựng tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến đã bị đình chỉ hoạt động do người dân ngăn cản vì lo ngại ô nhiễm môi trường.

Lo ngại của người dân là có cơ sở vì đã từng xảy ra hàng loạt vụ rò rỉ chất độc và tai nạn từ các nhà máy hóa chất. Cũng theo THX, vào tháng 3-2011, khoảng 20 tấn chất độc acid hydrofluoric đã rò rỉ từ nhà máy ở tỉnh Chiết Giang. Công nhân nhà máy và nhiều cư dân xung quanh đã phải di dời. Ngày 8-8-2011, cũng tại tỉnh này, 7 người đã bị thương do cháy nhà máy hóa chất Tân Đông Phương. Ngày 7-1-2011, 62 công nhân đã ngã bệnh tại nhà máy dược Hoàn Bắc ở tỉnh An Huy sau khi hít phải chất độc phosgene. 

Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh các biện pháp an toàn tại nhiều nhà máy hóa chất. Mới nhất, tập đoàn dược phẩm Cáp Nhĩ Tân, một trong những nhà sản xuất thuốc lớn nhất Trung Quốc vừa bị nhà chức trách tỉnh Hắc Long Giang phạt 1,23 triệu NDT (hơn 191.000 USD) vì gây ô nhiễm môi trường. Tập đoàn này đã xả khí thải không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, bảo quản và đốt chất thải độc hại không đúng cách.

Vụ việc được phanh phui sau khi người dân địa phương phàn nàn về mức độ ô nhiễm môi trường nước và không khí tại khu vực gần nhà máy của tập đoàn này.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục