Ông Dũng vốn là bộ đội hải quân ở Đà Nẵng từ năm 1976, sau khi giải ngũ trở về, ông tiếp tục đi biển, làm muối, chăn nuôi… Nhiều năm gắn bó với nghề biển, ông chứng kiến mỗi khi thủy triều dâng, nhất là lúc mưa bão, sóng biển đánh mạnh, khiến khu vực Cồn Vạn, bãi bồi Cửa Nhượng giáp cửa biển thường xuyên bị xói lở, do khu vực này vốn là một bãi bồi đất bỏ hoang, không có cây cối che chắn… Sau nhiều lần suy nghĩ, bàn tính với gia đình, năm 2011, ông bỏ tiền túi tìm mua gần 2.000 giống cây phi lao về trồng ở khu vực Cồn Vạn. Thời gian đầu, do nhiều đợt mưa bão lớn, cây mới trồng đều bị cuốn trôi hết. Nhưng ông không nản lòng, quyết định tiếp tục bỏ tiền đi mua lứa cây mới về trồng tiếp. Hàng ngày, hai vợ chồng ông thay phiên đi thuyền ra chăm sóc cây. Kết quả là đến nay, tại khu vực bãi bồi này đã hình thành những khu rừng phi lao xanh tốt, đứng vững chắc trước cửa biển.
Nhờ có rừng phi lao này, mấy năm qua, đất đai ở khu vực Cồn Vạn, bãi bồi Cửa Nhượng không còn bị sóng biển gây xói lở, sụt lún cuốn trôi như trước. Đặc biệt, rừng phi lao không chỉ tạo cảnh quan môi trường sinh thái đẹp, chim chóc bay về đậu nhiều, mà còn trở thành địa điểm dừng chân để tránh trú mưa nắng cho bà con nhân dân trong vùng mỗi khi đi sản xuất nuôi trồng thủy hải sản ở khu vực xung quanh; tạo thuận lợi cho tàu thuyền trú tránh bão; bảo vệ cho nhà dân…
Thấy được hiệu quả tích cực từ việc làm của ông Dũng, một số người dân trong vùng cũng đã bắt đầu làm theo. Những cánh rừng phi lao tiếp tục được mở rộng. Ông Trần Đình Lam, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên), cho biết: Việc trồng rừng phi lao ngập mặn của ông Phạm Ngọc Dũng và một số người dân khác ở khu vực Cồn Vạn, bãi bồi Cửa Nhượng thực sự đã mang lại nhiều lợi ích cho địa phương, đặc biệt là ngăn xói lở, bảo vệ làng mạc, nhà cửa cho người dân trước tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.