GIẢI THƯỞNG TÔN ĐỨC THẮNG LẦN THỨ XVIII NĂM 2018 LTS: Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8), Báo SGGP phối hợp Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức vinh danh những công nhân, kỹ sư ưu tú của TP qua Giải thưởng Tôn Đức Thắng. Nếu tính luôn lần trao giải thứ 18 tới đây, giải thưởng đã tôn vinh 191 cá nhân có nhiều sáng kiến hay, mang lại lợi ích thiết thực cho đơn vị. Những công nhân, kỹ sư này đã theo bước chân của người thợ cả Tôn Đức Thắng năm xưa thắp lên ngọn lửa đam mê sáng tạo, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo của TP không ngừng phát triển. Qua số hồ sơ gửi về, năm nay Hội đồng tuyển chọn xét trao giải cho 11 cá nhân. Bắt đầu từ số hôm nay, Báo SGGP lần lượt giới thiệu đến bạn đọc 11 gương mặt xuất sắc của Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XVIII năm 2018. |
Chị Loan cho biết thêm, tất nhiên hàm lượng hoạt chất của rễ sâm Ngọc Linh nuôi cấy trong phòng thí nghiệm không thể bằng sâm tự nhiên. Nếu so với sâm 6 tuổi thì hàm lượng hoạt chất chỉ bằng 1/3; còn so với sâm hơn 1 năm tuổi thì có hàm lượng hoạt chất tương đương nhau. Tuy nhiên, so với sâm tự nhiên, rễ tóc sâm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm lại có nhiều điểm vượt trội về thời gian trồng ngắn, cho sản lượng cao, giá cả phù hợp, không phụ thuộc vào điều kiện địa hình, thời tiết…
Nhờ những ưu điểm này, rễ sâm Ngọc Linh nuôi cấy trong phòng thí nghiệm hoàn toàn có thể phục vụ nhu cầu của đông đảo người dân, góp phần “giải vây” cho sâm Ngọc Linh tự nhiên trước các cuộc săn lùng kéo dài hàng thập kỷ qua. Hiện nay, từ kết quả nghiên cứu, trung tâm đã có kế hoạch triển khai chuyển giao công nghệ cho công ty trong nước như Công ty TNHH Hoàng Linh Biotech. Trung tâm cũng đã ký hợp tác với các công ty nước ngoài để sản xuất nước uống, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm từ dược liệu này.
Không chỉ tiến hành lưu giữ nguồn gien quý và nhân nhanh các dòng tế bào sâm Ngọc Linh đáp ứng nhu cầu thực tế, TS Hà Thị Loan còn nghiên cứu bảo tồn nguồn gien một số cây dược liệu quý hiếm của đất nước. Để có sản phẩm dược liệu được xuất xưởng từ những phòng thí nghiệm tân tiến, những ngày trước đó, người phụ nữ này lặn lội thực địa ở những vùng sâu vùng xa, núi cao vực thẳm. Chị tự mình bước qua các trở ngại, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu và ứng dụng thực tế.
Hiện nay, TS Hà Thị Loan cũng đã xây dựng được bộ sưu tập nguồn gien các giống lan, hoa kiểng, cây dược liệu và chủng vi sinh vật. Trên cơ sở nguồn gien, chị tiến hành chọn lọc các giống thích nghi để nhân giống, tạo giống hoa lan, hoa chuông, cà chua bi, ớt ngọt, dưa lưới, dưa leo mới. Đồng thời, xây dựng các quy trình canh tác ứng dụng công nghệ cao phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, chị Loan đã triển khai 38 mô hình sản xuất hoa lan; 62 mô hình trồng rau (quy mô 500m2 - 1.000m2) cho nông dân ở huyện Bình Chánh, Củ Chi; triển khai mô hình trồng hoa chuông trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại huyện Hóc Môn, được Bộ NN-PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật cấp quốc gia.
Từ sự hỗ trợ của TS Hà Thị Loan, nhiều hộ dân ở TPHCM và các tỉnh, thành đã nắm bắt kỹ thuật canh tác, kỹ thuật nhân giống, trồng hoa, kỹ thuật nuôi cấy mô… Các sáng kiến của chị Loan đã mang lại doanh thu cho cơ quan gần 15 tỷ đồng. TS. Hà Thị Loan cũng là người truyền cảm hứng, đào tạo kèm cặp 22 lao động và mỗi năm “bội thu” 5 - 7 sáng kiến từ thế hệ kế cận mà chị phụ trách đào tạo.