Tháng 1-1960, cuộc Đồng khởi làm chấn động cả chế độ Ngô Đình Diệm bắt đầu từ Mỏ Cày - Bến Tre, với sự chỉ huy tài tình của Tỉnh ủy Bến Tre, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Định. Theo báo cáo từ cơ sở, ở vùng biển Bình Đại có các cuộc đấu tranh và tổ chức đánh địch rất bài bản, do một người nói giọng Bắc chỉ huy. Chị Ba cho người đi gặp, móc nối. Người chỉ huy ấy rất vui khi gặp chị Ba Định. Anh là Tư Bắc, người sắp nhận một sứ mệnh đặc biệt mà cách mạng miền Nam giao phó.
Nhiệm vụ đặc biệt
Anh tên là Tư Bắc - Đặng Bắc, sinh năm 1931, quê ở tỉnh Thanh Hóa. Đầu năm 1955, Đặng Bắc được Tỉnh ủy Thanh Hóa giao nhiệm vụ theo dân di cư vào Nam xây dựng cơ sở cách mạng. Anh chia tay với người vợ đang mang thai, xách túi quần áo xuống tàu Pháp vào Nam.
Đặng Bắc tạo được chỗ đứng trong dân từ Mỹ Tho và Bến Tre nhưng phải luôn tránh mặt những người từng biết anh. Anh tổ chức các cơ sở ở từng địa phương. Cho đến cuối năm 1959 anh đã trở thành người lãnh đạo nông dân vùng Bình Đại đấu tranh chống lại Ngô Đình Diệm. Khi Bến Tre Đồng khởi, anh tham gia cướp chính quyền ở địa phương. Chị Ba Định cho gọi anh về giao phụ trách công tác dân vận và đặt tên anh là Sáu Giáo. Khi Mặt trận Dân tộc giải phóng Bến Tre ra đời, anh được cử làm tổng thư ký.
Tin tức về cuộc Đồng khởi lan khắp nơi. Bác Hồ và Trung ương Đảng rất nóng lòng nghe báo cáo cụ thể. Thông qua con đường giao liên bí mật, nhiều việc không thể hiểu hết. Trung ương Đảng yêu cầu Tỉnh ủy Bến Tre cử người ra báo cáo cụ thể. Chị Ba Định và anh Mười Khước, đặc phái viên của Xứ ủy Nam bộ quyết định phải đưa người đã tham gia và hiểu biết Đồng khởi ra báo cáo với Trung ương. Tư Bắc được chọn.
Anh quyết định đi đường biển bởi anh là dân di cư ít bị địch nghi ngờ, lại là người đi biển nhiều lần nên có đôi chút kinh nghiệm. Tư Bắc báo cáo với chị Ba Định phương án mua thuyền, giả dân đánh cá, ra miền Trung vượt Cửa Tùng đi ra Bắc. Chị Ba và Xứ ủy đồng tình, đồng thời các đồng chí giao thêm nhiệm vụ mở đường biển để xin Trung ương chở súng cho miền Nam.
Tư Bắc từ Bến Tre ra Bình Thuận, Phú Yên, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị hơn một tháng nghiên cứu cách bố phòng của địch để tổ chức phương án thật chặt chẽ đảm bảo thắng lợi. Sau đó, anh về lại Bình Đại chuẩn bị tiền bạc, ra Long Hải mua tàu, kiếm giấy tờ hợp pháp mang tên Đặng Hải để lên đường.
Tỉnh ủy Bến Tre chọn 5 thanh niên vững vàng về chính trị, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc cùng Tư Bắc tham gia chuyến tàu đặc biệt này. Đó là các đồng chí Kiệm, Tư Đen, Tư Bê, Nhung, Đức. Tư Bắc phải nắm tình hình, thuộc báo cáo bởi không đem theo tài liệu gì để tránh nguy hiểm. Họ đưa thuyền về Cồn Tra để luyện tập đi biển, vận hành máy móc, đánh cá...
Vượt biển
Ngày 1-6-1961, lúc 8 giờ tối, tàu rời bến bắt đầu cuộc vượt biển ra Bắc. Buổi đầu ra quân gặp gió lớn, máy trục trặc. Anh em sửa chữa tàu giữa biển rồi lên đường. Một khó khăn khác là đoàn thiếu nước ngọt nghiêm trọng nhưng không dám ghé nhiều nơi vì sợ bị lộ.
Sau 5 ngày vượt qua sự kiểm soát của địch, tàu cập Phú Yên lấy nước ngọt, mua thực phẩm. Lợi dụng đêm thứ bảy - giờ lính ngụy thường nhậu nhẹt - anh cho tàu cập núi, vượt Cửa Tùng. Đến vùng biển giáp Quảng Trị, là chặng cuối để vượt ra Quảng Bình. Gặp tàu pha đèn, không rõ địch ta nên tàu lại phải giương buồm ra biển.
Đêm 11-6-1961, Đặng Hải cho tàu hướng phía Tây chạy vào bờ. 4 giờ sáng ngày 12-6 thì gặp thuyền của dân và tàu hải quân Việt Nam. Anh em trên tàu bị hải quân và du kích ven biển bắt. Đặng Hải khai là tàu miền Nam đi đánh cá bị lạc. Anh chưa dám khai thật mình là ai bởi đây là nhiệm vụ bí mật chỉ có thể nói rõ khi gặp Trung ương Đảng.
Cả tốp thủy thủ bị giam lỏng trong nhà dân ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Đặng Hải may mắn gặp anh Trang là bạn cũ đang là Phó ty Công an Hà Tĩnh. Anh đề nghị anh Trang báo cáo với đồng chí Phạm Hùng có giao liên của chị Ba Định xin gặp. Thế là sau 5 tháng chuẩn bị và 11 ngày đêm lênh đênh trên biển, các anh đã ra đến miền Bắc.
Đến Hà Nội, các anh được các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng đón. Sau đó Đặng Hải báo cáo với Trung ương về tình hình Đồng khởi và chuyển lời chị Ba Định đến Trung ương xin gửi súng đạn cho miền Nam. Anh em còn được gặp Bác, gửi lời của chị Ba Định thăm hỏi sức khỏe Người. Bác Hồ rất vui, khen: “Đi chuyến này, mỗi cháu như cảm tử quân nhưng còn nguyên vẹn cả”. Rồi Bác dặn, muốn đánh giặc tốt hơn phải đi học.
Đặng Hải và anh em được đi học thêm. Riêng anh được gặp vợ và đứa con trai là Đặng Xuân Dũng mới tròn 6 tuổi mà anh chưa biết mặt. Sau một thời gian học tập, năm 1963 anh vượt Trường Sơn trở lại miền Nam chiến đấu với tên mới Đặng Bá Tiên (tên gọi thân mật là Sáu Tiên). Sáu Tiên về công tác ở Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Sau ngày miền Nam giải phóng, Sáu Tiên công tác ở Ban Tổ chức Trung ương Đảng rồi nghỉ hưu. Khi rảnh, ông vẫn về Bình Đại thăm đồng bào, đồng đội. 6 thủy thủ ngày đó nay chỉ còn 4 người. Họ là những giao liên đầu tiên mở đường trên biển từ Nam ra Bắc, là những người truyền đạt mong muốn được chi viện súng đạn với Trung ương và Bác Hồ. Từ năm 1962, nguyện vọng tha thiết của miền Nam đã được đáp ứng. Những con tàu không số trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã đưa vũ khí vào Nam, cùng miền Nam đi đến ngày toàn thắng.
Đinh Phong