Người giữ hồn tiếng mõ Nam Lân

Người giữ hồn tiếng mõ Nam Lân

Ông Tài cho biết, xã Bà Điểm hôm nay đã thay da đổi thịt nhanh chóng với hướng phát triển kinh tế mới thiên về thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Nhưng phát triển kinh tế không thôi chưa đủ, bởi nơi đây không chỉ là quê hương của 18 thôn vườn trầu nổi tiếng mà còn là vùng đất cách mạng kiên trung với cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đi vào lịch sử. 


Người nông dân mê sử

Ông Mai Công Tài bên chiếc mõ Nam Lân.

Ông Mai Công Tài bên chiếc mõ Nam Lân.

Về xã Bà Điểm, nhắc đến ông Mai Công Tài (bà con quen gọi là ông Tư), ai ở đây cũng biết. Người dân xã Bà Điểm luôn xem ông là người kể chuyện sử 18 thôn vườn trầu hay và hấp dẫn nhất. Không học ngành sử, không chuyên nghiên cứu sử nhưng ông nông dân nuôi bò sữa này lại được nhiều cán bộ từ cấp trung ương, thành phố, cán bộ lão thành cách mạng tìm đến để nghe ông kể và làm “hướng dẫn viên” đi tìm các địa chỉ đỏ.

Thậm chí, tại các trường học quanh vùng hay các cuộc sinh hoạt truyền thống ông đều được mời đến kể chuyện cho thế hệ trẻ nghe. “Mình là người con quê hương Bà Điểm, lại là đảng viên mà không nắm được lịch sử quê nhà thì dở quá. Tôi muốn kể lại những câu chuyện này để lớp trẻ hiểu được sự gian nan của người đi trước, sự hy sinh mất mát như thế nào để có được ngày hôm nay. Những câu chuyện về những người đã làm nên khí phách của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ cùng tiếng mõ Nam Lân”, ông Tài nói.

Lúc nào bên cạnh ông cũng có tư liệu được ông ghi lại cẩn thận qua lời kể của những người trong cuộc hoặc sưu tầm từ sách báo. Là người con của quê hương Hóc Môn, ông chứng kiến bao sự đổi thay của quê hương, lịch sử đấu tranh anh dũng của người dân 18 thôn vườn trầu. Từ con đường, nhà ở nuôi giấu cán bộ cách mạng, các câu chuyện về tinh thần hy sinh quả cảm, hay kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng đều được ông tìm hiểu và ghi chép một cẩn thận.

Trăn trở

Bà Điểm đã gắn liền với bao nhiêu huyền thoại về những người mẹ, các chiến sĩ anh hùng của vùng đất của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương, bảo vệ vườn trầu. Ông trăn trở với những địa danh lịch sử ngày càng mai một đi do tốc độ đô thị hóa quá nhanh.

Ông dẫn chúng tôi đến tham quan ngôi nhà 63/5 ấp Tây Lân, xã Bà Điểm – nơi cách đây hơn 70 năm Hội nghị Trung ương Đảng do đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Căn nhà ngày xưa rộng chừng 600m², gồm ba gian, hai chái, mái ngói, cột gỗ, giờ không còn nữa bởi chiến tranh mà thay vào đó là căn nhà tường cũ kỹ. Chỉ còn lại đó bộ bàn ghế, bộ phản nơi các đồng chí ăn ngủ và họp bàn khởi nghĩa. Người chủ nhà trực tiếp nuôi dưỡng cán bộ lúc đó là ông Hai Hy, giờ đã trở thành người thiên cổ. Hiện nay chắt nội của cụ là anh Trần Trung Hiếu đang ở lại trông coi và thờ phụng.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, liên tiếp các đoàn cán bộ đến thăm gia đình ông Hai Hy, trong đó có các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Văn Kiệt... Đến nhà số 36/2 ấp Nam Lân, ông Tài kể cho chúng tôi biết đây là nơi nuôi giấu các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai… Chủ nhà lúc đó là ông Nguyễn Thanh Trà, cũng là người đánh mõ Nam Lân phát lệnh khởi nghĩa Nam kỳ.

Lúc trước, nơi đây là vườn trầu, nhưng do tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa quá nhanh nên nhà cửa đã mọc lên san sát. “Tôi lo những căn nhà, bộ bàn ghế hay nơi nghỉ ngơi của các vị lãnh đạo ngày xưa sẽ được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng, những bộ bàn ghế cao cấp… Tuy nhiên, rất mừng mới đây huyện Hóc Môn đã cho gắn bảng công nhận 28 địa chỉ đỏ để giữ gìn và giáo dục truyền thống bên cạnh vận động gia đình giữ gìn những kỷ vật để cho muôn đời sau. Một điều khiến cho người dân Bà Điểm trăn trở nữa là cần giữ được truyền thống trầu cau, vì nếu không 18 thôn vườn trầu con cháu mình chỉ biết được qua sách vở”, ông Tài giãi bày.


HỒ THU

Tin cùng chuyên mục