
Huyện A Lưới, miền đất anh hùng trên đỉnh Trường Sơn ở Thừa Thiên-Huế. Nơi đây tề tựu các dân tộc anh em như Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Hi cùng chung sống. Và ở họ, zèng (vải thổ cẩm) là một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo của các dân tộc nơi đây. Trước thực tế người biết dệt zèng ngày càng ít, bà Bùi Thị Hòa (tên thường gọi là Kăn Lê) ở thôn Phú Thành, xã Phú Vinh, huyện A Lưới đã tổ chức dạy nghề dệt zèng truyền thống này...
Gian nan học nghề

Bà Hòa (Kăn Lê) đang dệt zèng
Vào một ngày cuối tuần chúng tôi tìm đến gia đình bà. Hiện ra trước mặt chúng tôi là một ngôi nhà khá đẹp và tiện nghi. Ở chốn thâm sơn này nhà bà cũng thuộc vào dạng khá giả trong thôn. Nhưng để đạt được cơ ngơi đó, ít ai biết được bà đã phải rất vất vả và kiên nhẫn.
Sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình, năm 1975, bà đã theo anh bộ đội Võ Trung Y về làm dâu trên đỉnh Trường Sơn. Cũng từ đó bà “đem lòng yêu” luôn nghề dệt truyền thống của người Tà Ôi và quyết học cho bằng được. Hành trình đến với nghề của bà quả thật gian nan và đôi lúc đẫm nước mắt.
Do người Tà Ôi quyết không truyền nghề cho người ngoài nên sáng nào bà cũng tìm đến các chị trong bản để học lén, đêm phải thức để mày mò dệt thử. Bà cho biết, vào thời điểm đó để có sợi mà dệt cũng là một vấn đề lớn. Có nhiều lần bà phải tước sợi màn (mùng) hay tước sợi từ đôi vớ để kéo nên sợi, tập dệt. Có lần bà còn đã phải đổi heo, gà để lấy 2 lạng thuốc nhuộm và 9 cuộn sợi.
Đã thế, “muốn có được sợi màu vàng tôi phải lên rừng đào rễ cây đem về nhuộm, muốn có màu xanh thì bắt con ốc dưới suối lên mà xát sợi”, bà nhớ lại. Đã nhiều lần tìm không ra sợi, bà định bỏ nghề nhưng lòng đam mê đã níu kéo bà trở lại. Từ lòng đam mê, năm 1984 bà cũng đã có sản phẩm đầu tiên do mình làm ra. Và bà Hòa là người “đệ tử ngoại đạo” đầu tiên dệt thành công tấm zèng truyền thống của người Tà Ôi.
Hiện nay, cứ 2 ngày bà có thể dệt xong một tấm zèng dài 3,2m, rộng 0.8m, mỗi tháng bà có thể dệt được ít nhất 10 tấm. Tấm zèng của bà không giống với những nghệ nhân khác, nó có những nét hoa văn hoàn toàn độc đáo khác biệt nhưng rất gần gũi với đời sống các dân tộc nơi đây. Thổ cẩm của bà luôn bán chạy, mỗi tháng bà có thể thu về hàng triệu đồng từ dệt zèng. Từ khi biết dệt zèng, gia đình bà có phần bớt nhọc nhằn hơn trước.
“Cùng nhau giữ nghề cổ”
Hiện nay ở A Lưới, bà là người dệt thổ cẩm giỏi nhất huyện. Tay nghề của bà đạt đến độ thuần thục điêu luyện nhất vùng. Khách du lịch khi đến A Lưới cũng chỉ thích zèng do chính tay bà dệt. Chị em trong làng thấy bà thành công cũng rất muốn học theo. Và nhiều người đã tìm đến bà để học. Không giấu giếm, bà liền mở lớp để truyền thụ những kỹ năng quan trọng trong nghề dệt zèng cho chị em.
Từ năm 2004, khi xã Phú Vinh có dự án thành lập hợp tác xã nghề này, bà đã trở thành cô giáo cho rất nhiều khóa đào tạo. Kể từ đó đến nay, bà đã đào tạo nghề cho rất nhiều chị em, kể cả người Kinh muốn học. Trong số đó, một số học trò của bà ở tận Nam Đông, Quảng Trị, Quảng Nam giờ đây cũng đã trở thành thầy dạy nghề dệt zèng tại địa phương họ. Bà bộc bạch: “Tôi mong muốn nghề dệt zèng truyền thống này được các chị em cùng nhau giữ gìn”. Nhận thấy quê hương A Lưới có nhiều chị em rất tâm huyết với nghề, bà đã ra sức truyền dạy họ.
Bà kể: “Có nhiều lúc mất ăn, mất ngủ chỉ để giúp chị em nhanh chóng thạo nghề”. Và sự âm thầm “giữ hồn” đó đã được đền đáp xứng đáng. Huyện A Lưới có 21 xã, thị trấn thì hầu như nơi nào cũng có học trò của bà. Họ dệt những tấm thổ cẩm ngay tại nhà rồi đem bán, ít nhất cũng được 300.000đ/tấm. Và mỗi tháng như vậy nếu ai chuyên tâm cũng kiếm được từ 1 đến 2 triệu đồng cải thiện đời sống vốn rất khó khăn nơi đây.
Trong lần Festival nghề truyền thống năm 2000 tại TP Huế, bà đã giành giải nhì về thiết kể mẫu mã sản phẩm. Qua cuộc thi đó, bà đã đưa thương hiệu dệt zèng về xuôi và tạo đầu ra cho sản phẩm này. Bà muốn nghề dệt zèng ở A Lưới không chỉ giúp cải thiện cuộc sống cho người dân nơi đây mà còn muốn ngày càng nhiều người biết đến zèng, kể cả người nước ngoài.
Trăn trở lối đi cho zèng
Nghề dệt zèng đã và đang tồn tại dù trước đó có những dấu hiệu mai một. Nhưng với tâm huyết mở rộng nghề của bà, hiện zèng đã mang một sức sống mới mạnh mẽ hơn. Có nhiều người biết dệt zèng và không ít người đã có cuộc sống ổn định hơn nhờ zèng. Tuy nhiên, zèng làm ra vẫn mạnh ai nấy bán chứ chưa thực sự ổn định.
Bà cho biết, do các thợ dệt ở rải rác khắp vùng nên việc tìm nguồn tiêu thụ trở nên khó khăn. Nghĩ vậy, bà lại lặn lội tìm đến những nơi xa xôi của bản làng để mua. Theo bà, đến tháng 6, 11, 12 và mùa lễ hội, zèng bán được nhiều hơn. “Cứu zèng” thành công, bây giờ bà lại tiếp tục “dìu dắt” zèng đi lên. Cho đến nay, bà là đầu mối duy nhất tại A Lưới đưa zèng đi bán ở các vùng khác.
Hoàng Sơn (SGGP-12G)