Người giữ lửa tri thức

Người giữ lửa tri thức

Tháng 9-1987, trước bức xúc của gần cả ngàn học sinh lớp 9 không đủ điều kiện tiếp tục học lên bậc THPT, Quận ủy và UBND quận Phú Nhuận đã họp cùng Sở Giáo dục (nay là Sở GD-ĐT TPHCM) để bàn việc mở một ngôi trường THPT bán công. Lúc bấy giờ, mô hình trường bán công còn khá mới mẻ, cơ chế làm việc chưa được thống nhất, nhưng trước tình hình cấp bách cần kíp có chỗ học cho học sinh nên Ban Giám hiệu Trường THPT Phú Nhuận được chỉ định thực hiện. Hai hiệu phó của trường lần lượt được đề nghị làm hiệu trưởng trường mới, song họ không nhận. Với tinh thần của một đảng viên, cô Trương Thị Phấn đã bàn giao công việc Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận mà cô đảm nhiệm từ năm 1975 để bắt tay vào việc mới: thắp lửa niềm tin cho thế hệ học trò ở ngôi trường bán công đầu tiên của thành phố.

Cô Trương Thị Phấn (thứ hai từ trái qua) nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng năm 2014

Trường bán công đầu tiên ở TPHCM

Tôi may mắn được gặp cô Trương Thị Phấn để nghe cô tâm sự về sự nghiệp trồng người cao cả của mình. Đến nay, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, hàng ngày cô vẫn miệt mài đem hết những tri thức của mình gieo lại cho lứa học trò, mà theo cô là “không biết lứa thứ mấy, những đứa này đáng tuổi chắt của cô” tại Trường THPT Hưng Đạo, quận Bình Thạnh.

Khi được hỏi về Trường THPT Hàn Thuyên - ngôi trường bán công đầu tiên ở TPHCM - cô Phấn vẫn có thể kể một cách chi tiết về những gì đã diễn ra ngót nghét 30 năm về trước, bởi lẽ chính cô là người đặt nền móng đầu tiên hình thành và gắn bó với trường gần 10 năm.

Ngày 12-9-1987, được Sở Giáo dục TP giao mở trường, cô Trương Thị Phấn đã cùng những cộng sự của mình làm việc cật lực để tìm địa điểm và mọi vật dụng cho lễ khai giảng cận kề… Đến  ngày 25-9-1987, hoạt động dạy và học của Trường THPT bán công Phú Nhuận B (nay là Trường THPT Hàn Thuyên) được diễn ra tại số 1 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa với 6 phòng học, hơn 600 học sinh học luân phiên trong 2 ca.

Chưa hết vui mừng với ngôi trường mới thì một nỗi lo lớn lại nặng trên vai cô Phấn. “Lúc bấy giờ trường chỉ có 3 giáo viên chính, học phí cũng chỉ được thu 4.000 đồng/học sinh/tháng, quy ra gạo là 8kg. Mọi chi phí hoạt động của trường trông chờ hết vào nguồn học phí nên thiếu trước hụt sau, khó khăn bộn bề nhưng lúc đó cứ nghĩ tới việc không duy trì được trường thì các em học sinh lại khổ nên tôi đã làm việc hết mình, không chỉ cho năm đầu mà còn cả những năm tiếp theo”, cô Phấn bồi hồi nhớ lại. 

Những năm sau đó, cô và những cộng sự của mình xây dựng trường một cách quy củ, nề nếp. Đặc thù của trường bán công là học sinh rất ham chơi, lười học nên cô Hiệu trưởng Trương Thị Phấn đã tìm tòi và đưa ra nhiều sân chơi bổ ích như câu lạc bộ các môn: Văn học, Toán, Lý, Hóa; thành lập các nhóm ca khúc chính trị, thi nấu ăn, cắm hoa, thành lập đội bóng đá, bóng bàn… giúp tinh thần học tập của học sinh được nâng cao và tình cảm thầy trò thêm gắn kết. Kết quả học tập cũng theo đó tăng lên, tỷ lệ tốt nghiệp và đậu vào các trường đại học, cao đẳng cũng tăng theo năm tháng. Lúc bấy giờ “Trường Phú Nhuận B” luôn đi đầu trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của ngành giáo dục toàn thành, tập thể sư phạm nhà trường được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp.

Ngày nay, tiếp nối những thành quả của cô Trương Thị Phấn và thế hệ các lãnh đạo tiền nhiệm để lại, Trường THPT Hàn Thuyên từng bước đi lên, sau đó trường dời về cơ sở mới rộng 7.235m2 trên đường Đặng Văn Ngữ để học sinh có môi trường học tập và sinh hoạt tốt hơn. Nhiều năm liền, trường được nhận bằng khen của UBND TPHCM, Sở GD-ĐT, Trung ương Đoàn. Ngày nay, Trường THPT Hàn Thuyên đã trở thành một trong những trường công lập của TPHCM.

Ngôi trường có “bà ngoại”

Đúng một thập niên sau, năm 1997, cô Trương Thị Phấn chia tay Trường THPT Hàn Thuyên nhưng ngọn lửa giáo dục trong cô vẫn bừng cháy và cô lại bắt tay vào hình thành một ngôi trường THPT dân lập mang tên Hưng Đạo với sứ mệnh cao cả.

Cũng như Trường THPT Hàn Thuyên, với Trường THPT Hưng Đạo, cô Phấn cũng chỉ có 20 ngày chuẩn bị kể từ khi quyết định thành lập trường được ký ngày 15-8-1997. Ngày 5-9, năm học đầu tiên được khai giảng với 554 học sinh, 9 phòng học, vài phòng chức năng. Với sự hậu thuẫn của các thầy cô giáo trẻ, cô Phấn tiếp tục nâng giấc mơ tri thức của hàng ngàn học sinh trong suốt 18 năm qua và đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận từ mặt học tập đến các phong trào sinh hoạt ngoại khóa.

Ở ngôi trường mới, cô Phấn vừa làm hiệu trưởng vừa là một người bà gần gũi với học sinh khi tất cả các thế hệ học trò của trường vẫn luôn gọi cô là “bà ngoại”. Về tên gọi “bà ngoại” được cô Phấn bật mí: “Đó là một ngày cách nay cũng hơn chục năm, có một học sinh lớp 10 vi phạm nội quy nhà trường nhiều lần nên phải mời phụ huynh, em đó về mời bà ngoại của mình lên trường, khi đến nơi nhìn thấy cô hiệu trưởng là cô giáo cũ của mình, bà mừng quá lên tiếng “Thưa cô” và bắt đứa cháu mình kêu cô hiệu trưởng là “bà ngoại”, từ đó danh xưng “Bà ngoại” ra đời. Tôi cũng thích học trò kêu mình bằng “bà ngoại” hơn, vì như vậy khoảng cách cô trò gần gũi, với lại các em cũng đáng tuổi cháu của tôi”.

Tằm vẫn nhả tơ

Nhiều thế hệ học trò của cô Trương Thị Phấn nếu tính đến nay cũng có người đã tầm 70 tuổi, là ông bà của nhiều thế hệ, họ chắc cũng đã an nhàn bên con cháu. Nhưng cô giáo của họ ngày nào, nay vẫn đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức đến cho các thế hệ học trò mới. Cô Phấn vẫn cần mẫn dạy những bài học làm người thông qua những giờ giáo dục ngoại khóa, dạy những bài nhạc cách mạng hào hùng để các em học sinh hiểu hết giá trị mà cha ông đã để lại. Cô như “tằm nhả tơ” và có lẽ đến khi không còn sức lực để đứng trên bục giảng được nữa, cô mới thôi đi ươm ngọn lửa tri thức.

Với hơn 59 năm liên tục gắn bó với sự nghiệp trồng người kể từ năm 1959, cô Trương Thị Phấn đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục của TPHCM đúng 40 năm, đóng góp không nhỏ cho nền giáo dục thành phố. Ghi nhận những đóng góp to lớn của cô Trương Thị Phấn, Đảng, Nhà nước đã tặng cô nhiều huân chương, huy chương cao quý. Đặc biệt năm 2014, cô vinh dự đón nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Hơn 90 tuổi đời, 65 năm theo Đảng, 59 năm làm công tác giáo dục, có lẽ cô là nhà giáo lớn tuổi nhất còn đứng trên bục giảng. Cô Trương Thị Phấn xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ các thầy, cô giáo noi theo học tập.

Chia tay cô, tôi cầu chúc cô thật nhiều sức khỏe, luôn minh mẫn để có thể tiếp tục công việc trồng người, góp phần vào sự nghiệp giáo dục của thành phố.

Cô Trương Thị Phấn từng là bộ đội Thông tin ở Khu 8, Khu 9 Nam bộ thời kháng chiến chống Pháp, sau đó tập kết ra Bắc học khoa Lý tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi tham gia giảng dạy ở các trường: Miền Nam số 1, số 23 Hà Đông; số 4, 13, 18 Hải Phòng. Năm 1975, cô Trương Thị Phấn về lại miền Nam tiếp quản Trường THPT Phú Nhuận và làm hiệu trưởng từ năm 1975 đến năm 1987, rồi tiếp tục dẫn dắt các trường THPT Hàn Thuyên, Hưng Đạo sau này.  Ở cương vị nào cô cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ và luôn đem lại sự an tâm cho phụ huynh khi gửi gắm con mình.

NGUYỄN CHÍ TÂN

Tin cùng chuyên mục