Người góp công phát triển nghề trồng hoa Sa Đéc

“Tôi có tình yêu đặc biệt với màu tím”, tình yêu ấy trở nên mãnh liệt khi những vật dụng trong nhà, tường nhà, cho đến ruộng hoa… của ông Trần Văn Tiếp (ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cũng toàn là tím mộng mơ. Cũng từ đó, sự nghiệp trồng hoa của ông Tiếp rẽ sang một hướng đi mới, trở thành “ông vua” của các loại hoa mới lạ, góp phần phát triển Làng hoa Sa Đéc.

 

Hướng đi riêng

Nằm cặp tỉnh lộ 848, hướng TP Sa Đéc đi TP Cao Lãnh, cách vòng xoay khu công nghiệp Sa Đéc khoảng 6km, căn nhà của ông Tiếp nằm bên tay trái, rất dễ nhận biết bởi toàn bộ được sơn màu tím. Tình yêu hoa của ông Tiếp còn mãnh liệt hơn, khi tuổi ngoài 70 nhưng phần lớn thời gian ông dành cho nghiên cứu, sưu tầm các giống hoa mới lạ, rồi mang về lai tạo để phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng miền Nam phục vụ nhu cầu trang trí của người dân.

 Điểm nhấn trong mắt mọi người là các loại hoa của ông đều có màu tím, lãng mạn, thơ mộng, hay là những giống mới “có một không hai” tại xứ sở ngàn hoa này.

“Sao trồng hoa màu tím mà không phải là xanh, đỏ, vàng, hồng?”.

Ông trả lời không biết nữa! Tình yêu màu tím có vẻ đã ăn sâu vào máu rồi hồi nào không hay. Vì vậy, giờ có ai mặc đồ tím đi ngang qua là tôi ngoái cổ nhìn theo say đắm. Ngoài yêu thích màu tím, thì đây là hướng đi riêng, dẫn đến thành công trong sự nghiệp trồng hoa của ông.

 
Người góp công phát triển nghề trồng hoa Sa Đéc ảnh 1 Ông Tiếp (bìa trái) cùng với nhóm bạn của mình. Ảnh: TÍN HUY
Cũng có thể hiểu, ở làng hoa Sa Đéc có hơn 2.500 chủng loại hoa, phong phú về số lượng, đa dạng về mẫu mã nên khó mà nhớ ai trồng loại nào, đặc tính ra sao. Tuy nhiên, cách ông Tiếp làm là hướng đi riêng, nên khi nhắc đến tên ông thì ai cũng biết.

Ngược về thời gian những năm 1977, thời đó làng hoa ở đây còn nhỏ, bởi nghề trồng hoa chưa phát triển. Hoa kiểng lúc đó, bán chạy nhất vào những ngày giáp tết Nguyên đán hàng năm, còn những tháng còn lại thì đìu hiu. So với các huyện khác trong tỉnh thì không bằng, họ còn trái cây, làm lúa bán quanh năm, trong khi Sa Đéc chỉ một mùa hoa tết.

“Thật lòng, nhiều năm liền tôi không có đón giao thừa ở nhà. Vì năm nào cũng phải chở hoa đi các tỉnh khác để bán hoa. Về đến nhà cũng vừa bước sang ngày mới rồi”, ông Tiếp nhớ lại.  Năm 1986, ông Tiếp trồng 8.000 chậu cúc mâm xôi. Tính hốt bạc để có cái tết linh đình nhưng gặp thời tiết lạnh quá, hoa không nở, thế là “ôm hận”. Năm tiếp theo trồng nhiều hơn năm trước, tính là “đòi lại cả vốn lẫn lãi” nhưng ai cũng có cúc mâm xôi, dội chợ bán không được. Không từ bỏ sự cố gắng, ông Tiếp thuê xe đi các tỉnh miền Trung để bán, nhưng thời tiết ngoài đó mưa phùn, hoa bạc đầu, thúi… “lỗ trắng”. Lúc đó, trong túi chỉ còn 300.000 đồng, ông đi mua cây đàn, đàn hát như “sơn đông mãi võ”, ai thương thì cho ít tiền, nhờ vậy ông mới có vốn mua vé tàu trở về quê...

Ngã rẽ bắt đầu từ đây, ông chuyển sang trồng các giống hoa mới lạ, có màu tím đặc trưng riêng. Năm 2007, trong chuyến đi du lịch Úc, vô tình biết đến cây hương thảo, loại này có mùi hương tinh dầu, thơm dễ chịu nên mua về trồng thử, đặc biệt là có thể làm gia vị. Qua nhiều năm lai tạo, cây đã thích nghi với khí hậu nhiệt đới… thế là cuộc đời của ông thay đổi với đơn hàng đầu tiên bán được 300 cây hương thảo. Càng đặc biệt khi tạo ra mẫu mã mới, tạo dáng bon sai chưng trong nhà với giá lúc bấy giờ là trên 30.000 đồng/chậu. “Để trụ được trong nghề này thì phải tìm hướng đi riêng, nếu ai cũng trồng một giống thì đến một lúc nào đó sẽ dư thừa, giá rớt; do đó mình phải có hướng đi riêng”, ông Tiếp chia sẻ kinh nghiệm 40 hơn của mình.

Những năm trở lại đây, trong những chuyến du lịch của mình, ông tiếp tục tìm những giống hoa mới như cây hỏa châu, màu tím, thơm dịu nhẹ, bông to, lâu tàn… với giá bán cao nhất là 200.000 – 350.000 đồng/chậu.

Nâng tầm thương hiệu hoa Sa Đéc

Ông Trần Văn Tiếp đã góp phần làm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, mang lại một làn gió mới cho người dân làng hoa, với việc lai tạo nhiều giống hoa mới. Điển hình như việc lai tạo các giống hoa ôn đới thích hợp với khí hậu nhiệt đới, mang lại thu nhập ổn định cho người dân Sa Đéc; điển hình là thành công trong việc thuần dưỡng giống hoa cát tường thích hợp với khí hậu ôn đới, đã trồng được tại Sa Đéc.

Ngoài trồng các giống hoa lạ thì ông Tiếp còn thiết kế hoa cho công trình, các khu điểm du lịch… “Tuy nhiên, bao nhiêu đó vẫn không đủ, vì để nâng tầm thương hiệu hoa Sa Đéc, không chỉ là trồng những giống hoa mới lạ, mà cần đào tạo lớp kế thừa”, ông Tiếp bộc bạch. Năm 2018, Hội quán “Tôi yêu màu tím”, được thành lập do ông làm chủ nhiệm hiện cũng là nơi nuôi dưỡng tâm huyết, tình yêu với nghề trồng hoa, cần một thế hệ nữa tiếp bước cho làng hoa truyền thống…

Người góp công phát triển nghề trồng hoa Sa Đéc ảnh 2 Ngoài việc tô điểm cho Làng hoa Sa Đéc bằng những giống hoa mới lạ, ông còn làm công tác thiện nguyện giúp đỡ cho bà con nghèo trên địa bàn TP Sa Đéc. Ảnh: TÍN HUY
Anh Nguyễn Vũ Anh Khoa, cho biết: “Tôi học chuyên ngành nông nghiệp ở Trường đại học Cần Thơ, có lần qua thực tập và biết đến ông Trần Văn Tiếp. Thật ra, lúc học ở trường lý thuyết nhiều hơn thực hành. Do đó, khi về làm việc với ông Tiếp, bản thân đã học rất nhiều về bản vẽ thiết kế hoa công trình cho khách, cùng các kỹ thuật cắt, ghép, chiết cành các loại hoa... Ông là người rất nhiệt tình, sẵn lòng truyền lại hết những kinh nghiệm trồng hoa, cũng như các kỹ thuật chăm sóc hoa kiểng”, anh Khoa cảm nhận. Dự kiến, thời gian tới anh Khoa sẽ cho ra thị trường những giống hoa mới lạ mà bản thân tích luỹ được kinh nghiệm từ ông Tiếp.

Để nâng tầm thương hiệu hoa Sa Đéc, việc tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai mở, gầy dựng, phát triển nghề trồng hoa kiểng Sa Đéc là cần thiết. Do đó, UBND TP Sa Đéc tổ chức lễ tri ân định kỳ hằng năm và năm 2022 là năm thứ 2. Theo ông Nguyễn Văn Hon, Chủ tịch UBND TP Sa Đéc, để phát huy truyền thống và tiếp bước những người đi trước, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch Sa Đéc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, làng nghề văn hóa, tâm linh gắn với hoạt động sản xuất hoa kiểng, góp phần đưa nghề truyền thống của địa phương lên tầm cao mới…

Có thể thấy, thành công của ông Tiếp là nhờ vào sự đột phá trong chuyển đổi phương pháp sản xuất, biết nắm bắt nhu cầu thị trường, lựa chọn giống hoa mới chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Cách làm này đã giúp ông Tiếp có được đầu ra ổn định, với mức thu nhập đáng kể.

Tin cùng chuyên mục