Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, cam sành Hà Giang là một đặc sản nổi tiếng ở miền Bắc. Hiện nay, tổng diện tích cam Hà Giang đã phát triển lên 7.900ha (trong đó diện tích đã cho thu hoạch mới đạt 3.600ha), tập trung chủ yếu tại 2 huyện Quang Bình và Vị Xuyên. Để tránh cảnh được mùa rớt giá, UBND tỉnh Hà Giang đã khống chế chỉ dừng lại ở quy hoạch là 8.000ha. Mặc dù năng suất, sản lượng ngày càng tăng lên nhưng người Hà Nội rất khó mua được cam sành xịn. Trong khi đó, nhiều tư thương nhập các loại cam không rõ nguồn gốc đưa về Hà Nội bán nhưng mượn danh là cam sành Hà Giang, khiến người tiêu dùng khó phân biệt khi mua sắm.
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay khi đi tìm đầu ra cho cam sành Hà Giang là không kết nối được nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ vì chưa có chứng nhận về nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm. Tuy nhiên theo ông Mai Văn Sướng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Giang, hiện nay cơ quan chức năng đã dán được tem truy xuất nguồn gốc lên cam sành Hà Giang và đây là năm đầu tiên triển khai dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc đối với những sản phẩm đạt chuẩn VietGAP (tổng diện tích khoảng 2.400ha).
Còn theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam, việc tổ chức triển lãm về các loại nông đặc sản vùng miền và cam Hà Giang nói riêng là cơ hội để người nông dân làm ra sản phẩm và người tiêu đùng đang có nhu cầu thực sự gặp được nhau trên thị trường.