Đồng chí Phạm Văn Đồng

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ý kiến của anh Phạm Sơn Dương-
Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Đồng chí Phạm Văn Đồng với cách mạng Việt Nam” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1-3-1906 - 1-3-2006) do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội hôm qua 27-2.

Với sự có mặt của gần 100 đại biểu là lão thành cách mạng, cán bộ nghiên cứu khoa học lịch sử và các cán bộ đã từng cộng tác, giúp việc cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hội thảo đã tập trung thảo luận về công lao và sự cống hiến to lớn trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Thủ tướng. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến tại cuộc hội thảo này.

  • PGS.TS TÔ HUY RỨA, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
    Nhà lãnh đạo uy tín, người cộng sản kiên cường
Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 1

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thắp hương tưởng niệm, thăm nơi ở và làm việc của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.Ảnh: TTXVN

Đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam, người cộng sản kiên cường, phấn đấu hoàn thành xuất sắc những trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.

Với trọng trách 32 năm làm Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng rất quan tâm tới công tác củng cố bộ máy chính quyền nhà nước. Theo đồng chí, mở rộng dân chủ nghĩa là phải tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào các hoạt động của các cơ quan nhà nước, từ trung ương tới làng xã, biết tự mình giải quyết những công việc của mình theo đúng Hiến pháp và pháp luật, nhưng mở rộng dân chủ phải đúng nguyên tắc.

Quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên, theo quan điểm Hồ Chí Minh, đồng chí cho rằng Đảng phải chăm sóc cán bộ, đảng viên như người làm vườn, “vừa vun xới cho cây, cho hoa, vừa phải nhổ cỏ, trừ sâu và nhổ cỏ phải nhổ từ gốc, diệt sâu phải diệt từ trứng, có như thế hoa mới đẹp, quả mới ngon”. Đồng chí rất đau lòng khi tệ quan liêu, tham nhũng, ăn cắp phát triển và trở thành “quốc nạn”.

Từ đáy lòng mình, đồng chí nói những lời tâm huyết: “Tôi cho rằng cái nhà của chúng ta hiện nay đang nhiều rác rưởi và dơ bẩn, làm cho quần chúng nhân dân phẫn nộ một cách chính đáng. Trong tình hình như vậy, việc chúng ta phải đặt lên hàng đầu công tác quét cái nhà của chúng ta, quét dọn mọi rác rưởi và dơ bẩn, làm cho nó ngày càng sạch sẽ, có như vậy chúng ta mới có môi trường và cơ hội thuận lợi để làm tốt các công tác khác”. Ý thức trách nhiệm và những quan điểm chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Đồng là rất xác đáng và có ý nghĩa to lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

  • GS.TS PHAN NGỌC LIÊN - ĐH Sư phạm Hà Nội:
    Người làm phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Đồng chí Phạm Văn Đồng, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch  Hồ Chí Minh, đã tiếp nhận và làm phong phú tư tưởng giáo dục của Người trong lý luận và thực tiễn. Theo đồng chí Phạm Văn Đồng, giáo dục là nhân tố có tầm quan trọng bậc nhất không chỉ làm nên sự nghiệp của một con người  mà còn là động lực làm nên lịch sử của một dân tộc, của cả loài người”.

Với vấn đề đổi mới giáo dục ở nước ta, đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói đến “hai điều đáng lo ngại trong hầu hết các trường phổ thông: một là việc quá tải, nghĩa là chương trình và sách giáo khoa quá nặng, bài vở quá nhiều; hai là dạy thêm, học thêm tràn lan. Nguyên nhân của tình trạng quá tải là do người làm chương trình, người viết sách giáo khoa, thậm chí cả một số thầy cô quá tham lam, muốn nhồi nhét nhiều kiến thức, thậm chí có kiến thức không phù hợp với trình độ của các em”.

Trong các bài viết của mình, đồng chí Phạm Văn Đồng đã đề cập rất nhiều đến phương pháp giáo dục nói chung, phương pháp dạy học ở phổ thông, ở đại học nói riêng. Do yêu cầu của việc đào tạo các thế hệ trẻ, theo dự đoán của đồng chí Phạm Văn Đồng, phương pháp dạy học sẽ phát triển rất mạnh với các phương tiện hiện đại: nghe, nhìn... và như vậy, ngành khoa học sư phạm sẽ là “một lĩnh vực quan trọng bậc nhất của nền giáo dục bất cứ nước nào, ở thời kỳ nào”.

  • PGS.TS. HOÀNG TRANG, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
    Thể hiện sinh động phẩm chất đạo đức Hồ Chí Minh
“Tôi hiểu ba của tôi ở góc độ là người con đối với ba, tôi cũng giống như mọi đứa trẻ luôn cần sự quan tâm chăm sóc của ba, mẹ đối với con. Mẹ của tôi không may bị bệnh từ rất sớm, khi tôi còn đang ẵm trên tay, vì vậy tình cảm của ba là tất cả. Ba của tôi là con người rất nghiêm khắc nhưng cũng rất thương yêu tôi. Tôi rất nhớ một câu chuyện về một lần mắc khuyết điểm, không làm đúng lời ba dặn, ba tôi tức giận mặt đỏ lên, đi đi lại lại và nói rất to, lúc đó tôi rất sợ. Nhưng ngay sáng sớm hôm sau, ba gọi tôi đến, ôm tôi vào lòng và xin lỗi vì ba đã nóng giận rồi nhẹ nhàng giải thích cho tôi hiểu rõ khuyết điểm của tôi, vì vậy mà tôi nhớ mãi”.

(Ý kiến của anh Phạm Sơn Dương-
Con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại hội thảo).

Đồng chí Phạm Văn Đồng là học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc sống của đồng chí thể hiện sinh động phẩm chất đạo đức Hồ Chí Minh: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng lo cần kiệm là lo cho cả một nền sản xuất, lo cho đời sống của cả một dân tộc.

Trong lao động, đồng chí yêu cầu phải tính toán từng gram vật tư, vật liệu, phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả lao động, phải tìm mọi giải pháp để không ngừng tăng năng suất lao động. Đồng chí yêu cầu phải triệt để tiết kiệm thời giờ lao động, không đi muộn về sớm.

Ở Phủ Thủ tướng khi đó mọi người còn nhớ hình ảnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng sáng sớm đến giờ làm việc đều “đi tua” các phòng rồi mới trở về phòng làm việc.

Không chỉ tiết kiệm trong sản xuất, đồng chí Phạm Văn Đồng còn yêu cầu phải tiết kiệm trong sinh hoạt, chi tiêu. Là Thủ tướng, đồng chí chắt chiu từng đồng ngoại tệ cho nước nhà và kiểm tra chặt chẽ chi tiêu cho hội họp, ngày lễ.

Cả đời làm Thủ tướng chỉ có một lần đồng chí cho tăng dự trù chi - đó là trường hợp lễ mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, không phải không có người lợi dụng vị trí của mình để lo cho con cái đi học ở nước ngoài, trốn tránh nghĩa vụ quân sự.  Lúc đó, người con trai duy nhất của Thủ tướng mới 17 tuổi cũng được người cha đưa vào nhập ngũ.

VIỆT LAN (ghi) 

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh:
Đồng chí Phạm Văn Đồng là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1-3-1906 – 1-3-2006), sáng 27-2, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến thắp hương tưởng niệm, thăm nơi ở và làm việc của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ca ngợi công lao và những đóng góp to lớn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đối với Đảng ta và sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: Đồng chí Phạm Văn Đồng là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo; tiếp tục sự nghiệp cách mạng của đồng chí, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội là những mục tiêu cao cả mà Đảng ta đã xác định.

Chiều 27-2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải và các thành viên Chính phủ đã đến thắp hương tưởng nhớ  cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại nơi đồng chí đã từng sống và làm việc.

Tin cùng chuyên mục