
Thời chiến tranh Việt Nam, từng có rất nhiều lính Mỹ đào ngũ để phản đối. Chuyện đào ngũ đang tái diễn để phản đối cuộc xâm lược Iraq. Những lính đào ngũ phải trả giá đắt nhưng đã tạo nên một phong trào phản chiến rầm rộ.
- Không ủng hộ cuộc chiến Iraq

Agustin Aguayo (giữa)
Agustin Aguayo là một trong hàng ngàn lính đào ngũ, mới ra tòa án binh Mỹ ở Werzburg (Đức), có thể lãnh 7 năm tù, bị sa thải và không được lãnh lương. Người lính quân y gốc Mexico, 35 tuổi, nói anh không đào ngũ, chỉ là “người nghỉ không phép” (AWOL).
Aguayo thành AWOL sau khi không được chấp nhận là CO (người từ chối nhập ngũ vì lương tâm thấy mục đích cuộc chiến không đúng). Theo quy định quân đội Mỹ, dù đã ký hợp đồng tham gia một cuộc chiến, người lính vẫn có thể trở thành CO. Aguayo xin trở thành CO năm 2004, sau khi ký hợp đồng đi lính hồi năm 2002 để có tiền tiếp tục đi học. Ở quân trường, anh nhận ra mình không ủng hộ cuộc chiến ở Iraq. Sang Iraq lần đầu từ năm 2004 đến 2005, anh không hề lên đạn khi đi tuần. Anh đóng quân ở Tikrit, chữa trị cho đồng đội và dân thường Iraq.
Khi đơn vị được lệnh trở lại Iraq ngày 1-9-2006, anh được miễn theo họ. Nhưng hôm sau, khi được báo vẫn phải lên đường, Aguayo thực hiện kế hoạch đào ngũ. Lúc về căn cứ Mỹ tại Schweinfurt (Đức) lấy hành lý, Aguayo leo cửa sổ phòng tắm, nhảy xe lửa đi Munich, sau đó bay đến Guadalajara (Mexico), qua biên giới Mỹ, đi nhờ xe về nhà ở Los Angeles và ra đầu thú tại một căn cứ Mỹ ở California. Sau đợt AWOL 29 ngày, anh bị giải trở qua Đức xét xử 2 tội “vắng mặt khi chuyển quân” và “đào ngũ ngắn hạn”.
- “Người hùng bất đắc dĩ”
Giới phản chiến ở Đức gọi những người như Aguayo là “người hùng bất đắc dĩ”. Thế nhưng họ lại không thấy mình là “người hùng” bởi chỉ có lựa chọn đó mới có thể thoát những cảnh như phải cưa chân đồng đội để giúp anh ta thoát khỏi chiếc xe quân sự trúng mìn.
Họ còn chịu mất mát khá nhiều nếu may mắn trở về được từ Iraq. Sau khi về nước, anh lính quân y Chris đã mất người vợ vốn chán cảnh chờ chồng. Từng phải chứng kiến những đồng đội chết trận, Chris ước trước đây đã không bỏ phiếu cho ông Bush làm Tổng thống Mỹ, để đến đầu năm 2007, ông tính cử thêm 21.500 lính qua Iraq. Chris nói với báo Đức Spiegel: “Chúng tôi chẳng làm gì để cải thiện tình hình Iraq mà chỉ hoang phí quá nhiều mạng sống”. Anh đang chờ kết thúc hợp đồng để không phải đi Iraq nữa, về nhà hoàn tất việc lấy bằng bác sĩ. Nhưng Chris cũng sợ sẽ ở trong số hàng chục ngàn lính mãn hạn phải ở lại quân đội thêm vài năm.
Lính trẻ John thì lên kế hoạch rất kỹ: về Mỹ hưởng kỳ phép, rồi “đột ngột biến mất”. Anh từng ký hợp đồng đi lính để khám phá thế giới, nhưng rồi chuyên viên liên lạc này vỡ mộng, chỉ thấy may mắn là đôi tay chưa vấy máu. Trung úy Ehren Watada cũng bị ra tòa án binh, thành lính đầu tiên bị xét xử vì từ chối qua Iraq. Người lính gốc Nhật Bản, 29 tuổi, nói cuộc chiến ở Iraq là “phi pháp và phi lý, chỉ có lợi cho chủ nghĩa đế quốc”.
Ngày càng nhiều sĩ quan cũng theo chân lính, muốn trở thành CO, chấp nhận không được lãnh lương và phụ cấp chứ không muốn bị gia hạn phục vụ và nhất là tránh phải sang Iraq .
DIÊN HY (theo Spiegel)