Viettel Mobile sau 2 năm thành lập

“Người khổng lồ” vẫn đang lớn

Ngày 15-10 tới, Viettel Mobile sẽ đón sinh nhật lần thứ 2 của mình, với tư cách là một “người khổng lồ” trong lĩnh vực mạng điện thoại di động ở Việt Nam có vùng phủ sóng lớn nhất và tốc độ tăng trưởng thuê bao cao nhất. Thế nhưng, trước khi vươn vai lớn được như bây giờ, ít ai biết rằng Viettel Mobile cũng có những lần “chết hụt”.
“Người khổng lồ” vẫn đang lớn

Ngày 15-10 tới, Viettel Mobile sẽ đón sinh nhật lần thứ 2 của mình, với tư cách là một “người khổng lồ” trong lĩnh vực mạng điện thoại di động ở Việt Nam có vùng phủ sóng lớn nhất và tốc độ tăng trưởng thuê bao cao nhất. Thế nhưng, trước khi vươn vai lớn được như bây giờ, ít ai biết rằng Viettel Mobile cũng có những lần “chết hụt”. 

  • Chiến lược giá
“Người khổng lồ” vẫn đang lớn ảnh 1

Nhân viên của Viettel đang giải đáp thắc mắc cho khách hàng từ tổng đài.
Ảnh: C.T.V

Một trong những mũi đột kích chính của Viettel ngay sau khi thành lập là chiến lược giá. Viettel đi tiên phong trong việc tính cước theo block 6 giây, giúp khách hàng chỉ trả tiền cước cuộc gọi theo 6 giây một, thay vì phải trả tiền cước theo từng phút của cuộc gọi như trước.

Phương thức tính cước này giúp khách hàng tiết kiệm 10% - 15% chi phí sử dụng hàng tháng.

Nhưng đặc biệt hơn, việc áp dụng cách tính cước này đã giúp khách hàng ít phải tốn tiền cho những thời gian mình không gọi, tạo được thiện cảm trong lòng khách hàng.

Hiện nay, khi mà hầu hết các mạng di động đều tính cước theo block 6 giây, Viettel lại dấn thêm một bước, tính cước theo block 6 giây + 1, để người gọi điện thoại thực sự có được cái quyền “chỉ trả tiền cho những gì mình nói”.

Chiến lược giá của Viettel Mobile còn được thể hiện ở việc áp dụng các gói cước khác nhau như Basic+, Family, VPN dành cho khách hàng trả sau; gói Economy, Daily, Z60, Friend, VPN dành cho khách hàng trả trước.

Mỗi gói cước tiện dụng hơn cho một đối tượng tiêu dùng, Family dành cho khách hàng là nhóm gia đình, VPN dành cho khách hàng doanh nghiệp, Z60 dành cho khách hàng có nhu cầu nghe và nhắn tin nhiều hơn gọi…

Bên cạnh việc áp dụng cách tính cước linh hoạt, Viettel nhấn mạnh chiến lược giá của mình ở những lần giảm giá cước và thông qua các chương trình khuyến mại rầm rộ.

Sự ra đời của doanh nghiệp này đã khởi động những đợt khuyến mại cho tất cả các mạng điện thoại di động tại Việt Nam. Đó là những chương trình khuyến mại chưa có trong lịch sử, như tặng miễn phí một cuộc gọi nội mạng đầu tiên trong ngày trong thời gian 20-9 – 3-11-2005 với thời gian gọi không giới hạn, hay các chương trình khuyến mại gần đây như chương trình khuyến mại những số 6 may mắn; chào mừng 2 năm thành lập và đón thuê bao thứ 5 triệu…

Đặc biệt, chương trình khuyến mại tặng cuộc gọi đầu tiên trong ngày mà không giới hạn thời gian gọi của Viettel Mobile đã gây ra một “cơn sốt”. Ước tính đã có 50 – 55 triệu cuộc gọi với hàng tỷ block 6 giây miễn phí đã được thực hiện trong thời gian này. Số lượng khách hàng tham gia quá lớn, Viettel Mobile bỗng lâm vào một tình cảnh không mấy hay ho: nghẽn mạng!

  • Sóng đừng à ơi...

Nghẽn mạng - đối với một mạng điện thoại di động, đó gần như là một cuộc khủng hoảng. Ngay cả khi việc nghẽn mạng diễn ra trong thời gian khuyến mại, Viettel Mobile đã phải hứng chịu không biết bao nhiêu búa rìu dư luận.

Đối với một mạng điện thoại di động, nếu sóng à ơi, đầy vơi không đúng lúc đã gây rất nhiều khó chịu, thì việc nghẽn mạng cầm bằng biến cái điện thoại di động thành một “cục sắt đắt tiền”! Tham vọng trở thành một mạng điện thoại di động hàng đầu, phủ sóng và phổ biến trên tồn quốc của Viettel bị đe dọa.

Có vẻ như Viettel đã phát triển quá nhanh về số lượng khách hàng, nhanh hơn nhiều so với tốc độ phát triển của hệ thống trạm thu phát sóng. Nhiều người đã tỏ ra e ngại khi nói đến chất lượng sóng của Viettel Mobile. 

Không chỉ có khó khăn nội tại, đối với chất lượng sóng phục vụ khách hàng, Viettel Mobile còn gặp khó khăn trong kết nối với VNPT. Cuộc tranh chấp kết nối giữa hai “ông lớn” này đã diễn ra rất gay gắt vào năm 2005, khi mà trong nhiều tháng liên tục các thuê bao của Viettel không thể gọi sang các thuê bao của VNPT (VinaPhone và MobiFone) và ngược lại.

Khách hàng của Viettel Mobile phàn nàn liên tục. Số lượng thuê bao giảm đi nhanh chóng. Viettel Mobile khẳng định sự cố này là do VNPT không đáp ứng đủ nhu cầu kết nối của mình. Và tranh chấp chỉ thực sự được giải quyết một cách căn bản khi Viettel phải đề nghị Bộ Quốc phòng gửi kiến nghị tới Thủ tướng, và Bộ Bưu chính - Viễn thông trực tiếp vào cuộc. Viettel Mobile bắt đầu “sống lại”. 

Doanh nghiệp này đã tạo cho mình cuộc sống ổn định hơn, mạnh mẽ hơn sau đó. Chất lượng sóng của Viettel liên tục được cải thiện, các trạm thu phát sóng được đầu tư ngày càng nhiều hơn.

Sau 2 năm, Viettel Mobile có 10 tổng đài MSC, 35 BSC, 2.500 trạm phát sóng (BTS), bảo đảm phủ sóng tất cả các quận - huyện, từ biên giới xa xôi đến hải đảo địa đầu của Tổ quốc.

Dung lượng mạng lưới hiện tại của Viettel Mobile có thể đáp ứng nhu cầu của 10 triệu khách hàng- gấp đôi số lượng khách hàng hiện có. Bây giờ, Viettel Mobile đã tự tin khẳng định rằng mình hiện có số trạm BTS nhiều nhất, vùng phủ sóng rộng nhất và dung lượng kênh vô tuyến lớn nhất Việt Nam. Sau 2 năm, Viettel đã trở thành một “người khổng lồ”, nhưng quan trọng hơn, là “người khổng lồ” vẫn đang lớn! “Mục đích của chúng tôi là làm cho các dịch vụ của Viettel Mobile góp phần làm tăng thêm giá trị của công nghệ, khiến công nghệ ngày càng gần gũi và phục vụ cuộc sống tốt hơn” - ông Tống Viết Trung, Giám đốc Viettel Mobile cho biết. 

Công nghệ của Viettel Mobile đang ngày càng gần gũi với cuộc sống hơn, đang ngày càng thu hút người dân Việt Nam sử dụng nhiều hơn.

Nhưng bên cạnh việc phục vụ đời sống dân sinh, có một nhiệm vụ khá đặc biệt có lẽ chỉ có ở riêng Viettel Mobile: phải đáp ứng nhanh và có hiệu quả các yêu cầu của nhiệm vụ an ninh - quốc phòng. Mạng 098 được ưu tiên lắp đặt tại các vị trí quân sự, các vùng hải đảo xa và núi cao vì an ninh quốc phòng. Bên cạnh việc làm kinh tế, “người khổng lồ” này còn trách nhiệm của một người lính.

MINH TÚ

Tin cùng chuyên mục