Người lưu giữ hồn nước

Người lưu giữ hồn nước

Làm việc, cống hiến vì đam mê và trách nhiệm, là những gì mà nhiếp ảnh gia Carol M. Highsmith, người đoạt được rất nhiều giải thưởng danh giá, đã theo đuổi trong sự nghiệp kéo dài hơn 3 thập niên qua. Bà đã thu vào ống kính của mình rất nhiều hình ảnh về nước Mỹ, từ các trang trại nhỏ cho tới các địa danh lịch sử. Vừa qua, nữ nhiếp ảnh gia này đã có nghĩa cử vô cùng đáng trân trọng khi bà tặng tất cả tác phẩm nhiếp ảnh của mình cho Thư viện Quốc hội Mỹ mà hoàn toàn không giữ lại tác quyền.

Nữ nhiếp ảnh gia Carol M. Highsmith

Trong bộ sưu tập đồ sộ mà nhiếp ảnh gia Highsmith đã để lại cho Thư viện Quốc hội ở thủ đô Washington, có hàng trăm tuyệt tác chụp trong các công viên quốc gia của Mỹ, hoặc những địa điểm lịch sử và văn hóa khác trong hệ thống công viên quốc gia. Bà tự hào chia sẻ: “Khi đi khắp nước Mỹ tôi chụp những gì ư? Tôi chụp đủ mọi thứ. Có người hỏi tôi tại sao bà lại chụp cầu Golden Gate để làm gì khi ai cũng đến đó chụp cái cầu. Tôi biết rằng mãi tới 500 năm sau sẽ còn rất nhiều tấm ảnh chụp cầu Golden Gate, nhưng những bức ảnh có độ phân giải cao được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ là những bức ảnh do chính tôi chụp”. Theo bà Highsmith, điều quan trọng là những bức ảnh chụp cảnh đẹp được lưu trữ tại một nơi hiểu biết sâu rộng về vấn đề bảo quản.

Quyết định tặng tất cả tác phẩm nhiếp ảnh cho Thư viện Quốc hội Mỹ của bà Highsmith được truyền cảm hứng từ nhỏ từ Frances Benjamin Johnston (1864-1952), một trong những nữ nhiếp ảnh gia đầu tiên của Mỹ, người được xem là một nhiếp ảnh gia yêu nước. Bà Johnston đã tặng toàn bộ số tiền tác quyền từ những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị của mình.

Nỗ lực cống hiến hết mình cũng xuất phát từ những chuyến đi sáng tác. Như tại Yellowstone, công viên quốc gia đầu tiên của Mỹ, địa danh mà bà Johnston cũng từng đặt chân đến 100 năm trước, nữ nhiếp ảnh gia Highsmith đã bị mê hoặc bởi những con bò rừng bởi theo bà các con bò rừng ấy trông giống như là những động vật đến từ cách đây cả trăm ngàn năm. Ngắm nhìn cảnh đẹp bao la của công viên Yellowstone qua các mùa: đông, thu rồi tới xuân, ngắm những con bò rừng con mới ra đời, các con bò rừng mẹ, khiến cho bà luôn loay hoay với câu hỏi: Liệu cảnh đẹp này sẽ tồn tại mãi mãi? Các thế hệ sau này có biết đến một Yellowstone như thế? Điều đó đã tạo động lực để bà chụp lại những bức ảnh để lưu giữ lại vẻ đẹp của đất nước Mỹ cho thế hệ trẻ sau này.

Bà Highsmith chụp hình bất kể giờ giấc, trong mọi điều kiện thời tiết, thậm chí bà đã vượt qua được nỗi sợ hãi khi phải bước lên máy bay. Bà kể rằng nhờ vượt qua nỗi ám ảnh máy bay đó, bà cũng đến được Alaska và đi thăm công viên quốc gia Denali. Bà muốn chụp cảnh Alaska, chụp tảng băng Ruth rộng lớn ở đó, bởi biết rằng một ngày nào đó nó có lẽ không còn tồn tại nữa. Chính nỗi lo sợ canh cánh trong lòng rằng những thắng cảnh và địa danh mang tính biểu tượng của nước Mỹ một ngày nào đó sẽ biến mất, là nguồn động viên nhà nhiếp ảnh.  

Một tấm ảnh chụp Công viên quốc gia Yellowstone của nữ nhiếp ảnh gia Carol M. Highsmith

Đến nay, một trong những trải nghiệm mà bà Highsmith cho rằng mang ý nghĩa đặc biệt đó là việc nhà nhiếp ảnh này có mặt tại nhà hát Ford, địa điểm nơi Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát, đúng 150 năm sau sự kiện lịch sử đó. Hôm đó, một số diễn viên diễn lại cảnh này, một người đàn ông cầm một ngọn nến thắp sáng cả gương mặt của ông này làm bà có cảm tưởng như có mặt ngay trong cái đêm định mệnh ấy. Bà cho biết bà đã chụp bộ trang phục Tổng thống Lincoln mặc vào đêm ông bị ám sát, với cả những vết máu trên đó. “Đến gần những kỷ vật lịch sử, thật không thể nào diễn tả bằng lời”, bà Highsmith nói.

Với những cống hiến không biết mệt mỏi, nữ nhiếp ảnh gia Highsmith chắc chắn sẽ được các thế hệ người Mỹ nhớ đến không chỉ vì các tác phẩm nghệ thuật có giá trị mà còn là về một con người lưu giữ hồn của nước Mỹ qua những bức ảnh, sống đam mê và đầy trách nhiệm với đất nước.

Minh Châu

Tin cùng chuyên mục