
Khi tôi nói lời chúc mừng Già là người dân tộc Châu Ro đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Già nở nụ cười hiền, rung rung chòm râu bạc: “Tui biết Đảng, Nhà nước tin tưởng tui và tui cũng hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân gian, dân tộc. Càng phát triển đời sống kinh tế, xã hội, mình càng phải giữ cho được cái gốc văn hóa. Mất cái đó là mất hết”…

Già làng – Nghệ nhân Năm Nổi hướng dẫn một cháu bé cách chơi đàn Goong ca la. Ảnh: P.T.S.
Theo lời giới thiệu của các cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, tôi cùng một đồng nghiệp ở báo Đồng Nai thực hiện cuộc hành trình bằng xe gắn máy rời thành phố Biên Hòa về huyện Vĩnh Cửu, khi tiết trời xuân đã se se. Vượt qua những cung đường như dải lụa thẫm xuyên qua những cánh rừng bạt ngàn, chúng tôi tới một ngôi làng với những nếp nhà bình dị nằm giữa rừng Sa Mách, bên con suối cùng tên ở vùng rừng núi Chiến khu Đ, thuộc xã Phú Lý.
Làng quê của dân làng Châu Ro bên con suối Sa Mách là nơi sinh sống của một con người được ví như pho từ điển, pho tư liệu sống về Chiến khu Đ và lịch sử văn hóa dân tộc Châu Ro. Ông là Già làng Năm Nổi, người vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào cuối năm 2008. Chòm râu dài bồng bềnh tựa một suối mây trắng trên gương mặt cương nghị, phúc hậu, trông Già làng Năm Nổi như một ông tiên giữa đại ngàn.
Già dẫn chúng tôi theo lối cầu thang leo lên căn gác ngôi nhà sàn, nơi Già lưu giữ rất nhiều hình ảnh, hiện vật truyền thống của đồng bào dân tộc Châu Ro qua các giai đoạn lịch sử. Già mời chúng tôi ngồi xuống giữa sàn, ngay dưới cái bàn thờ tam cấp, được làm bằng tre, đã ngả màu đen bóng. Chênh chếch bên cửa sổ, ánh nắng ban mai theo một đường nghiêng rọi vào bàn thờ. Già ôn tồn giới thiệu:
- Đây là bàn thờ dùng để cúng lễ Nhang lúa, Nhang rừng, Nhang nhà của người Châu Ro xưa. Phong tục này giờ đây đã bị mai một vì một số nghi lễ mang tính mê tín không còn phù hợp. Tui đang bàn với ngành văn hóa tỉnh khôi phục theo hướng tổ chức lễ hội, giữ lại những nét đẹp của phong tục, những gì cổ hủ, lạc hậu, mang tính mê tín dị đoan thì lược bỏ.
Già kể: theo truyền thuyết của đồng bào Châu Ro, sự sướng khổ của cuộc sống con người được quyết định bởi ba vị thần, đó là Thần Lúa, Thần Rừng và Thần Nhà, trong đó Thần Lúa quan trọng hơn cả. Vào kỳ lúa trổ bông là lúc Thần Lúa xuất hiện. Cái “uy” của Thần Lúa cao đến nỗi khi vị thần này xuất hiện, mặt trời không đi theo phương thẳng đứng ngang trên đầu ngọn lúa, vì sợ bị Thần Lúa quở trách, mà phải đi nghiêng. Khi Thần Lúa xuất hiện cũng là lúc mùa xuân vào độ chín. Ngày xưa, cứ vào mùa lúa trổ bông, tầm đầu tháng ba ta, người Châu Ro mở lễ cúng rình rang trên đồng. Họ đốt lửa, mổ heo, gà, mời thầy cúng về làm lễ mấy ngày đêm liền…
Năm nay Già làng Năm Nổi bước vào tuổi bát thập có lẻ, là cây đại thụ của cộng đồng người dân tộc Châu Ro ở tỉnh Đồng Nai và là Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh. Làng Châu Ro bên dòng suối Sa Mách là nơi chôn rau cắt rốn của Già. Hầu hết các hộ dân trong làng đều là người bản địa. Làng được gọi theo ngôn ngữ người Kinh là làng Lý Lịch (trước đây thuộc xã Lý Lịch), xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Cái tên của Già, theo tiếng Châu Ro, đọc là Tơ Tơ, nghĩa là “nổi”, mang ý nghĩa, hình bóng in trên suối.
Thuở Già mới sinh ra, các đấng sinh thành và Già làng chọn cái tên ấy với mong muốn đứa bé của buôn làng sau này sẽ là người mang tâm hồn của suối, cái nghĩ trong như nước suối, cái chí thẳng như cây rừng, như con suối Sa Mách, mãi mãi giữ vững sự tinh khiết, trong sạch. Lên 7 tuổi, Năm Nổi bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên trên con đường cách mạng, làm giao liên cho Việt Minh. Thời đó vùng này rừng rậm bao phủ, làng chỉ có ngót chục nóc nhà sàn.
Người dân sinh sống bằng nghề hái lượm và săn bắt thú rừng. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, dân làng bắt gặp những người đi dép cao su, mặc áo vải đến, nói là người của Đảng, của Cụ Hồ. Họ đến đây tìm sự che chở của núi rừng, sự đùm bọc của buôn làng để xây dựng căn cứ địa đánh Tây. Đó là sự khởi nguồn của Chiến khu Đ huyền thoại. Năm Nổi được giác ngộ cách mạng từ đó. Khi địch đánh hơi được căn cứ Chiến khu Đ, chúng tổ chức bố ráp, săn lùng dữ dội. Năm Nổi cùng người của làng phải tìm cách nuôi giấu cán bộ. Họ dẫn cán bộ vào sâu trong rừng, chọn nơi gần ngọn những con suối nhỏ, làm lán cho cán bộ ở trong những hốc đá.
Vào năm 1952, một trận bão lớn nổi lên kèm theo những ngày mưa dữ dội làm cho vùng này ngập chìm trong biển nước. Mùa màng mất sạch. Làng rơi vào cơn đói. Người của làng bảo, do bọn giặc Tây càn quét, bắn phá, cướp bóc nên Thần Lúa, Thần Rừng vùng này đã đi “lánh nạn”, không phù hộ cho con người nữa. Lễ hội Nhang lúa, Nhang rừng... không tổ chức được. Dân làng một lòng giúp sức Việt Minh làm cách mạng đánh đuổi giặc cướp nước.
Không còn hạt gạo, củ khoai nữa, Năm Nổi cùng đám trai tráng trong làng mang gùi vào rừng đi tìm củ chụp, hái nấm, đào củ mài về nuôi cán bộ. Nhờ trời phù hộ, họ tìm được một ngọn đồi có rất nhiều củ chụp. Họ đánh dấu đường đi rồi đặt tên cho ngọn đồi này là đồi Củ Chụp. Cái “mỏ” lương thực này đã nuôi sống dân làng và cán bộ cách mạng suốt những năm ròng kháng chiến trong điều kiện đói khát, khó khăn...
- Bây giờ đồi Củ Chụp là một địa chỉ quan trọng trong cụm Di tích lịch sử Chiến khu Đ – Già nói với tôi, rồi chỉ tay về phía chái nhà. Ở đó Già treo một cái lưỡi cuốc đã mòn vẹt đến tận quai. Đó là loại lưỡi cuốc có từ thời kháng Pháp, có lưỡi ở hai đầu, một đầu dẹt, một đầu nhọn. Đây là kỷ vật một thời trai trẻ của Già dùng để đi đào củ chụp nuôi cán bộ cách mạng, suốt từ những năm kháng chiến chống Pháp cho đến thời kỳ chống Mỹ.
Mỗi bước đi trong cuộc đời của Già làng Năm Nổi đều gắn với những thăng trầm của dân làng Châu Ro bên dòng Sa Mách. Nhờ đi theo cách mạng, Già được học văn hóa, học lý luận chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc. Già hiểu, trách nhiệm nặng nề của thế hệ Già là truyền được ngọn lửa cách mạng mà Đảng, Cụ Hồ đã thắp lên trong tim cho thế hệ con cháu.
Chiến tranh đi qua, làng Lý Lịch và nhiều cộng đồng dân tộc Châu Ro ở những vùng quê khác cứ loay hoay mãi với đói nghèo, lạc hậu. Khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí phát triển hạ tầng cơ sở, mở hướng làm ăn phát triển kinh tế, đời sống đồng bào dần khấm khá. Nhưng những nét văn hóa truyền thống Châu Ro cũng theo đó mà nhạt phai dần. Già tâm sự:
- Con trai, con gái trong làng rất ít đứa biết đánh cồng, chiêng. Người của làng bỏ thú vui làm kèn bầu, kèn lá, làm đàn... Kiểu thổi kèn gọi bạn tình bên suối ngày xưa cũng vắng dần. Thanh niên bây giờ chỉ thích hát ka-ra-ô-kê thôi.
Phải làm một điều gì đó để giữ bản sắc văn hóa Châu Ro. Đó là lý do để Già dành những năm tháng, sức lực, tâm huyết cuối đời để đi sưu tầm, gìn giữ vốn văn hóa Châu Ro. Có rất nhiều hiện vật Già lưu giữ được từ ông bà để lại, hoặc qua mấy mươi năm tham gia kháng chiến. Có những hiện vật Già sưu tầm từ dân làng hoặc được các cán bộ Việt Minh năm xưa tặng lại. Tôn chỉ Già đặt ra, đó phải là những hiện vật liên quan đến lịch sử, văn hóa dân tộc Châu Ro.
Đến nay, Già đã sưu tầm được hơn 200 hiện vật, hình ảnh về lịch sử, văn hóa dân tộc Châu Ro, trưng bày trong ngôi nhà làm theo kiểu nhà sàn dài, một kiến trúc độc đáo của người Châu Ro xưa. Kiểu nhà này ngày nay rất hiếm gặp. Cả làng Lý Lịch hiện nay cũng chỉ còn duy nhất căn nhà này. Các hiện vật, được Già sắp xếp, trưng bày theo tuần tự thời gian, chủng loại. Già hướng dẫn và giới thiệu rất tỉ mỉ cho tôi biết về xuất xứ, ý nghĩa của từng hình ảnh, đồ vật.
Nơi trang trọng nhất là hình ảnh Bác Hồ, Lênin, Các-Mác. Phía dưới là hình ảnh các đồng chí đã từng được gia đình Già và dân làng nuôi giấu, bảo vệ trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như: Huỳnh Văn Nghệ, Mai Chí Thọ, Đinh Đức Thiện, Phạm Hùng... Nơi trưng bày hiện vật, bên cạnh chiếc bàn thờ cổ, là một dãy có đến mấy chục bộ răng hàm thú rừng các loại, được treo kín trên chái nhà phía Đông.
Già cho biết, đó là những bộ răng hàm của các con thú do dân làng đặt bẫy, săn bắn được từ mấy chục năm về trước, khi thú rừng còn nhiều như... heo thả rông. Già giữ lại những bộ răng hàm thú này, vừa để làm bằng chứng lịch sử về cuộc sống khẩn hoang của người Châu Ro, vừa để truyền thông điệp: “Thú rừng bây giờ tuyệt chủng đến nơi rồi, hãy bảo vệ chúng, đừng săn bắt nữa”.
Trên các bức vách thưng bằng gỗ, Già trưng bày những dụng cụ sinh hoạt, săn bắt, làm nương rẫy của cộng đồng người dân tộc Châu Ro xưa như: các loại gùi, cung, tên, nỏ, giáo, mác, dụng cụ đuổi thú rừng, các loại bẫy thú, dụng cụ đào củ chụp... Tiếp đến là các loại dụng cụ, nhạc cụ sinh hoạt văn hóa như: kèn bầu, kèn lá, đàn Goong ca la, cồng, chiêng…
Ở chái nhà và bức vách phía Tây là bộ sưu tập về các loại vật dụng, trang phục của Việt Minh và người dân Châu Ro trong kháng chiến chống Pháp, của bộ đội Giải phóng quân trong kháng chiến chống Mỹ như: thắt lưng, bi đông, mũ tai bèo, tăng, võng, hòm đạn... Trên mỗi hiện vật, Già dán một mảnh giấy, chữ được đánh máy vi tính cẩn thận, ghi rõ chủng loại, tên gọi, xuất xứ (phiên âm cả tiếng Việt và tiếng Châu Ro). “Làm thế này để đến khi tui nằm xuống đất thì lớp con cháu còn có cái mà biết, mà nhớ về cội nguồn lịch sử truyền thống văn hóa của dân tộc Châu Ro” – Già bùi ngùi nói với tôi như vậy.
Ngồi tâm sự với Già và xem bộ sưu tập hình ảnh, hiện vật của Già chúng tôi rưng rưng cảm động trước công sức, tâm huyết của Già. Dẫu sức khỏe đã ở phía chân dốc cuộc đời nhưng Già vẫn luôn đau đáu, nung nấu nhiều dự định về công tác giáo dục thế hệ trẻ, khôi phục phát triển vốn văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc Châu Ro. Bất cứ ai khi đến đây cũng có thể hình dung về cuộc sống, hành trình phát triển của đồng bào dân tộc Châu Ro qua các thời kỳ gắn với những giai đoạn quan trọng của lịch sử đất nước.
Già phấn khởi báo tin vui, theo đề nghị của Già, ngành văn hóa tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch xây dựng tại làng một ngôi nhà truyền thống theo kiểu nhà sàn dài bề thế hơn, để làm nơi bảo tồn các hiện vật, hình ảnh văn hóa Châu Ro mà Già đã dày công sưu tầm, gìn giữ. Nhà dài còn là nơi truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống. Những năm gần đây, sau mỗi vụ thu hoạch mùa màng, Già làng Năm Nổi lại tập hợp lớp trẻ dân làng lại dạy cách đánh cồng chiêng, cách làm và chơi các loại dụng cụ, nhạc cụ dân tộc, dạy múa hát các làn điệu dân ca truyền thống, bảo tồn ngôn ngữ âm nhạc dân gian Châu Ro.
“Đáng mừng là thời gian gần đây đã có nhiều cháu thanh niên, học sinh tự giác tìm đến tui để học cách đánh cồng, chiêng, chơi nhạc cụ dân tộc. Nhiều cháu có năng khiếu và tiếp thu rất nhanh. Đó thực là niềm vui lớn nhất của tui”. Tiễn chúng tôi ra đến bờ suối Sa Mách, Già làng Năm Nổi bắt tay thật chặt và nói như vậy.
PHAN TÙNG SƠN