Đã gần 20 năm hoạt động trong nghề biểu diễn thời trang với tư cách là người mẫu và nay là Giám đốc Elite - công ty đào tạo, quản lý người mẫu, Thúy Hằng (ảnh) có thể coi là một trong những người am tường về công việc này. Trước những mặt trái của giới “chân dài” xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với chị về những cạm bẫy của nghề.
* PV: Trong thời gian gần đây, thông tin về việc phát hiện nhiều đường dây người mẫu, người đẹp bán dâm với giá hàng ngàn USD khiến dư luận dấy lên nhiều lo ngại. Là người phụ trách một trong những đơn vị đào tạo người mẫu, chị nghĩ gì về việc này?
* Người mẫu THÚY HẰNG: Xã hội phát triển thì có những vấn đề mặt trái, mặt phải, nhưng nỗ lực để mặt phải phát huy tối đa thì mặt trái sẽ bị hạn chế nhiều. Không chỉ người mẫu mà nghề nào cũng vậy, đều có mặt trái. Nhiều người chưa từng được đào tạo hay chỉ mới xuất hiện trong dăm ba cuộc trình diễn nhỏ cũng tự xưng danh người mẫu. Chính điều đó đã khiến dư luận hoang mang không hiểu thực sự công việc của người mẫu là gì.
* Phải chăng những sự việc trên chính là hệ lụy của việc trở thành người mẫu quá dễ dàng?
* Kỹ năng của một người mẫu chuyên nghiệp không đơn giản, bởi nghề người mẫu là nghề tổng hợp của rất nhiều nghề khác như diễn viên, múa, kịch hình thể… Các bạn sẽ phải học cơ bản từ những bước đi, bước xoay, cách giải phóng cơ thể, cách thể hiện biểu cảm trên gương mặt. Còn bây giờ, thậm chí một bạn gái tham dự một cuộc thi sắc đẹp cũng có thể trở thành người mẫu mà không cần trải qua quá trình đào tạo về những kỹ năng cơ bản.
* Vậy điều gì dẫn tới sự dễ dãi ấy?
* Như tôi đã nói, phần lớn các trường hợp tiêu cực đều là hoạt động tự do. Nếu mỗi người mẫu đều gắn với một đơn vị quản lý nào đó thì họ phải chịu sự rằng buộc bởi các quy định, các tiêu chí hành nghề. Phía quản lý cũng có trách nhiệm chỉ dẫn, hướng dẫn họ đứng vững trong môi trường làm việc nhiều cám dỗ.
* Lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ khi bước chân vào môi trường đầy cám dỗ?
* Thực tế, nghề người mẫu không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài cũng vậy, luôn ẩn chứa nhiều cạm bẫy. Nếu các người mẫu có môi trường làm việc tốt, có công việc ổn định, thu nhập tốt thì chắc chắn việc làm ảnh hưởng tới danh dự của nghề nghiệp là khó.
Trên thực tế, có nhiều em đến với công việc người mẫu khi mới 14-15 tuổi. Với các trường hợp này, ngoài việc lựa chọn môi trường tốt, chúng tôi luôn lưu ý những ông bố, bà mẹ khi cho con tham gia lĩnh vực này cần phải có chuẩn bị về vật chất cũng như tinh thần để giúp con có điều kiện luyện tập, chế độ dinh dưỡng cũng như tránh những điều không hay. Giáo dục từ gia đình là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để hình thành nhân cách.
* Theo chị đâu là giải pháp để giảm thiểu những mặt trái của nghề này?
* Không riêng nghề người mẫu mà như mọi công việc khác, những người hoạt động tự do đều rất khó kiểm soát. Kể cả những người bán hàng ngoài chợ mà hoạt động tự do, không theo khuôn khổ nào thì cũng khó quản lý. Mặt trái của nghề chỉ hạn chế khi có đơn vị quản lý. Như nhà báo chẳng hạn, khi hành nghề đều được cấp thẻ, mã số ký hiệu; cán bộ công nhân nhà nước cũng vậy, nhưng với người mẫu mặc dù được coi là một nghề nhưng lại chưa có được sự công nhận như vậy. Nên chăng người mẫu, khi đầu quân cho bất cứ một công ty nào thì đơn vị đó phải có trách nhiệm xin cơ quan quản lý biểu diễn cấp mã số cho cá nhân đó. Đây là sự khẳng định nghề nghiệp được xã hội công nhận đồng thời cũng tránh hiện tượng mạo danh làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh nghề nghiệp.
MAI AN (thực hiện)