Người miền Tây ham đọc sách

Tại hội sách Cần Thơ lần thứ 1-2015 (diễn ra từ ngày 26 đến 31-3), sự tham gia của 54 đơn vị làm sách với khoảng 160.000 tên sách và 1,8 triệu bản ấn phẩm đã chứng minh rõ: Văn hóa đọc ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất tiềm tàng, mạnh mẽ!
Người miền Tây ham đọc sách

Tại hội sách Cần Thơ lần thứ 1-2015 (diễn ra từ ngày 26 đến 31-3), sự tham gia của 54 đơn vị làm sách với khoảng 160.000 tên sách và 1,8 triệu bản ấn phẩm đã chứng minh rõ: Văn hóa đọc ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất tiềm tàng, mạnh mẽ!

Đạo diễn Lê Hoàng trong hội sách

Đông như đi coi hát bội

Trong gian hàng của Nhà sách Phương Nam, đạo diễn Lê Hoàng lọt giữa vòng người bao quanh. Tay ký, miệng liên tục tiếp thị rất “duyên”: “Nếu là giáo viên nên mua cuốn này để biết dạy thế nào hay hơn? Bạn đọc tập này đảm bảo sẽ hết đêm, quên cả bạn gái”. Ông là người “lì” nhất trong các tác giả giao lưu, hiện diện từ ngày khai mạc đến khi kết thúc. Gian hàng Phương Nam Books còn có sự giao lưu của NSƯT Thành Lộc, nhà văn Hạnh Ngộ, ca sĩ Phạm Hồng Phước, MC Tùng Leo… Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau) cũng ký tên mỏi tay trước hàng dài bạn đọc xếp như rồng rắn giữa trời nắng rát. Có bạn trẻ mua liền một lúc cả chục cuốn sách của tác giả nữ này. 

Công viên Lưu Hữu Phước chật kín người. Ngày đầu khai mạc hội sách Cần Thơ, khoảng 10.000 độc giả đã đến với hội sách. Trên 13.000 người vào ngày thứ hai. Lượng khách vẫn tăng lên trong những ngày tiếp theo, nhất là vào buổi tối. Hội sách thu hút đủ mọi lứa tuổi, thành phần và không chỉ là người Cần Thơ. “Xếp hàng như đi coi hát bội ngày xưa vậy”, ông Hồ Hoàng, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Cần Thơ nhận xét. “Cần Thơ lâu rồi không có những cảnh này”, rất nhiều người khẳng định. 

Doanh thu của các nhà xuất bản, nhà sách tăng cao, trung bình đạt 150 triệu đồng đến hơn 300 triệu đồng/ngày. Cũng là dịp hiếm có để các nhà văn ĐBSCL, TPHCM gặp gỡ, trao đổi giao lưu với bạn đọc và với nhau, đầy hứng thú thông qua nhiều buổi tọa đàm chuyên đề rất thiết thực. Giám đốc NXB Chính trị quốc gia - Chi nhánh ĐBSCL Trần Bình cho biết ba mảng sách được đơn vị chú ý lần này là chủ quyền biển đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử và các danh nhân. Sách, tư liệu về biển đảo được in ấn đẹp, đa dạng hình thức hiện diện ở hầu hết các gian hàng và được trưng bày rất ấn tượng.

Định hình hội sách

Lần đầu tiên, người Cần Thơ và ĐBSCL được chứng kiến và “ngợp” trong thế giới sách. Khoảng 160.000 tên sách với 1,8 triệu bản ấn phẩm của 54 đơn vị làm sách tham gia ngày hội. Nhiều chương trình khuyến mãi, vui chơi giải trí được tung ra. Nhiều cuốn sách mới phát hành xuất hiện trong hội sách: Nhật ký học làm bánh (Linh Trang), Cà phê đợi một người (Cửu Bả Đao), Dành hết cho em (Nicholas Sparks)… Một số nhà xuất bản, các cơ sở in lớn còn tranh thủ tiếp xúc giới thiệu công nghệ, chất liệu in sách với các đối tác.

Đạo diễn Lê Hoàng cho biết, dù không đông như TPHCM (đã tổ chức 16 kỳ) nhưng mới lần thứ nhất như vậy là thành công. Hơn 90% kinh phí tổ chức từ nguồn xã hội hóa là tín hiệu tốt, chứng tỏ ĐBSCL trong mắt các đối tác vẫn là thị trường lớn, hấp dẫn. “Nếu hội sách là một phép thử thì nó đã chứng tỏ văn hóa đọc ĐBSCL rất tiềm tàng, mạnh mẽ. Sách in vẫn là thứ không thể thay thế dù sách báo điện tử phát triển đến mức độ nào. Nó là con sóng ngầm trong khi văn hóa mạng là bề nổi”, nhạc sĩ Hồ Hoàng khẳng định.

Nhiều vấn đề được gợi ra từ hội sách lần này. “Không ngờ lại thành công vậy. Nên mở rộng lên quy mô đồng bằng; truyền thông, quảng cáo trước khai mạc rộng rãi hơn”, Giám đốc Nhà sách Phương Nam Cần Thơ Phạm Thị Phương Trang, góp ý. “Sách in đọc thích hơn nhưng còn mắc quá. Giảm giá tưng bừng như vầy mới tiếp cận được”, Tường My, sinh viên năm 3 Trường ĐH Cần Thơ cho biết. Có thể điểm ra những mong muốn của người dân đồng bằng về hội sách: Một “dòng sách rẻ”, phù hợp thu nhập người dân miền Tây sẽ xuất hiện; sự có mặt của các nhà sách, NXB lớn cùng các nhà văn tên tuổi tạo độ “hot” cho hội sách; thị trường cho sách thiếu nhi, nghiên cứu  lịch sử, văn hóa, khám phá, du lịch vẫn đầy hứa hẹn; sự liên kết của 13 hội văn học nghệ thuật trong vùng để giới thiệu tác giả, tác phẩm sẽ có ở những kỳ tiếp theo…

Người miền Tây Nam bộ ham đọc sách. Điều đó đã rõ rồi. “Sẽ định hình hội sách, 2 năm/lần vào những năm lẻ, bắt đầu từ 2015”, ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT-TT kiêm Trưởng ban tổ chức hội sách Cần Thơ lần thứ nhất, cho biết.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục