Lee Higman, một nghệ sĩ 71 tuổi ở Bellevue, bang Idaho, Mỹ, đã bị sốc khi tháng trước bà nhận được thông báo từ Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) báo rằng lô hàng của bà mua từ nước ngoài đang bị giữ. “Lô hàng” này chỉ là 90 viên thuốc estrogen hiệu Vagifem mà bà đặt mua từ một công ty dược ở Canada đã bị thu giữ như một loại thuốc bất hợp pháp tại sân bay quốc tế Los Angeles. Nếu như giá bán Vagifem ở Canada 100 USD thì tại Mỹ giá thuốc này có thể lên đến 1.000 USD.
Trước đây, dược phẩm có xuất xứ từ Mỹ được đánh giá cao và ngành công nghiệp dược phẩm của Mỹ mỗi năm thu về lợi nhuận hàng chục tỷ USD. Nhưng vài năm trở lại đây, giá thuốc liên tục tăng khiến hàng triệu người Mỹ bắt đầu đặt mua thuốc từ nước ngoài dù biết rằng đó là hành động phi pháp. Đối với những người Mỹ không có bảo hiểm y tế, việc mua thuốc chữa bệnh là một chi phí rất lớn so với thu nhập của họ. Bình luận một bài báo của New York Times, hàng ngàn độc giả Mỹ chia sẻ họ phải nhờ bác sĩ kê gấp đôi liều dùng cần thiết hoặc giảm đi một nửa, hoặc “mượn” thuốc của những người quen có cùng bệnh đang có bảo hiểm y tế. Nhưng cách nhiều người làm nhất là đặt mua thuốc từ nước ngoài.
Hiện nay người Mỹ phải trả tiền thuốc cao hơn 40% so với người Canada, 75% so với người Nhật và gấp 3 lần ở Đan Mạch.
Bà Diana Simonson, một lập trình viên máy tính ở Glens Falls, New York, bị bệnh hen suyễn. Bà mua những ống hít từ Canada có cùng nhãn hiệu, cùng nhà sản xuất với loại mà trước đây bà đã từng mua tại Mỹ nhưng chúng được sản xuất ở một nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Malaysia có giá rẻ hơn nhiều. Kristen Bailey ở bang Colorado cũng bắt đầu đặt thuốc từ Ấn Độ khi cô được chẩn đoán mắc chứng bệnh Crohn – một chứng bệnh khiến đoạn cuối ruột non bị tổn thương. Hóa đơn tiền thuốc của cô lên đến hàng chục ngàn USD. Đối với những bệnh nhân sống gần biên giới Canada hay Mexico, việc mua thuốc đơn giản hơn nhiều, chỉ cần lái xe vài chục phút qua biên giới mua thuốc và chạy về. Vì vậy, sau khi có người mách nước, bà Higman cho biết sắp tới nhân chuyến thăm con ở Seattle, bà sẽ sang Vancouver của Canada để mua thuốc.
Theo luật của Mỹ, các chương trình bảo hiểm y tế của Mỹ bị cấm nhập khẩu thuốc từ nước ngoài, kể cả tái nhập thuốc được sản xuất tại Mỹ. Vì theo FDA, họ không kiểm soát được chất lượng thuốc và liệu thuốc “made in USA” có bị làm giả khi đã ra khỏi biên giới nước Mỹ không. Và dĩ nhiên luật này đang mang lại lợi nhuận rất lớn cho các công ty dược, chỉ riêng chương trình Medicare của chính phủ đang mang lại lợi nhuận cho các công ty này 76 tỷ USD/năm. Như vậy, họ được ưu đãi còn nhiều hơn các ngành công nghiệp được bảo hộ. Mặc dù ban đầu chính phủ của Tổng thống Obama từng đề xuất cho phép nhập khẩu một số thoại thuốc, tuy nhiên ý kiến này sau đó đã bị loại khi bị ngành công nghiệp dược phẩm phản đối dữ dội. Điều này phản ánh sự bảo hộ các công ty dược phẩm trong nước.
Theo Tim Smith, Tổng Giám đốc của Hiệp hội Dược phẩm quốc tế Canada, các thành viên của tổ chức này thường mua thuốc theo toa cho khoảng 1 triệu người Mỹ mỗi năm.
HẠNH CHI