Người nghèo châu Phi và vấn đề nhập cư trái phép vào châu Âu

Nhiều người từ các nước nghèo ở châu Phi luôn tìm cách nhập cư trái phép vào châu Âu, nơi họ xem là “đất hứa”. Con đường được họ chọn lựa nhiều nhất là đến Marốc, chờ cơ hội để vào châu Âu qua các “cửa ngõ” Ceuta hoặc Melilla, 2 thành phố nhỏ của Tây Ban Nha có vị trí đặc biệt: nằm ở Marốc! Người châu Phi nhập cư trái phép vào châu Âu qua ngã này ngày càng gia tăng, gây nhiều khó khăn cho các nước liên quan.

Ceuta và Melilla nằm ở Bắc châu Phi, bên bờ Địa Trung Hải, trên lãnh thổ Marốc nhưng hơn 500 năm nay 2 thành phố nhỏ có tổng diện tích chỉ 32km2 này thuộc Tây Ban Nha, dù Marốc luôn đòi chủ quyền. Vị trí đặc biệt của Ceuta và Melilla đã được nhiều người châu Phi xem là “cửa ngõ” nhập cư lậu vào châu Âu. Để ngăn chặn, Tây Ban Nha đã bao bọc cả Ceuta và Melilla như những “pháo đài” với tường rào đôi cao 3m có lính vũ trang canh gác, buổi tối thêm trực thăng đảo vòng bên trên...

  • Đường đến “đất hứa”
Người nghèo châu Phi và vấn đề nhập cư trái phép vào châu Âu ảnh 1

Số lượng người châu Phi đến châu Âu kiếm sống ngày càng tăng.

Giới trẻ Senegal luôn cho rằng châu Âu hoặc Mỹ là “đất hứa” nên việc tìm đường đến đó đã thành một “cách sống” và còn được xem là “thành tựu cuộc đời”. Có khoảng 2,5 triệu người Senegal ở nhiều nơi trên thế giới, năm 2004 gởi về cho thân nhân trong nước hơn 500 triệu USD (gần bằng 1/3 ngân sách nước này).

Rất nhiều người ở các nước nghèo châu Phi như Gambia, Mali, Guinea-Bissau, Ghana, Cameroon, Nigeria... cũng xem châu Âu là “đất hứa” nên đã liều mạng vượt sa mạc đến Marốc, chờ cơ hội để vượt tường rào các “cửa ngõ” Ceuta hoặc Melilla.Theo Cơ quan Biên giới châu Âu (Frontex), trụ sở ở Warsaw, ước có khoảng 500.000 người nhập cư trái phép vào EU mỗi năm và ngày càng tăng.

Gần Ceuta, phía Marốc, có nhiều khu trại tạm cư trên núi rất mất vệ sinh, nước chỉ đủ để ăn... là nơi tập trung nhiều người châu Phi đa quốc tịch nhưng chung một mục đích: chờ cơ hội vào châu Âu. Mỗi đêm, với những chiếc thang tự chế bằng cành cây, tay chân quấn vải chống kẽm gai, hàng trăm người đồng loạt tìm cách vượt tường rào với rủi ro mất mạng vì bị ngã hoặc bị dính đạn của cảnh sát. Với họ, vượt được tường rào là đã đặt một chân lên “đất hứa”.

Enrique Santiago, Tổng thư ký CEAR, tổ chức người tị nạn của Tây Ban Nha, cho biết nạn nhập cư trái phép tuy không mới nhưng gần đây trở nên thường xuyên và liều lĩnh hơn. Theo ông, người nhập cư lậu không có tội, họ chỉ muốn từ bỏ cảnh nghèo khổ và đến những nước có điều kiện sống tốt hơn.

Ước tính hiện có khoảng 30.000 người từ vùng hạ Sahara châu Phi đang ở Marốc và Algeria để chờ cơ hội vào châu Âu. Từ đầu năm 2005 đến nay, mỗi tháng có cả ngàn người tìm cách vượt tường rào Ceuta và Melilla. Ai có tiền nộp cho bọn buôn lậu người Marốc thì có nhiều lựa chọn: 800 euro để được đưa đến biên giới Ceuta bằng bè bơm hơi, 600 euro để đào một đường hầm, 500 euro để cắt một lỗ tường rào...

Phần lớn người nhập cư trái phép được Tây Ban Nha đưa vào các trung tâm tạm giữ (Ceti) để chờ trục xuất hoặc hồi hương, nhưng hiện nay các Ceti ở Melilla và Ceuta đều đã bão hòa và gặp nhiều vấn đề về nhân đạo, xã hội. Ceti ở Melilla đang có khoảng 1.150 người, dù sức chứa chỉ 480. Từ tháng 4-2005, nhiều người trong các Ceti ở Ceuta và Melilla đã được chuyển bớt vào Tây Ban Nha để giảm căng thẳng.

  • Khó khăn cho cả Tây Ban Nha và Marốc

Năm 2004, Tây Ban Nha đã tạm giữ ít nhất 15.674 người nhập cư trái phép, nhưng những ai không có giấy tờ lại thường được thả vì theo luật nhập cư Tây Ban Nha, cảnh sát chỉ có thể trục xuất người nếu trong vòng 40 ngày xác minh được quốc tịch hoặc nhận dạng của họ. Tuy nhiên, do nạn nhập cư trái phép ngày càng tăng, đầu tháng 10-2005, Tây Ban Nha đã phục hồi thỏa ước song phương năm 1992 với Marốc - vốn chưa hề được thi hành - cho phép trục xuất người nhập cư trái phép, bất kể quốc tịch, trở lại Marốc.

Sau những đợt vượt rào hàng loạt trong tháng 9 và 10 vừa qua làm nhiều người chết và bị thương, Chính phủ Tây Ban Nha đã có nhiều biện pháp mạnh như đưa quân đội hỗ trợ cho cảnh sát biên phòng; thêm rào kẽm gai bên ngoài rào cũ; lắp các thiết bị cảm ứng báo động khi có người vượt rào; tường rào đôi đang được nâng từ 3m lên 6m, sẽ hoàn tất vào tháng 2-2006...

Đầu tháng 10-2005, Tây Ban Nha áp lực Marốc phải ngăn chặn dòng người châu Phi nhập cư trái phép ồ ạt chưa từng có vào Ceuta và Melilla. Sau đó, Marốc đã trục xuất khoảng 1.000 người nhập cư trái phép nhưng lại đưa họ vào sa mạc dọc biên giới với Algeria mà không có thực phẩm và nước uống làm nhiều người kiệt sức và ít nhất 11 người chết.

Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) cho biết đã tìm thấy hơn 500 người trong sa mạc. Nhiều người cho biết, cảnh sát Marốc đợi trời tối đem bỏ họ trong sa mạc, phía Algeria lại đẩy họ về Marốc... Có nhiều người Marốc đã kiếm lợi khi thu từ 200 euro/người để đưa họ trở lại. Truyền hình Tây Ban Nha đã chiếu cảnh người nhập cư trái phép bị còng tay đang kêu khóc, xin được giúp đỡ qua cửa sổ những xe cảnh sát Marốc chạy vào sa mạc.

Marốc cho rằng không thể gánh trách nhiệm khi trong 3 năm qua phải xoay xở khó khăn để ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép vào châu Âu qua nước này, Marốc không thể làm vai trò “cảnh sát cho châu Âu” mãi được!

Khủng hoảng nhân đạo ở các trại tạm cư của người Phi ở Marốc làm họ càng liều mạng hơn khi vượt tường rào Ceuta và Melilla. Việc nâng tường rào cao hơn chưa chắc sẽ ngăn cản những người nhập cư lậu mà có thể gây thêm nguy hiểm cho họ. Ngoài ra, còn cách vượt biển, nguy hiểm hơn nữa, qua Địa Trung Hải vào đất liền Tây Ban Nha, hoặc qua Đại Tây Dương đến quần đảo Canary...

Không thể trách những người châu Phi nghèo khổ tìm đến nơi có cuộc sống tốt hơn. Nâng hàng rào ở Ceuta và Melilla cao hơn không giải quyết được vấn đề vì người nhập cư trái phép cũng sẽ làm thang cao hơn. Điều cần thay đổi là tìm cách đem lại sự phát triển, thịnh vượng cùng nhiều việc làm hơn cho châu Phi. Đó chính là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta.

THIỆN NGUYỄN 

 

Tin cùng chuyên mục