(SGGPO).- Tên trộm khét tiếng Pháp biệt danh "Người nhện" cùng một đại lý đồ cổ và một chuyên gia nghệ thuật lãnh tổng cộng 21 năm tù và phải nộp 104 triệu EUR (110 triệu USD) bồi thường vụ trộm tranh chấn động ở thủ đô Paris, một trong những vụ trộm tranh lớn nhất mọi thời.
Báo chí bao vây ''Người nhện'' Vjeran Tomic trước Tòa án Paris, Pháp, ngày 20-2-2017. Ảnh: AP
AP cho biết, Tòa án Paris ngày 20-2 tuyên án 8 năm tù với "Người nhện" Vjeran Tomic, 49 tuổi, thủ phạm đánh cắp 5 kiệt tác của các danh họa Picasso, Matisse, Modigliani, Braque và Fernand Leger vào năm 2010 từ Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, nằm đối diện tháp Eiffel ở Paris.
Jean-Michel Corvez, 61 tuổi, đại lý đồ cổ đã đặt hàng Tomic trộm tranh, bị kết án 7 năm tù, trong lúc Yonathan Birn, 40 tuổi, chuyên gia nghệ thuật và đại lý đồng hồ xa xỉ, đã tàng trữ và phá hủy các bức tranh, lãnh 6 năm tù. Tòa án cũng tuyên 3 bị cáo nộp cho TP Paris 104 triệu EUR bồi thường các bức tranh.
Theo cáo trạng, các nhà điều tra cho rằng những kiệt tác bị trộm đã bị đưa lậu ra khỏi Pháp, dù họ không thể chứng minh được điều đó.
Tomic, tên trộm 14 tiền án, khét tiếng với khả năng leo các tòa nhà cao tầng để trộm, khai đã đột nhập Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại vào đêm 20-5-2010, lợi dụng hệ thống báo động an ninh bị hỏng để trộm các bức tranh.
Các nhà điều tra đã tìm thấy các thiết bị leo núi trong nhà Tomic, gồm găng tay, dây thừng, giày leo và giác hút. Tomic đã lấy kính ra khỏi cửa sổ bảo tàng mà không làm vỡ và cắt ổ khóa cửa lưới kim loại rồi đi từ phòng này sang phòng khác mà không gây báo động an ninh.
"Người nhện" đã tìm trộm một bức Fernand Leger và có thể một bức Modigliani theo đặt hàng của Corvez, sau đó quyết định lấy thêm các bức của Picasso, Matisse và Braque.
Nature Morte au Chandelier (Tĩnh vật chân đế nến) năm 1922 của Fernand Leger
Vài giờ sau khi truyền thông đưa tin vụ trộm, Tomic đưa 5 bức tranh cho Corvez, người khai rằng đã "choáng" khi thấy chúng.
Corvez khai lúc đầu đã đưa Tomic một túi nhựa có 40.000 EUR (43.000 USD) chỉ để đặt hàng bức tranh của Leger vì không chắc chắn sẽ có người mua những bức tranh khác.
Vài tháng sau, Corvez lo lắng về việc giữ các kiệt tác trong cửa hàng của mình nên giao cho bạn là Birn, người đã đồng ý mua bức Modigliani với giá 80.000 EUR (86.000 USD) rồi cất trong két sắt ngân hàng và giấu những bức khác ở xưởng của mình.
La Femme à l'Eventail (Người phụ nữ với cây quạt) năm 1919 của Amedeo Modigliani
Birn khai đến tháng 5-2011 đã lấy bức Modigliani từ két sắt ngân hàng đem về xưởng rồi phá nát tất cả các bức tranh và ném hết vào thùng rác tòa nhà vì sợ bị bắt. Birn khai trước tòa rằng việc ném bỏ những kiệt tác bị trộm là "sai lầm lớn nhất trong đời".
Tuy nhiên, các bị cáo Tomic và Corvez lại nói Birn "rất thông minh" để không phá hủy những kiệt tác đó.
Công tố viên Anais Trubuilt nói với tòa án rằng 3 bị cáo "biết rất rõ rằng ngày họ ra tù, những bức tranh vẫn không mất giá trị và họ có thể bán lại".
The Telegraph cho biết, Tomic, bị bắt vào tháng 5-2011, khai với cảnh sát rằng lúc đầu đột nhập bảo tàng chỉ nhằm trộm bức "Nature Morte au Chandelier" (Tĩnh vật chân đế nến) của Fernand Léger năm 1922 theo đặt hàng của Corvez.
Tuy nhiên, khi vào bảo tàng, Tomic đã "ngạc nhiên" vì hệ thống an ninh báo động không hoạt động nên đã đi khắp bảo tàng trong hơn một giờ và lấy thêm 4 kiệt tác khác, gồm "Le Pigeon aux petit pois" (Bồ câu với đậu xanh) năm 1911 của Picasso, "Pastoral" (Mục đồng) của Henri Matisse năm 1906, "L'Olivier près de l'Estaque" (Cây ô liu ở Estaque) của Georges Braque năm 1906 và "La Femme à l'Eventail" (Người phụ nữ với cây quạt) của Amedeo Modigliani năm 1919.
Le Pigeon aux petit pois (Bồ câu với đậu xanh) năm 1911 của Picasso
Pastoral (Mục đồng) năm 1906 của Henri Matisse
L'Olivier près de l'Estaque (Cây ô liu ở Estaque) năm 1906 của Georges Braque
GIA HY