Người nối những bến sông

Thành công từ điều giản dị
Người nối những bến sông

Ở đất miền Tây mênh mang sông nước, kênh rạch dọc ngang, có người đàn ông nhỏ nhắn từ 17 năm nay đau đáu đi nối những bến sông. Anh là chủ cơ sở đò - phà Huỳnh Thôn ở ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.

Anh Huỳnh Văn Thôn hiện có gần 30 chiếc phà hoạt động liên tục từ 4 giờ đến 23 giờ trên 9 bến ở Cần Thơ, Hậu Giang và Kiên Giang.

Anh Huỳnh Văn Thôn hiện có gần 30 chiếc phà hoạt động liên tục từ 4 giờ đến 23 giờ trên 9 bến ở Cần Thơ, Hậu Giang và Kiên Giang.

Thành công từ điều giản dị

Sinh năm 1960, là con thứ sáu trong gia đình 10 anh chị em. Nhà nghèo nên chưa học hết lớp 9, Huỳnh Văn Thôn phải nghỉ học để bươn chải trường đời.

Năm 1982, anh Thôn lập gia đình với chị Trần Thị Ngọc Dung. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ khá êm xuôi; chồng làm cán bộ thu mua nông sản của hợp tác xã mua bán, lương tháng 180 đồng; vợ chở mẹt vải đạp xe rong ruổi đi bán dạo ở khắp các chợ quê; họ lại mướn thêm đất trồng mía, rau màu. Nhưng 6 năm sau, hợp tác xã giải thể, anh Thôn đành ra chợ phụ giúp vợ và chờ ai kêu gì làm nấy để đắp đổi qua ngày.

Trên miếng đất Ủy ban nhân dân xã cho mượn, anh cất căn chòi lá vừa đủ kê hai chiếc giường để vợ chồng, con cái lấy chỗ chui ra chui vào. Căn chòi của gia đình nằm cạnh bến đò ngang ở kênh B, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Cần Thơ nên cứ dăm ngày ba bận anh Thôn phải chứng kiến cảnh cha mẹ thẫn thờ đi tìm con trong tiếng gào khóc xé lòng; người người nháo nhào lao xuống dòng sông dềnh sóng để cứu người, mò của; người thì đau ốm mà đành ôm bệnh nằm chờ vì gọi hoài chẳng thấy đò đâu…

Xót ruột, anh ra Ủy ban nhân dân xã đề xuất được đầu tư phương tiện chở khách sang sông thay thế những chiếc ghe mỏng manh, bất trắc. Được đồng ý, anh về tỉ tê mượn vợ hết 6 chỉ vàng của hồi môn, tháo cả cái đồng hồ Citizen đeo tay của mình mang bán, mới được có 3 triệu đồng. Anh lại liều đến nhà anh em, bạn bè “hỏi búa xua ai có đồng nào mượn đồng ấy”.

Chị Dung rụt rè hỏi chồng: “Có chắc không anh?”. Anh nói cứng: “Bà cứ để tôi làm”. Bòn góp ròng rã cả tháng trời mới thêm được 4 triệu đồng, anh Bảy quyết định đi lùng mua gỗ tạp về đóng cái chẹt (ghe tam bản) diện tích 5m x 1,5m. Anh lại sang tỉnh Vĩnh Long la cà mấy ngày ở những tiệm cơ khí mới tìm mua được chiếc máy nổ vừa túi tiền.

Đầu năm 1995, bến đò kênh B trẩy hội. Bao năm qua bà con rón rén qua sông trên những chiếc ghe như lá dừa nước chở được 6 - 8 người, thời gian đi lại phụ thuộc sóng, gió và sức của người chèo. Nay 15 người và xe hai bánh cùng xuống chẹt của cơ sở đò - phà Huỳnh Thôn mà vẫn không bị tròng trành. Chẹt có băng ghế ngồi, có áo phao, lại gắn máy nổ nên xình xịch dăm phút là an toàn cập bến.

Có phương tiện tốt, đẹp, anh Thôn lại phục vụ tận tình suốt từ 4 giờ sáng đến 23 giờ mỗi ngày nên bà con cô bác chen vai thích cánh lên xuống chẹt nườm nượp. Hai năm sau, không chỉ trang trải hết nợ nần, anh còn dư 25 triệu đồng để đầu tư nâng cấp chẹt lên thành phà dài 7m, rộng 2,8m vỏ hàn bằng sắt, sàn lát ván, lắp động cơ trong, chở được 35 người và phương tiện.

Càng ngày, bà con đổ về bến đò mang thương hiệu Huỳnh Thôn ngày càng nhiều và anh đã tạo được một chỗ đứng trong lòng người dân miệt vườn. Trên bến đò kênh B ngày ngày đưa rước hàng trăm lượt khách qua sông an toàn, có nghề nghiệp mà mình đam mê cho thu nhập ổn định nhưng anh Thôn vẫn chưa nguôi trăn trở.

“Cả vùng đồng bằng sông Cửu Long có tới hơn 28.000km kênh, rạch. Còn bao nhiêu bến đò đơn sơ, phương tiện nhỏ, thiếu an toàn nữa. Phải mở nhiều bến đò an toàn để bà con đỡ khổ”. Nghĩ vậy nên năm 1998, anh Thôn đi tìm người đưa đi học lái, bán vé, phục vụ… thay mình điều hành bến đò kênh B để anh được rảnh rang đi tìm bến mới.

Từ đó, anh cưỡi xe rong ruổi dọc theo những bến sông, kênh Xáng Xà No, Bà Đầm, Rạch Sung, Bà Hiệp, Cái Sắn… của tỉnh Cần Thơ và tỏa sang cả các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang.

Xuống bến đò xã Tân Thới, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ vào đúng giờ học sinh đến trường. Thấy các em ăn mặc tinh tươm vậy mà giành nhau một hồi được một chỗ qua sông trên chiếc đò nát thì mặt mũi, áo quần, cặp sách đã lấm lem. Mấy người dân sống gần đó còn cho biết có tháng đò ở bến này chìm tới 9 lần, nhiều em học sinh sang sông đi học chữ rồi không bao giờ về được nữa.

Tê tái, anh Thôn liền vào Ủy ban nhân dân xã đề nghị được đấu thầu đưa phà. Tuyển dụng người địa phương, đào tạo nghiệp vụ, đầu tư đóng mới đò, phà, đưa bến vào hoạt động quy củ rồi anh Thôn lại lên đường. Có những bến như Rạch Sung, Bà Hiệp… anh vận động bà con góp tiền làm khung chẹt, anh tài trợ ván và hướng dẫn kỹ thuật rồi để bà con tự quản, tự khai thác...

Tính đến nay, cơ sở đò - phà Huỳnh Thôn đã có gần 30 chiếc phà (chiếc lớn nhất là 600 mã lực, có trọng tải chở 80 khách, có cả phà chở ô tô tải) hoạt động liên tục từ 4 giờ đến 23 giờ trên 9 bến ở thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Kiên Giang, tạo công ăn việc làm cho gần 50 lao động, thu nhập từ 2,2 - 4,5 triệu đồng/người/tháng (bao ăn và tiền chữa bệnh, bảo hiểm), nộp thuế 36 triệu đồng/năm. Ước tính tổng giá trị tài sản của ông Bảy Thôn đã lên đến gần 10 tỷ đồng.

Chia lợi nhuận ra xã hội

Không phải đến bây giờ, khi đã thành tỷ phú, anh Thôn mới làm từ thiện mà ngay từ lúc bắt tay vào làm nghề đưa đò, anh đã quyết định phải chia lợi nhuận ra xã hội. Mở được bến nào anh đều khuyến mãi thêm một vài cây cầu ván. Đường lầy lội thì anh đổ cát cho cao ráo để bà con đi lại được thuận tiện, sạch sẽ cả hai mùa mưa nắng. Bến hoạt động được một thời gian, đời sống của người dân nâng cao thì anh lại vận động bà con cùng góp công, góp của bê tông hóa cầu, đường.

Trên hệ thống đò - phà Huỳnh Thôn, trẻ em dưới 10 tuổi, học sinh (trung bình 100 em) và thương binh được đi lại miễn phí, giáo viên thì được giảm 50% giá vé. Vào những tháng nước lũ tràn về, anh tình nguyện huy động toàn bộ đò, phà hiện có đưa học sinh miễn phí từ nhà đến các điểm trường an toàn để các em không gián đoạn việc học hành. Bến đò Một Ngàn (thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) xa xôi cách trở, vật giá leo thang, chi phí dầu chai, dầu máy, lương công nhân… hàng tháng tốn tới 27 triệu đồng mà anh Thôn chỉ thu được có 3 triệu đồng.

 “Có ngày thu tiền phà không bằng tiền lời của một người bán vé số. Nhưng mình không làm thì bà con khổ, đó là còn gần 300 em học sinh ngày ngày phải đến trường nữa. Thế nên lỗ tôi cũng phải đều đặn đưa khách sang sông”, anh quả quyết. Anh Trương Thanh Liêm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phong Điền, thành phố Cần Thơ, cho biết: “Bà con thường gọi anh Bảy Thôn bằng cái tên trân trọng là “người chèo đò khuyến học”.

Từ năm 2000 đến nay anh đã đóng góp trên 300 triệu đồng cho công tác khuyến học bằng nhiều hình thức khác nhau. Anh đã tài trợ xây dựng hàng trăm cây cầu, 3 nhà tình thương (10 triệu đồng/căn), cấp gạo, thuốc cho người nghèo. Hàng năm anh đóng góp hàng chục triệu đồng để mua gạo, sách vở, quần áo, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo, không để các em xa trường, xa bạn”.

Điều đặc biệt nhất là dù bận rộn với công việc làm ăn nhưng năm 2009, anh Thôn vẫn cố gắng học xong bổ túc văn hóa trung học phổ thông. Người vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng từ năm 2006, Phó chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phong Điền này tâm sự: “Không có kiến thức thì không làm gì được. Mình học để khuyến khích con em”.

24 giờ, đã hết giờ phục vụ, đang ngồi đọc sách, anh Thôn nghe văng vẳng tiếng gọi phà. Vội vã cầm đèn pin ra bến, thì ra ở bờ bên kia có người cần sang sông đưa con nhỏ đi cấp cứu. Khu nhà nghỉ của nhân viên đã yên ắng, không chút do dự, anh Thôn thoăn thoắt tự tay khởi động phà. “Nghề mình lấy phục vụ bà con làm vui mà”, anh ngoắc tôi lên phà, tách bến.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Tin cùng chuyên mục