Tình trạng khan hiếm nguyên liệu cá tra chế biến hiện nay là điều đã được dự báo trước. Gần như 3 năm liên tục, người nuôi cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long ở trong thế phập phồng lo sợ về việc tiêu thụ và giá. Nguyên nhân chính, theo Thứ trưởng Lương Lê Phương, là do mất cân đối nghiêm trọng về cung cầu.
Trước đây cá quá lứa đầy ao mà không có doanh nghiệp (DN) đến mua, giờ đây thì ngược lại. Đã có DN đầu tư 2-3 nhà máy mà không có nguyên liệu để chế biến phải cầu cứu… Bộ NN-PTNT hỗ trợ giải quyết. Trong khi đó, dù khan hiếm, hiện giá bán cá tra của bà con nông dân mới ngang giá thành sản xuất, ở mức 16.000 đồng/kg, người nuôi hoàn toàn không có lãi.
Có thể nói, đây còn là hậu quả của nguồn thức ăn nuôi cá nói riêng và giá thức ăn chăn nuôi nói chung cho đến nay vẫn phải phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho dù Việt Nam là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông sản như gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, mới đây còn là sắn (khoai mì). Không ít chuyên gia nhận định, chúng ta chưa có chiến lược về cây trồng làm nguyên liệu làm thức ăn gia súc đề có hướng đầu tư thỏa đáng. Do vậy, hiện nay giá các loại nguyên liệu này liên tục tăng cao, nhất là do có sự biến động về giá bột mì, khi Nga, quốc gia xuất khẩu hàng đầu mặt hàng này tuyên bố tạm thời ngưng xuất khẩu do thời tiết bất thường trong nước, điều này đẩy giá thành chăn nuôi lên cao. Nhưng một điều mà bà con lo ngại khác, đó là chất lượng thức ăn có dấu hiệu giảm sút. Nếu như trước đây hệ số chuyển đổi 1,6 kg thức ăn cho ra 1 kg cá thương phẩm thì nay hệ số chuyển đổi là 1,88. Đây là do chất lượng từ các nhà máy hay có sự pha trộn thức ăn từ nhà máy qua các đại lý trước khi đến với người nuôi cá tra. Điều này cần được làm rõ không chỉ cho nhà chế biến mà còn góp bảo vệ quyền lợi của bà con.
Nhưng nhìn toàn cục, do liên kết giữa DN với nông dân còn yếu kém. Chỉ có một vài DN trợ giá cho người nuôi khi giá thị trường xuống thấp, còn lại đa phần các DN nhỏ hay ép giá nông dân. Do đó, việc làm giá giữa hai đối tác này và giữa DN với nhau khi có cơ hội, tạo thành một vòng luẩn quẩn, triệt tiêu lẫn nhau thay vì liên kết.
Đăng Lãm