Người phụ nữ khuyết tật giàu nghị lực

Vượt lên mặc cảm khuyết tật, những khó khăn trong cuộc sống, tự tin, dám nghĩ, dám làm, người phụ nữ ấy không chỉ tạo dựng cho gia đình mình một cuộc sống ổn định mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ khác.
Người phụ nữ khuyết tật giàu nghị lực

Vượt lên mặc cảm khuyết tật, những khó khăn trong cuộc sống, tự tin, dám nghĩ, dám làm, người phụ nữ ấy không chỉ tạo dựng cho gia đình mình một cuộc sống ổn định mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ khác.

  • Vượt lên chính mình

Cơ sở đan len Phước Đào (174/12 Lê Văn Lương) nhiều năm nay đã trở thành địa chỉ khá thân thuộc với nhiều chị em phụ nữ nghèo ở khu phố 2, phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM. Chủ nhân cơ sở là chị Đinh Thị Tuyết Đào, người phụ nữ nhỏ bé nhưng khi nhắc đến, nhiều người không khỏi thán phục vì sự chịu khó cùng những nỗ lực vươn lên.

Ngay khi vừa lên 4 tuổi, một cơn sốt bại liệt đã khiến chân trái chị cứ teo dần. Từ đó việc đi lại phải nhờ vào chiếc nạng hay sự giúp đỡ của người khác. Dù nhà nghèo, chị vẫn cố gắng học hết phổ thông rồi bươn chải kiếm sống. Sau đó ít năm, chị gặp anh Nguyễn Hữu Phước (vốn là giáo viên nghề của một trường dành cho người khuyết tật trong quận) và sự đồng cảm đã gắn kết anh chị nên duyên vợ chồng. Ban đầu, chị thuê mặt bằng gần một trường học để bán văn phòng phẩm. Anh Phước cũng thôi làm giáo viên nghề để có thể đỡ đần chị trông coi cửa hàng và buổi sáng làm thêm việc giao báo. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cũng tạm ổn. Tuy nhiên sau đó, cửa hàng văn phòng phẩm buôn bán ngày càng ế ẩm, rồi thêm hai đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống gia đình chị vì thế lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất.

Chị Đào và những sản phẩm được đan, móc bằng len.

Chị Đào và những sản phẩm được đan, móc bằng len.

May mắn, chị được Hội Phụ nữ phường giúp vay vốn để xóa đói giảm nghèo. Không thể tiếp tục việc buôn bán văn phòng phẩm, phải tìm một việc gì khác không chỉ giúp gia đình vượt qua khó khăn mà còn phải phù hợp với hoàn cảnh khuyết tật. Chị nhớ đến nghề đan, móc len đã biết từ ngày còn bé. Được sự ủng hộ của má chồng (trước đây cũng là người đan len rồi bỏ mối cho các chợ), chị dùng 1 triệu đồng mua len về đan những sản phẩm đầu tiên là áo ấm cho trẻ em. Đan xong, một việc cũng khá khó khăn với chị là đi chào hàng ở các chợ. Chân bị khuyết tật, mỗi bước đi của chị là những giọt mồ hôi hòa trong từng hơi thở dốc. Thương vợ, anh Phước lại nhẫn nại dìu chị đi hết chợ này qua chợ khác, từ Xóm Chiếu, Bà Chiểu, Tân Bình, cho đến Bình Tây… Ban đầu còn lạ nhưng nhờ những sản phẩm được đan thật khéo và sự kiên trì thuyết phục của chị, các sạp ở chợ đã dần nhận hàng.

  • Giúp người cùng cảnh ngộ

Để tạo dựng uy tín, chị luôn chú trọng sự khéo léo trong từng sản phẩm. Cùng với đó là sự sáng tạo trong mẫu mã và đa dạng về chủng loại. Từ áo ấm cho trẻ em, chị làm thêm áo cho người lớn, khăn, nón, vớ… Nhờ đó các sạp ở chợ bắt đầu tìm đến chị đặt hàng ngày càng nhiều. Nghĩ đến những chị em nghèo khác trong khu phố, người khuyết tật, người đã lớn tuổi nên khó xin việc, người bận bịu chăm con nhỏ… chị mạnh dạn mở cơ sở đan len Phước Đào. Hiện tại, trung bình cơ sở của chị tạo việc làm cho hơn 40 chị em cùng khu phố. “Việc đan len không nặng mà chỉ cần sự khéo léo. Các chị em có thể đến đây nhận len rồi mang về nhà đan vào lúc rảnh rỗi nên nó rất phù hợp với những chị bận bịu việc nhà. Ai không biết kỹ thuật thì sẽ được hướng dẫn” - chị Đào cho biết.

Thông qua sự giới thiệu của Hội Phụ nữ từ thiện thành phố, hiện các sản phẩm của cơ sở chị Đào làm ra đã xuất hiện tại các cửa hàng lớn, phục vụ cho du khách. Nhìn lại những gì đã đạt được, chị cứ bảo mình may mắn. Tuy nhiên, nếu không có sự nỗ lực của bản thân thì liệu sự may mắn có đủ để chị tạo nên sự thay đổi?

Hạnh phúc với những gì đang có, chị Đào lại nghĩ về cuộc mưu sinh của những người cùng cảnh ngộ: “Tôi rất hiểu những người khuyết tật phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Chứng kiến cảnh họ phải dầm mưa dãi nắng mưu sinh tôi rất xót xa”. Làm gì để góp phần giúp cho những người khuyết tật đỡ nhọc nhằn hơn trong cuộc sống? Một lớp dạy nghề miễn phí dành cho họ là điều mà chị Đào vẫn luôn canh cánh bên lòng. 

THANH PHÚC

Tin cùng chuyên mục