Hơn 15 năm gắn bó với vùng đất Tây Nguyên, cũng là từng ấy thời gian, anh Nguyễn Văn Hưng (46 tuổi, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đi khắp các buôn làng để sưu tầm, lưu giữ hiện vật văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa. Đến nay, với hàng ngàn hiện vật quý, có người đã đến hỏi mua tiền tỷ, nhưng anh Hưng quyết giữ lại và ước mơ lập một bảo tàng cho người dân tham quan.
Những ngày giữa tháng 9, chúng tôi tìm đến nhà diện tích khoảng 60m2, nằm ẩn mình giữa rẫy cà phê của anh Nguyễn Văn Hưng để mục sở thị bộ sưu tập hiện vật mà anh dày công sưu tầm. Trong nhà chứa hàng ngàn vật dụng của đồng bào Tây Nguyên như ché, chiêng, áo, quần, mũ, trống, cung tên, cối giã gạo… đến các hiện vật đồ đá như dao đá, búa đá, đá mài... Tất cả những hiện vật được treo ngay ngắn trên mái nhà, tường nhà, hai bên lối đi, thậm chí cả dưới gầm bàn. Lúc chúng tôi đến, nhiều khách từ nơi khác cũng có mặt tham quan. Anh Hưng dẫn họ đến từng gian trưng bày, rồi miệt mài kể về nguồn gốc, ý nghĩa, cách sử dụng từng hiện vật.
Anh Hưng bên những hiện vật văn hóa Tây Nguyên sưu tầm được
Anh Hưng bén duyên với việc sưu tầm hiện vật văn hóa từ năm 31 tuổi, cũng là lúc anh đưa gia đình từ Tuyên Quang vào Gia Lai định cư. Hàng ngày, gắn bó với người đồng bào bản địa, rồi yêu văn hóa của họ lúc nào không hay. “Ở vùng đất mới, mọi thứ với tôi đều lạ lẫm. Thấy họ đánh chiêng, uống rượu cần nên thích. Tôi cũng chứng kiến nhiều bộ chiêng, ché trong làng bị “chảy máu” nên xót xa lắm. Vì thế tự dặn lòng phải làm gì đó để giữ gìn nét văn hóa này cho con cháu mai sau biết đến”, anh Hưng nói. Nghĩ thế nên anh Hưng đi khắp nơi sưu tầm. Trong số hàng ngàn hiện vật, có những thứ đến với anh rất tình cờ hay được người dân “chỉ điểm” nên tìm đến sưu tầm. “Cũng có hiện vật đến với mình do duyên số. Như năm 2001, có ông lão già yếu, ông dặn con cháu khi mất thì chôn bộ ché theo. Hay tin, tôi tức tốc đến nhà thuyết phục ông hãy giữ lại cho con cháu. Nói mãi, ông cũng đồng ý nhưng đòi phải đổi con bò to béo. Tôi gật đầu liền rồi về nhà bán cà phê lấy tiền dẫn ông đi quanh làng chọn mua bò. Một chiếc ché khác tôi mua năm 2006. Khi ấy, có người trả giá cao hơn nhưng cuối cùng dân lại bán cho mình. Bán xong, họ mua rượu làm lễ cúng chia tay chiếc ché và mời tôi tham dự. Họ nói, do khó khăn nên phải chia tay “bạn ché” và nhượng lại cho tôi vì thấy tôi mua để lưu giữ, khi nào nhớ ché họ có thể đến xem. Riêng chiếc dao đá tôi mua hồi năm 2012, trước đó một năm tôi được một tay cò dẫn đi mua. Khi dân bán, tay này lại “bẻ cò” giành mua. Gần cả năm sau, tay cò này gạ bán cho tôi với giá cao gấp 5 lần lúc mua nhưng tôi vẫn “bấm bụng” vay mượn tiền mua cho bằng được”, anh Hưng nhớ lại.
Đến nay, anh Hưng không nhớ hết đã bỏ ra bao nhiêu tiền để mua hiện vật của đồng bào Tây Nguyên. Chỉ biết rằng sau bao năm làm ăn, hàng xóm cùng lứa cất nhà cao, cửa rộng; còn vợ chồng anh vẫn chui ra chui vô căn nhà xập xệ. Nhưng đổi lại, mỗi hiện vật sưu tầm được đều gắn với những giai thoại và bao mồ hôi, nước mắt nên anh trân quý, gìn giữ theo suốt cuộc đời. Vì thế, có người tìm đến hỏi mua lại với giá “khủng” anh vẫn không bán. Cũng có người gạ đổi ô tô hạng sang, anh cũng lắc đầu. Anh Hưng cho biết, sắp tới anh dự định mở một bảo tàng ở trung tâm huyện rồi mang tất cả hiện vật ra trưng bày để người dân tham quan.
Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Gia Lai, cho biết, nhà nước khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp… sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa. Vì thế, việc sưu tầm của anh Hưng rất đáng hoan nghênh. Việc anh Hưng có ý định mở bảo tàng, nếu đủ điều kiện, ngành văn hóa sẽ hỗ trợ về mặt thủ tục.
Hữu Phúc