
- Người say tiếng trống làng
Chúng tôi tìm gặp "vua trống" tại một trong những cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại 1C Hàng Mành, Hà Nội. Dáng người mảnh khảnh, nét mặt đăm chiêu khiến người lạ gặp cứ ngỡ như anh vừa đâu đó bước ra từ... cổ tích. Mà cổ như vậy mới hợp với ông chủ của cửa hàng là lạ trong phố cổ toàn bán đồ phục vụ cho khách Tây này. Anh lẩn khuất, lúc ẩn lúc hiện giữa ngồn ngộn nhạc cụ dân tộc, nào chiêng, sáo, mõ, nào đàn bầu, đàn nguyệt, đàn T'Rưng, cồng... và nhiều nhất là những chiếc trống. Trống vô vàn, trống đủ loại hình, đủ kích cỡ, đủ màu sắc, đủ âm điệu. Người chủ đó có tên gọi là thợ cả Bùi Minh Tuấn, nhưng người ta quen gọi anh với cái tên giản dị: Tuấn Trống.

Tuấn "trống"
Tuấn đam mê trống từ thuở còn để chỏm. Anh tâm sự: "Tôi mê nhất là tiếng trống giục giã trong những dịp có hội làng. Làng tôi ở vùng được người ta gọi là "lắm hè, nhiều hội" - làng Đọi Tam (Duy Tiên, Hà Nam). Hội mở quanh năm. Mà đã có hội là có lễ tế, có trống. Nếu thiếu tiếng trống nghĩa là chưa có hội. Tiếng trống báo hiệu với bà con xa gần biết làng đã mở hội. Tiếng trống gắn bó với bà con quê tôi quanh năm suốt tháng.
Thực ra niềm đam mê của anh Tuấn là được truyền trong huyết quản từ người ông, người bố của mình. Ông nội của anh là một tay "bưng trống" - làm trống cự phách của làng Đọi Tam. Đến đời bố anh, nghề truyền thống cũng được duy trì và phát triển. Năm 1960, 9 tuổi Tuấn theo gia đình lên Hà Nội làm trống. Nhưng rồi chiến tranh xảy ra, năm 1971 Tuấn lên đường nhập ngũ và lúc xuất ngũ tưởng chừng thôi nghề. Rồi lúc "đầu quân" vào làm con rể cụ Đương - cũng một "tay" trống có hạng của làng Đọi Tam lập nghiệp ở Hà Nội, anh Tuấn đã bị nghề làm trống "bắt hồn, bắt vía". Và từ đó đến nay, cái "nghiệp trống", tiếng trống cứ hút mất hồn của anh.
- Chủ nhân của chiếc trống sấm hội Thăng Long
Trong lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Chào đón Thiên niên kỷ mới ở Nhà hát lớn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Việt Nam đã giới thiệu hình ảnh của mình với thế giới bằng dàn trống hơn 300 chiếc mà tiếng rền vang của những chiếc trống sấm, trống đại cách xa hàng chục cây số vẫn nghe thấy.

Trống hội Thăng Long
Đó là sản phẩm đặc biệt mà anh Tuấn cùng những người thợ bậc nhất ở làng Đọi Tam làm ra. "Đấy là một vinh hạnh lớn lao nhất trong nghiệp làm trống của tôi. Thật hạnh phúc là được đóng góp một ít công sức của mình trong những ngày trọng đại của dân tộc, của thế giới.
Chiếc trống sấm to nhất Việt Nam cao 2m65; mặt trống có đường kính 2,01m tương ứng với năm thiên niên kỷ mới 2001; thân trống có đóng 1999 đinh mũ bằng tre tương ứng với con số năm cuối của thiên niên kỷ mới, việc khoét 1999 lỗ đều đặn để đóng đinh tre rất công phu và cầu kỳ; tang trống được ghép bằng 34 miếng dăm trống trống được làm bằng gỗ mít già gần 300 tuổi do những người thợ giỏi Đọi Tam ở Huế kiếm được, trước lúc chở ra Hà Nội toàn bộ dăm trống được lắp thử ngay tại Huế. Da mặt trống lựa chọn công phu từ 2 con trâu mộng ở Thái Bình và Thanh Hóa. Lúc căng mặt chiếc trống bảy người đàn ông lực lưỡng khoẻ mạnh nhảy lên, đồng thời để dằn cho mặt da dãn đều. Riêng thời gian làm trống mất tới hơn 3 tháng. Còn 300 chiếc trống các loại khác được giao cho gần 20 người thợ giỏi ở làng Đọi Tam lên làm ngay tại sân Văn Miếu dưới sự giám sát và chỉ đạo của anh Tuấn.
- Mang trống đi "đánh" xứ người
Không chỉ dừng lại ở việc phục vụ những lễ hội trong nước, những đình chùa, miếu mạo, nơi thờ tự, mà "Tuấn trống" cùng thợ của mình đã đưa chiếc trống cổ truyền Việt Nam vươn ra với thế giới: Làm trống xuất khẩu. "Ý tưởng làm trống xuất khẩu nảy ra trong đầu tôi từ một câu nói hết sức vô tình của khách ngoại quốc đến mua trống tại cửa hàng. Anh ta là một nhà nghiên cứu văn hóa Mỹ. Đến cửa hàng tôi mua và hỏi nhiều về các nhạc cụ dân tộc. Anh ấy bảo, đã đi hết các bang của nước Mỹ, tìm mua một chiếc trống con con cho đủ bộ sưu tập các nhạc cụ dân gian Việt Nam, nhưng không có. Mấy lần, biết một số bạn bè sang Việt Nam du lịch nhưng gửi cho họ, họ ngại mang về vì cồng kềnh... Thế là trong đầu tôi nảy ra ý định tại sao mình không thử làm rồi tìm người bán nó ở Mỹ xem sao..." Nghĩ là vậy, nhưng khi triển khai thực hiện thì gặp phải muôn vàn khó khăn. "Khó khăn nhất là làm cách nào để đưa được hàng vào nước Mỹ rộng lớn. Và chủng loại, kích cỡ nào là hợp với người Mỹ. Ban đầu, tôi làm mà cứ như đi trong sương mù, không biết hướng nào, không biết đường nào mà đi..."
Khó khăn thứ nhất đã được anh Tuấn tìm cách giải quyết thông qua hợp tác với một công ty chuyên sản xuất các nhạc cụ dân tộc như sáo, đàn bầu, đàn nguyệt, chiêng, đàn thập lục, đàn tỳ bà hành... xuất khẩu. "Tôi bàn với họ cho tôi "để ké" dăm chục chiếc trống trong contener sang đó. Nếu bán được, tôi chia lãi cho họ. Nếu không, tôi hoàn trả toàn bộ phí. Họ chấp nhận vì thấy ý tưởng hợp với phương thức kinh doanh..." Thế là khó khăn đã giải quyết. Ban đầu thâm nhập thị trường chỉ là dăm ba chục chiếc, đến nay, mỗi năm chỉ riêng sản phẩm là trống xuất sang Mỹ và các thị trường nước ngoài đã lên đến hàng 5, 7 contener. "Dự tính trong năm 2005 này, cũng xuất khẩu độ 8, 9 "công". Sáng nay, trước lúc anh đến đây, tôi vừa nhận đơn đặt hàng của một công ty tại Nhật Bản. Họ muốn tôi bán trực tiếp. Giá bán thì cũng tương đương ở Mỹ..." - Anh Tuấn cho biết thêm.
"Công xưởng" ở 422, 480 Ngọc Lâm, Gia Lâm của anh lúc nào cũng thường trực 20 tay thợ giỏi được anh tuyển từ làng Đọi Tam lên. Những lúc cao điểm, để kịp cho những đơn hàng từ Mỹ, Nhật, anh Tuấn đã phải điều đến trên 50 tay thợ. Bây giờ thợ của anh không chỉ làm trống mà còn làm thêm một số nhạc cụ dân tộc khác như sáo trúc, đàn T'Rưng, nhị, mõ... để xuất khẩu cùng trống. Tuấn trống đã xây dựng cho mình một "thương hiệu" riêng. Và có lẽ, anh cũng là người đầu tiên đưa trống Việt Nam ra "đánh" ở nước ngoài. Bí quyết thành công của anh "cứ làm đi, khắc đi khắc đến..."
Chính vì bí quyết đó mà anh và những tay thợ của mình ngày ngày cặm cụi như những con ong thợ thực sự. Những chiếc trống cứ thế ra đời, vươn ra các nước, chở đi cả mồ hôi, nước mắt của người làm ra nó. Riêng Tuấn trống tuổi gần 60 vẫn biết phải đi nhanh vì thời gian đâu có chờ đợi ai bao giờ.
Theo VNN