Người thầy không bục giảng

Quản lý, đào tạo học viên cai nghiện ma túy là công việc chưa có giảng đường nào đào tạo. Không có giáo trình, những thầy cô giáo - cứ gọi họ trân trọng như thế, đa phần đều là đảng viên, đã tự học hỏi, trau dồi từ người đi trước, từ chính học viên của mình.
Người thầy không bục giảng

Quản lý, đào tạo học viên cai nghiện ma túy là công việc chưa có giảng đường nào đào tạo. Không có giáo trình, những thầy cô giáo - cứ gọi họ trân trọng như thế, đa phần đều là đảng viên, đã tự học hỏi, trau dồi từ người đi trước, từ chính học viên của mình.

Hành trang dày thêm, cũng là lúc họ đã gắn bó với học viên cả chục năm. Đất lành như giữ chân người…

Chị Võ Thị Thu Minh, Phó trưởng Phòng Giáo dục tư vấn Trường 3, chỉ dẫn học viên trong giờ lao động trị liệu.

Kiếm việc tạm thời, làm 15 năm

Năm 2000, tốt nghiệp THPT, anh Thiệu Hải Đoàn (quê Thái Bình) đến Trung tâm Giáo dục - Lao động và Bảo trợ xã hội Phú Văn (đóng tại Bình Phước) làm nhân viên quản lý học viên. Anh Đoàn nghĩ, làm đỡ ở Trung tâm Phú Văn một thời gian rồi sẽ thi đại học, kiếm việc làm nơi khác. Vậy mà không dứt ra được và từ đó đến nay, 15 năm trôi qua. Còn chị Võ Thị Thu Minh (quê Hà Tây) cũng không nghĩ mình sẽ có chặng đường dài gắn bó với học viên đặc biệt. Năm 2002, chị Minh tốt nghiệp Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Chị Minh tìm đến Trường Giáo dục - đào tạo và giải quyết việc làm số 3 (đóng tại Bình Dương) với dự định chỉ làm tạm thời vì chồng sắp cưới đang công tác gần đó.

Trở thành nhân viên Phòng Giáo dục tư vấn, song chị Minh không dám báo tin cho cha mẹ là mình đang làm việc ở trường cai nghiện. Người chia sẻ duy nhất với chị là người chồng sắp cưới. Nhưng người giữ chân chị ở lại gắn bó với mái trường đặc biệt chính là những học viên. “Học viên hầu hết đều ngoan. Có người nghịch ngợm, ngỗ ngược nhưng đó là cái khiếm khuyết của những con người thiếu thốn sự chỉ bảo, thiếu thốn sự gần gũi về tình cảm có khi từ thuở nhỏ”, chị Minh nhận xét. Theo chị Minh, khi giáo viên, cán bộ đối xử với họ thật tôn trọng, hòa nhã; đáp lại, đa số họ rất lễ phép, ham học hỏi, không ngừng phấn đấu tu chỉnh, rèn luyện bản thân. Nhận thấy mình và đồng nghiệp trong trường có thể góp phần chữa trị, giành lại phần nhân cách bị khiếm khuyết ở từng học viên để trả lại xã hội những con người lành lặn về nhân cách, chị Minh đã vượt qua rào cản tâm lý e ngại ban đầu, ngày càng gần gũi, gắn bó với từng học viên.

Trưởng thành

Anh Thiệu Hải Đoàn cắt nghĩa, gọi những cán bộ, giáo viên quản lý, giáo dục học viên cai nghiện ma túy là người thầy không bục giảng là bởi không phải lúc nào họ cũng đứng trên lớp dạy văn hóa, dạy chuyên đề (pháp luật, kỹ năng…) cho học viên. Tâm lý học viên nhiều khi không ổn định, cán bộ quản lý phải gần gũi 24/24 giờ, cùng ở, cùng sinh hoạt với học viên. Thấy học viên có biểu hiện bất ổn, anh Đoàn lập tức tiếp cận, tư vấn, tham vấn với các bạn. Nhiều khi học viên “đổ bê tông”, không chịu chia sẻ trực tiếp với thầy, anh Đoàn phải đi đường vòng, nhờ bạn bè học viên quan tâm, tìm hiểu nguyên cớ. Hiểu được sơ bộ, anh Đoàn mới tiếp cận học viên và khi ấy họ cũng mở lòng dễ hơn. Đa phần học viên trong trung tâm là người lang thang không có nơi cư trú nhất định. Có nhiều học viên gặp khó khăn khi liên lạc với gia đình làm thủ tục hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng. Những lúc đó, anh Đoàn không ngại ngược xuôi liên hệ với gia đình họ. Với người thầy không bục giảng như anh Đoàn, phần thưởng lớn nhất là những học viên tái hòa nhập cộng đồng thành công, từ bỏ ma túy. Dịp 20-11 năm rồi, anh đã nhận được thư cảm ơn và lời chúc mừng từ một số học viên. “Đó là quà tặng ngọt ngào nhất”, anh Đoàn chia sẻ. Chặng đường gắn bó với học viên, anh Đoàn đã hoàn thành chương trình đại học từ xa và vinh dự được kết nạp Đảng vào năm 2009. Từ vị trí nhân viên, giờ đây, anh Đoàn đã là Phó Khu quản lý học viên điều trị HIV của Trung tâm Phú Văn.

Tương tự, đảng viên Dương Đình Thân (32 tuổi, quê Quảng Bình) cũng có 10 năm gắn bó với Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội Phú Đức (đóng tại Bình Phước). Anh tâm sự, công tác này không có sách vở, không có trường nào đào tạo. Anh em giáo viên, người nọ nối bước người kia, cùng trao truyền và gìn giữ lửa nghề. Dù nhiều lúc đối diện với khó khăn, như năm 2009, anh từng bị một học viên trong lúc tìm cách bỏ trốn, dùng vật nhọn đâm vào mạng sườn trái, song anh Thân vẫn không quản ngại, hàng ngày tiếp tục gieo hạt giống tâm hồn, tiếp thêm nghị lực tới mỗi học viên.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm 1 song chị Minh thừa nhận, trong công tác, chị luôn phải học hỏi từ chính học viên của mình. Công việc đặc thù, thầy cô trong trường không có đường sẵn mà đi. Đó là cả quá trình vừa đi vừa làm, vừa sửa trong công tác giáo dục học viên. Gần gũi học viên như thế nên mọi người không lạ khi thấy nhiều cựu học viên vẫn giữ liên lạc thường xuyên với cô giáo qua email, facebook. Mặc chị gọi cựu học viên là “bạn”, nhiều người vẫn trước sau một điều gọi phó phòng giáo dục tư vấn là “cô giáo”!

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục