Người thầy tiên phong đổi mới công nghệ

Người thầy tiên phong đổi mới công nghệ

Chỉ tính riêng trong năm 2015, thầy giáo trẻ Ngô Thành Nam, hiện đang công tác tại Trường TH - THCS - THPT Việt Úc (cơ sở Trần Cao Vân, TPHCM) đã vinh dự nhận hai giải thưởng lớn là giải nhì Chuyên gia giáo dục sáng tạo tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Tập đoàn Microsoft tổ chức tại Mỹ và giải nhất cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” do Bộ GD-ĐT Việt Nam tổ chức. Để có được thành công đó, thầy đã không ngừng phấn đấu, kiên trì áp dụng phương pháp giảng dạy mới đem lại hứng thú cho học sinh.

Học theo dự án

Công nghệ thông tin (CNTT) không đơn thuần chỉ là công cụ soạn bài giảng giáo án, trình chiếu tư liệu trong các phương pháp dạy học truyền thống, mà còn có khả năng “phá vỡ” giới hạn lớp học thông thường, đem lại cho học sinh những trải nghiệm thực tế để lĩnh hội kiến thức. Đó chính là lý do khiến thầy giáo trẻ Ngô Thành Nam kiên trì theo đuổi phương pháp dạy học theo dự án - một trong những phương pháp dạy học tuy không mới nhưng hiện có rất ít giáo viên Việt Nam áp dụng. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Nam cho biết, dạy học theo dự án đòi hỏi giáo viên mất nhiều thời gian nghiên cứu, thiết kế bài giảng thành nhiều chủ đề khác nhau cho học sinh tham gia tìm hiểu, sau đó chính giáo viên sẽ là người xâu chuỗi, tổng hợp kiến thức để học sinh có cái nhìn đầy đủ về vấn đề đặt ra. Ngoài ra, phương pháp này còn đòi hỏi người học phải có khả năng tự học, tự tra cứu kiến thức nên thường được xem là quá sức đối với học sinh tiểu học. Nhưng bằng sự quyết tâm và cố gắng, thầy đã thử áp dụng phương pháp này cho học sinh khối 5 và bước đầu gặt hái thành công ngoài mong đợi.

Thầy Nam trong một giờ lên lớp

Bảo Trung, học sinh lớp 5/1, lớp do thầy Nam phụ trách cho biết: “Sau khi học dự án về an toàn giao thông, con đã biết cách làm việc theo nhóm, biết hợp tác và chia sẻ kiến thức với bạn bè. Cả lớp còn có dịp thi thố khả năng đóng kịch, thuyết trình, nhập vai”. Theo đó, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em được chia thành 4 nhóm tìm hiểu các vấn đề về tình hình giao thông, nguyên nhân gây tai nạn giao thông, điều tra hậu quả và biện pháp phòng tránh. Học sinh sẽ được tạo điều kiện đến tham quan, học tập tại Sở Giao thông Vận tải TPHCM và Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình để trực tiếp trao đổi với những nạn nhân bị tai nạn giao thông cũng như người thân trong những gia đình có người bị nạn. Ngoài ra, các em còn có những giờ học thực tế trên đường, tận mắt tìm hiểu thói quen điều khiển của người tham gia giao thông. Kết thúc hai tuần lễ tự học và nghiên cứu, mỗi học sinh sẽ có bài ghi chép, là cơ sở tổng hợp thành bài thuyết trình chung cho cả nhóm. Trong buổi tổng kết, mỗi nhóm cử ra hai bạn thuyết trình bài báo cáo để giáo viên và các bạn khác góp ý, bổ sung. Sau khi hoàn thành tác phẩm cuối cùng, các em tiếp tục sử dụng các phần mềm công nghệ để tạo ra những sản phẩm khác như poster, video chia sẻ trên YouTube… nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng hơn đến cộng đồng. Xuyên suốt dự án, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ học sinh khi gặp khó khăn. Theo thầy Nam, thay vì dạy học thụ động theo truyền thống, giáo viên thuyết giảng và học sinh chỉ có mỗi nhiệm vụ lắng nghe, phương pháp dạy học mới đã giúp các em chủ động hơn trong học tập, rèn thói quen tự học, tự nghiên cứu. Qua cách làm này, học sinh không chỉ được cung cấp kiến thức cơ bản, mà còn hình thành nhiều kỹ năng khác như sắp xếp, quản lý công việc, thời gian, biết lắng nghe, chia sẻ, phản biện cũng như tự tin thể hiện mình khi làm việc nhóm.

Không ngừng đổi mới

Ngoài những đổi mới, sáng tạo trong dạy học, thầy Nam còn được biết đến là một trong những giáo viên đầu tiên của TPHCM đưa ứng dụng CNTT vào công tác quản lý lớp và liên lạc với phụ huynh. Cụ thể, thầy giáo trẻ này đã sử dụng công cụ Classdojo để ghi nhận hành vi của học sinh. Khi học sinh có bất kỳ hành động tốt hoặc xấu đều được giáo viên ghi nhận, click vào các cột đánh dấu. Sau mỗi tháng, học sinh nào có số điểm tốt vượt trội sẽ được cộng điểm thưởng. Toàn bộ quá trình ghi nhận và đánh giá đều được tổng hợp tại bản tin điện tử gửi cho phụ huynh để gia đình nắm rõ từng hoạt động, hành vi cũng như tính cách con mình ở trường. Sau mỗi học kỳ đánh giá, phụ huynh sẽ được nhận một bảng khảo sát online thể hiện mức độ hài lòng cũng như trăn trở, mong muốn của gia đình trong việc phối hợp với giáo viên giáo dục học sinh. Mô hình quản lý này bước đầu đã được nhiều giáo viên các trường bạn quan tâm, học hỏi.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình không có ai theo nghề giáo, bản thân từng đối diện nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế không cho phép nhưng càng dấn thân vào nghiệp dạy, thầy Nam càng cảm thấy đam mê và “cháy” hết mình với nó. Thầy Nam cho biết, vì quá yêu CNTT, ngày đêm mong muốn ứng dụng thêm nhiều phương pháp mới để cải tiến việc dạy học nên toàn bộ quỹ thời gian ở nhà thầy đều dành cho việc tự mày mò, nghiên cứu và luôn cảm thấy vui vì tình cảm và sự đón nhận của học sinh. Đó mới chính là phần thưởng cao quý nhất của người thầy giáo.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục