Người tiêu dùng làm gì khi bị “chặt chém”?

Gần đây, từ “chặt chém” thường được dùng trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, khi khách hàng bị đơn vị cung cấp dịch vụ đưa ra mức giá quá cao so với giá đúng của sản phẩm trên thị trường. Trước đây, nạn “chặt chém” chỉ xuất hiện với các du khách nước ngoài, nhưng nay nạn này lại xảy ra thường xuyên với cả du khách trong nước và người tiêu dùng nói chung.

Nhằm giải quyết vấn nạn này, Nhà nước ta đã đưa ra những quy định rất rõ trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (Luật BVQLNTD). Theo đó, nạn chặt chém được quy định là hành vi bị cấm tại Điều 10, cụ thể như sau: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; yêu cầu người tiêu dùng thanh toán hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng”.

Cũng theo quy định của luật này, khi gặp phải các hành vi xâm phạm như vậy, người tiêu dùng có quyền khiếu nại trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi có hành vi xâm phạm xảy ra, để được giải quyết, trong trường hợp này chính là UBND cấp huyện.

Việc khiếu nại trực tiếp hoặc bằng văn bản của người tiêu dùng phải có đủ các thông tin sau: thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm; thông tin về người tiêu dùng; nội dung vụ việc; yêu cầu cụ thể của người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Bên cạnh việc quy định rõ quyền của người tiêu dùng, Nhà nước cũng quy định rất rõ mức chế tài dành cho hành vi chặt chém. Căn cứ Điều 66 Nghị định 185/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về hành vi vi phạm cung cấp thông tin hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, thì các cá nhân, tổ chức kinh doanh vi phạm sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng cho hành vi này, cùng với việc tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 1 - 6 tháng, hoặc đình chỉ hoạt động từ 1 - 6 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm.

Như vậy với những bước thủ tục đơn giản theo các quy định trên, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền cũng như là có nghĩa vụ khiếu nại các đơn vị kinh doanh có hành vi chặt chém người tiêu dùng để bảo vệ chính mình.

Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Đọc nhiều nhất

Nhà vượt lũ bỏ hoang được rao bán

Hàng trăm nhà vượt lũ ở Đồng Tháp Mười bị bỏ hoang

Theo phản ánh của bạn đọc, hiện nay vùng Đồng Tháp Mười có hàng trăm căn nhà vượt lũ bị bỏ hoang, một số nền được rao bán; xuất phát từ nguyên nhân do không có đất sản xuất, người dân không có việc làm nên về lại quê nhà hoặc đến địa phương khác làm công nhân.

Từ thư bạn đọc

Mòn mỏi chờ cầu qua sông

Từ phản ánh qua Đường dây nóng Báo SGGP, đầu tháng 4, có mặt tại dự án cầu Bình Liêm xây dựng dang dở bắc qua sông Lũy nối 2 xã Phan Hòa và Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), chúng tôi không khỏi lo ngại khi chứng kiến cảnh người dân liều mình lội qua sông để canh tác, sản xuất.

Ý kiến

Việc làm thiếu ý thức

Những ngày gần đây, trên các diễn đàn và trang mạng xã hội lại tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến về việc có nên bỏ tục lì xì ngày Tết hay không, khi mà càng ngày phong tục này càng bị biến tướng, bị thương mại hóa, mất đi ý nghĩa vốn có của nó.