Với con số này, Việt Nam đã giảm 1 hạng so với quý trước, trở thành nước thứ 5 lạc quan nhất toàn cầu. Đây là kết quả khảo sát của báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng vừa được Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen phối hợp với The Conference Board thực hiện và vừa công bố.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục xếp hạng sự ổn định công việc (46%, tăng 3% so với quý 1-2018) và sức khỏe (42%, tăng 1% so với quý 1-2018) là 2 mối quan tâm hàng đầu.
Người tiêu dùng Việt Nam cũng tiếp tục lạc quan về tình hình tài chính cá nhân của họ với 76% nhận định, tình trạng tài chính cá nhân của họ tốt hoặc xuất sắc trong 12 tháng tới (giảm 1% so với quý 1-2018), nhưng gần một nửa số người được hỏi đã cho rằng, đây không phải là thời điểm tốt để mua sắm chi tiêu. Các mối quan ngại khác của người Việt được phản ánh trong báo cáo là việc tăng hóa đơn chi phí sinh hoạt (11%), phúc lợi hoặc sức khỏe của phụ thân (11%) và giáo dục hoặc phúc lợi của con cái (8%).
Báo cáo tổng quan cũng cho thấy, người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á đang dẫn đầu về tiết kiệm. Trong quý 2-2018, Philippines là quốc gia có người tiêu dùng tiết kiệm nhất thế giới với 71%, tiếp theo là Việt Nam (70%), Singapore (69%) và Indonesia (66%); trong khi tỷ lệ tiết kiệm trung bình toàn cầu chỉ ở mức 53% người tiêu dùng sử dụng tiền nhàn rỗi vào việc tiết kiệm, tăng 1% so với quý 1-2018.
Dù tỷ lệ tiết kiệm khá cao nhưng người tiêu dùng Việt Nam cũng sẵn lòng chi tiêu cho các hạng mục lớn vì họ muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Gần một nửa người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho các kỳ nghỉ lễ và du lịch chiếm 49%; có 46% người tiêu dùng Việt Nam muốn chi tiền cho quần áo và các sản phẩm công nghệ mới; 43% muốn chi cho các hoạt động giải trí gia đình và 38% chi tiêu cho việc nâng cấp, trang trí nhà cửa. Trong khi đó, ý định chi tiêu cho các gói bảo hiểm y tế tiếp tục đạt 41%, tăng 3 điểm so với quý 1-2018.