Người trẻ ghi dấu cho nông sản Việt

TPHCM ghi nhận một số gương mặt trẻ khởi nghiệp hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Càng vui hơn nữa khi những sản phẩm thuần Việt (rau má, thanh long, rau diếp cá, tía tô…) được xuất khẩu qua thị trường châu Âu, ghi dấu ấn nông sản Việt Nam, tiếp cận gần hơn với khách nước ngoài. 

Xuất khẩu bánh tráng qua hơn 40 quốc gia

Bất chấp những cơn mưa dầm rả rích, các cuộc điện thoại từ xa gọi đến tìm hiểu sản phẩm, đặt lịch hẹn làm việc… vẫn nối tiếp nhau, khiến vị giám đốc trẻ Lê Duy Toàn (32 tuổi) làm việc như thoi đưa. Công ty TNHH XNK Thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods) do Lê Duy Toàn làm giám đốc được nâng tầm từ cơ sở làm nghề bún truyền thống gia đình, nay cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu đi hơn 40 quốc gia.

Anh Lê Duy Toàn, Giám đốc Duy Anh Foods
Tâm sự về cơ duyên đến với nghề, Toàn cho hay, thời điểm còn du học ở Mỹ, anh phát hiện rất nhiều loại bánh tráng bày bán trong các siêu thị lớn đều ghi nhãn mác Thái Lan. Tìm hiểu kỹ hơn, anh được biết, nhiều doanh nghiệp Thái Lan đặt mua trực tiếp bánh tráng từ Việt Nam, sau đó gia công, đóng gói ghi nhãn “Made in Thailand” để xuất khẩu. “Tại sao mình không làm mặt hàng này, trong khi ba mẹ và bà con mình ở quê (Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) làm bánh tráng ngon lắm. Từ đó, mình quyết tâm khi học xong sẽ về nước lập nghiệp”, Lê Duy Toàn tâm sự. 


Thật may mắn, ngay những tháng đầu năm 2020, trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm bún dưa hấu, bánh tráng thanh long… lần chào hàng đầu tiên, công ty đã nhận được đơn hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Cụ thể, 4 tấn bún dưa hấu được xuất sang Hàn Quốc, 3,5 tấn khác sang Nhật Bản; gần 3 tấn bánh tráng thanh long và bún dưa hấu được đưa sang Australia; tiếp đến lô hàng 9 tấn bún dưa hấu khác cũng đã tiếp cận thị trường Canada. Phần lớn các sản phẩm này được đặt trên các quầy kệ của Amazon.

Theo Toàn, “trong rủi có may”, bởi dịch Covid-19 là lúc anh và cộng sự có nhiều thời gian nghiên cứu các sản phẩm nhà nông chờ “giải cứu”. Tuy vậy, để cho ra lò các mẻ sản phẩm thành công không dễ dàng. Lúc mọi người ngủ là lúc Toàn thức để canh các đợt thử nghiệm (công thức pha chế, nhiệt độ sấy…). Ban đầu thành phẩm làm non tay nên bị cứng, nhạt màu, sau gần chục lần điều chỉnh mới được hoàn thiện. Còn về việc xuất khẩu, Toàn cũng cho biết, công ty từng bị đối tác trả cả container hàng về nước khiến anh rất sốc, vì yêu cầu bánh tráng làm ra phải đều, đẹp, trăm cái như một, không lồi lõm… Vậy nên, Toàn luôn đặt quyết tâm không ngừng cải tiến để cung cấp các sản phẩm phù hợp, chinh phục khách hàng dù khó tính nhất.

Đam mê

Nhắc đến Nguyễn Ngọc Hương (31 tuổi), nhà sáng lập - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên nhiên Việt, nhiều bạn đồng nghiệp nhận xét, cô gái này đam mê công việc. Một buổi chiều cuối tuần, trong cuộc gọi điện thoại, Ngọc Hương cho biết đang ở vùng nguyên liệu. Mô hình mà cô gái trẻ này và nhóm cộng sự đeo đuổi được thực hiện khép kín từ nuôi trồng rau tại trang trại, chế biến, sau đó phân phối tới khách hàng. Ngọc Hương chia sẻ, khoảng 5 năm trước đã lên kế hoạch cung cấp tới khách hàng bột rau má khô có giá hàng triệu đồng/kg, thay vì rau má tươi chỉ vài chục ngàn đồng/kg. Lúc đó ai cũng nghĩ mô hình kinh doanh này bất khả thi, nhưng giờ đây các loại bột rau này đã có mặt ở Canada theo đường xuất khẩu chính ngạch.
  
Đáng chú ý, ngay khi Hiệp định EVFTA, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, có hiệu lực từ 1-8-2020, sản phẩm xuất khẩu của công ty được hưởng ưu đãi thuế suất 0%, giúp cho bột rau sấy lạnh thương hiệu Quảng Thanh tăng khả năng cạnh tranh. Đầu tháng 9-2020, khoảng 5.000 sản phẩm thương hiệu Quảng Thanh bắt đầu hưởng mức thuế suất ưu đãi trên. 

Trên thị trường hiện nay, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm hướng đi cho mình. Đối tác của công ty đánh giá cao chất lượng sản phẩm Quảng Thanh nhưng vẫn thừa nhận rằng, các thương hiệu khác của Đài Loan, Nhật Bản được định vị trên thị trường, nên có thế mạnh hơn hẳn. “Dự tính trong tháng 12, công ty sẽ xuất thêm 1 lô hàng nữa sang châu Âu. Còn ở thời điểm này, chúng tôi mới xuất được 4 lô hàng. Ngoài vùng nguyên liệu ở huyện Củ Chi (TPHCM), công ty cũng hợp tác với nông dân tại tỉnh Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu để mở rộng vùng nguyên liệu. Hiện nay, chúng tôi có 15ha vùng trồng đạt chuẩn xuất khẩu, đảm bảo đầu ra an toàn, ổn định”, Nguyễn Ngọc Hương cho biết.

Nhớ lại những ngày đầu trầy trật khởi tạo vùng nguyên liệu, Hương kể: “Nông dân canh tác theo kiểu thông thường chỉ mất khoảng 3 tháng, thì mình mất nửa năm mới có vùng nguyên liệu đủ chuẩn, hơn 1 năm trời mới ổn định được đầu ra. Khâu chế biến cũng khó khăn không kém, bởi rau ăn lá khó bảo quản. Chẳng hạn như, mình và cộng sự áp dụng công nghệ sấy lạnh để giữ lại hương vị nông sản nguyên vẹn, thời gian sấy từ 24 giờ đến 36 giờ, tùy loại rau. Công nghệ này ưu điểm hơn cách làm truyền thống là phơi nắng hoặc gia nhiệt sẽ giảm chất dinh dưỡng rất nhiều”. Kiên trì từng chút một, sau 4 năm, hàng chục ngàn sản phẩm bột rau Quảng Thanh đã xuất khẩu sang Canada, Hà Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ... Bất chấp dịch Covid-19, công ty của Ngọc Hương vẫn tiếp tục nhận được các đơn đặt hàng từ đối tác quốc tế. 

Chịu khó học hỏi, vì lòng “tự ái” dân tộc (như cách chia sẻ của Lê Duy Toàn) mà khởi nghiệp vươn lên, là cách không ít các bạn trẻ gặt hái thành quả. Hành trình làm giàu còn lắm gian nan, nhưng những ai dám dấn thân vì đam mê chắc hẳn kết quả mang lại sẽ nhiều trái ngọt.

Tin cùng chuyên mục