Người trẻ giữ hồn chiêng

Luyện tập ở tuổi lên 10
Người trẻ giữ hồn chiêng

Chỉ mới 10 đến 14 tuổi, nhưng hơn 30 thành viên của đội cồng chiêng “nhí” ở làng Mơ H’Ra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã nhuần nhuyễn nhiều điệu chiêng truyền thống. Các em đang được kỳ vọng sẽ là những người tiếp nối, lưu giữ văn hóa cồng chiêng trước nguy cơ mai một.

Luyện tập ở tuổi lên 10

Có mặt tại hội trường làng Mơ H’Ra vào một buổi chiều, chúng tôi gặp tốp hơn 10 thành viên đội chiêng “nhí” đang hăng say luyện tập cồng chiêng. Bài chiêng Mừng lúa mới trầm bổng trong sự thán phục của khán giả làng. Em Đinh Văn Mường (10 tuổi) cho biết, sắp tới đội chiêng sẽ đi lưu diễn nên các em cùng nhau đến đây tập luyện. Trong số các thành viên của đội, Mường trẻ nhất, nhưng được đánh giá là tay chiêng nổi trội nhất bởi chơi được tất cả các bài chiêng. Mường học đánh chiêng từ hơn một năm trước. “Lúc ấy, già Đinh H’Mưnh đến nhà bảo em có học đánh chiêng thì đăng ký để già dạy. Từ nhỏ em rất thích đánh chiêng, nên khi có người truyền dạy là em đồng ý ngay”, Mường kể. Cứ chiều chiều, sau khi hoàn thành bài vở ở trường, Mường lại đạp xe ra hội trường làng học cồng chiêng.

Câu chuyện Đinh Văn Bé (12 tuổi) mượn chiêng về nhà tập đánh suốt đêm cho bằng bạn đồng môn, giờ kể lại vẫn khiến nhiều người phì cười. Nhà nghèo nên Bé phải nghỉ học sớm, hàng ngày phụ bố mẹ làm nương rẫy. Lúc được già Đinh H’Mưnh nói chuyện truyền dạy cồng chiêng, cậu từ chối vì… lười. Già Đinh H’Mưnh kiên trì thuyết phục, cậu cũng gật gù. Những ngày đầu, Bé đến lớp khá đều đặn, nhưng vài ba tháng sau thì thưa thớt dần. Đến lúc đội cồng chiêng tập dượt để chuẩn bị đi diễn, Bé đánh nhầm điệu chiêng nên bị cả nhóm trêu. “Lúc ấy em rất ngại, quyết học cho bằng bạn bè. Em mượn chiêng về nhà luyện tập. Lúc nào rảnh là tập đánh. Điệu nào không biết, em vượt đồi đến gặp già Đinh H’Mưnh hỏi. Nhờ thế em đã tiến bộ, bây giờ đánh thành thạo không thua bất cứ ai”, Bé nói.

Già Đinh H’Mưnh (trái) cùng đội chiêng “nhí” do mình đào tạo.

Bà Trần Thị Bích Ngọc, cán bộ văn hóa xã Kông Lơng Khơng, cho biết: “Xã có 12 thôn, nhưng chỉ có 1 đội chiêng “nhí” của làng Mơ H’Ra. Đội chiêng này ngoài biểu diễn trong làng, bản, xã thì còn tham gia các cuộc thi cấp huyện, tỉnh. Trong đó, các em đã 2 lần đoạt giải B Liên hoan cồng chiêng huyện Kbang. Các em được kỳ vọng sẽ tiếp nối thế hệ cha ông tiếp tục giữ gìn nét văn hóa cồng chiêng nơi đây”.

Để tiếng chiêng vang xa

Theo già Đinh H’Mưnh, ý tưởng thành lập đội cồng chiêng “nhí” xuất phát từ nỗi trăn trở ít còn ai chơi cồng chiêng để giữ hồn dân tộc. “Bây giờ lớp trẻ toàn chạy theo các loại hình âm nhạc hiện đại nên chẳng ai chịu học cồng chiêng. Trong khi đó, đội cồng chiêng ở làng cũng đã lớn tuổi, già sợ chỉ vài ba năm nữa khi những người này chết đi sẽ không có ai tiếp tục đánh cồng chiêng. Cũng vì nghĩ thế nên già tự dặn lòng bằng bất cứ giá nào cũng phải truyền dạy đánh cồng chiêng cho lớp trẻ”, già Đinh H’Mưnh nói.

Để triển khai kế hoạch của mình, già Đinh H’Mưnh bỏ việc nương rẫy để băng rừng lội suối đi vận động các em theo học. Nhiều học sinh nghèo khó, già tự nấu cơm cho các em đến ăn để tập luyện. Có em nghỉ học không lý do, già lại đến tận nhà hỏi nguyên do, rồi cùng gia đình tháo gỡ khó khăn, đồng thời vận động đi học lại. Gần 2 năm tự mở lớp đào tạo miễn phí cho các tay chiêng “nhí”, thành quả lớn nhất mà già Đinh H’Mưnh nhận được chính là thành tích mà đội cồng chiêng “nhí” đạt được khi đi tham gia biểu diễn, quan trọng hơn là có người kế tục sau này. “Sau khi kết thúc giảng dạy đội chiêng này, tôi sẽ tiếp tục vận động, dạy thêm những lớp cồng chiêng khác để truyền dạy cho các cháu, khi nào mình kiệt sức thì thôi”, già Đinh H’Mưnh tâm sự.

Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở VH-TT-DL Gia Lai), cho rằng, việc người dân tự tuyển chọn, đào tạo và truyền dạy cho con cháu cách đánh cồng chiêng sẽ giúp bảo tồn được nét văn hóa cồng chiêng. Đây là việc làm rất đáng khuyến kích. Sở rất ủng hộ việc làm có ý nghĩa này.

VÕ PHÚC

Tin cùng chuyên mục