Người trong một nhà

Người trong một nhà

Tôi có ba bà chị dâu. Chị dâu cả về nhà chồng từ năm đầu kháng chiến, mới mười bảy tuổi. Mẹ tôi bảo bấy giờ anh tôi đòi đi theo Việt Minh nên hai nhà cưới vội, để anh yên lòng đi kháng chiến vì đã có người chăm sóc các em và bố mẹ. Anh tôi đi biền biệt từ đó, không một lời nhắn, không một lá thư. Mãi đến lúc làng có phong trào vận động người đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên, cứ nghĩ lên đó may ra gặp chồng, nên chị tôi xung phong vào đoàn người gánh gạo. Mấy tháng kẽo kẹt gồng gánh, vật vạ đường rừng lên mặt trận, ngong ngóng tìm mà vẫn không gặp được anh, nhưng về quê, chị lén mua tấm áo lụa, nói dối là quà của anh để mẹ vui...

Mẹ tôi ngót trăm tuổi mới mất, tính ra chị dâu cả ở với mẹ chồng hơn bảy mươi năm. Ngần ấy năm ở với mẹ chồng, đến nỗi càng về già nết chị tôi cứ y như mẹ, nhẫn nhịn, chắt bóp thế, lam làm không kể sớm tối.

Mấy chục năm về già mẹ tôi hầu như ngày nào cũng hùi hụi ở khu vườn trước cửa nhà. Nào có nhiều nhặn, gạo châu củi quế gì cho cam, chỉ là vườn tạp, mỗi thứ, mỗi loài một tí, mấy luống đất mùa nào trồng rau ấy, vài khóm rau thơm, vài cây ớt chỉ thiên, dăm cây cà, bụi giềng rồi dây trầu, hàng cau, cây chanh, cây cam, cây mơ, cây bưởi...

Người trong một nhà ảnh 1

Bà Hà Thị Hậu - chị dâu cả trong bài viết. Ảnh: VŨ HẢI

Khu vườn của mẹ giá có thu hái gom góp cả một mùa cũng chỉ được chừng một quảy đáng giá gì đâu. Vậy mà mẹ tôi chỉ dừng việc bới đất lật cỏ ngoài vườn đến tận trước ngày mất có độ hai tháng. Chị dâu cả thế vào chỗ của mẹ, y thế, vẫn cái dáng suốt ngày cắm cúi như dò tìm từng mầm rễ cây, ngọn cỏ trên mặt đất vườn bạc màu pha cát sỏi.

Có lần thấy chị tôi ho xù xụ còn tham công tiếc việc, lê la ngoài vườn cả ngày, thằng con cả gắt lên, bảo mẹ đừng lẩn thẩn nữa, bỏ quách ba cái thứ rau dưa lặt vặt đi, thiếu gì ngoài chợ mà phải nhọc xác. Chị tôi không nghe, bảo có tiền, mua gì chả được, nói gì đến quả ớt, mớ rau. Nhưng ăn cái rau ở vườn nhà mình vẫn hơn.

Đôi khi tôi về thăm quê, khi đi chị dúi cho một bọc rau dưa. Rõ là hương hoa vườn nhà hơn mua ở chợ thật. Quả ớt, củ hành, quả cà pháo tất cả đều bé tí, vặn vẹo nhưng cay hơn, thơm hơn, ròn hơn những thứ mua ở chợ. Cả mớ rau mùi cũng vậy, lá cằn cọc, nhưng chỉ nhấm một chút đã thơm cay chân răng... Nếu thiếu những mảnh vườn nhà như vườn của chị tôi thì hương quê đâu còn?

Bà chị dâu thứ hai là một phụ nữ đẹp và tháo vát. Anh tôi đang học kỹ thuật quân sự ở nước ngoài, chị lại son rỗi nên nhận công tác phụ nữ xã. Thấy con dâu đi họp hành nay huyện, mai tỉnh, mẹ bảo chị cả bán đôi hoa tai vàng mẹ giữ từ thời con gái cho con dâu mua chiếc xe đạp, sắm sửa thêm quần áo mà ra nơi thiên hạ cho đỡ tủi. Thế rồi một lần đi họp trên tỉnh về, chị ngồi ở chân giường mẹ lặng lẽ khóc. Mẹ gặng hỏi thế nào chị cũng cắn răng vào môi. Mãi đến gần sáng chị thu xếp quần áo vào tay nải, lạy mẹ xin tha thứ vì đã chót dại, không xứng với chồng, với gia phong bên nội nên xin về nhà ngoại.

Chị nói thế, nhưng đi một đoạn thì đổi ý, rẽ ra đầu núi. Chị dựng túp lều sống ở đó với đứa con trai mãi sau này làng mới biết, đó là con của ông Bí thư Đảng ủy xã. Chị ở vậy nuôi con, người cứ đẹp rờ rỡ nhưng nhất quyết không nhận lời với ai đi bước nữa, kể cả sau này vợ ông Bí thư mất vì bệnh trọng.

Không còn ở trong nhà, nhưng từ ngày anh trai tôi mất vì bom ở mặt trận Lào thì chị không kể sớm tối, rỗi lúc nào là đoảng sang chăm sóc bố mẹ tôi, giúp từ những việc lặt vặt, khi vơ bó củi, khi nấu nồi cơm, khi dọn dẹp quét quoáy nhà cửa, đến cả những việc nặng như cấy hái ngoài đồng. Hơn năm mươi tuổi mà chị vẫn cứ như là nàng dâu ngày nào, sốt sắng làm nốt phận làm dâu không may chị lỡ dở...

Chị dâu thứ ba, nói như bà cả là “nó” được nhất nhà. Chị hơn anh tôi hai tuổi, thành vợ thành chồng do hẹn ước của hai cụ thông gia thuở còn chân chánh tổng, phó lý, trước cách mạng. Chị về làm dâu đem theo nếp ăn, nếp ở của một gia đình coi trọng các lễ giáo cũ, kín đáo, nhu nhuyễn, trên dưới phân minh và yên phận với đạo làm con, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.

Việc nhà quê chân lấm tay bùn, ngày mùa thường ăn xấp ăn ngửa cho xong còn ra đồng, lại chăm nom bố mẹ chồng cùng một lũ con trứng gà trứng vịt, nhưng chị bao giờ cũng tươm tất, nói đủ nghe, cười nửa miệng, từng bước sẽ sàng như nhón trên mười đầu ngón chân.

Chị ăn ở với chồng đã ba mặt con, nhưng lúc nào cũng ý tứ. Từ đồng về, bước qua cổng nhà là quần không còn vo trên đầu gối, áo cài khuy kín cổ. Từ bếp lên nhà chỉ bát canh cũng bưng hai tay, đi lối cửa bên, rồi ngồi mớm đầu mâm xới cho cả nhà, ăn uống nhẩn nha, chờ mọi người ăn xong mới lặng lẽ thu dọn...

Chị tôi lặng lẽ, tươm tất, nhẹ nhàng bao nhiêu thì anh tôi lại ngược lại. Anh là cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của huyện, ăn to nói lớn, việc thường ngày là ở ngoài đồng, trên nương, nhưng chiều thứ bảy về nhà bao giờ cứ phải com-lê, cà-vạt đàng hoàng, xe máy hon-da bóng loáng. Anh đậm sức, da thịt đỏ au, mái tóc hoa râm với kính gọng vàng nhìn còn trẻ lắm. Anh càng ngày càng trẻ lại, chị thì mỗi tuổi mỗi già, so sọm, đen đủi. Không dám chê ra miệng, nhưng xem trong ý tứ thì anh ngày càng nhạt nhẽo với chị. Đôi khi có khách khứa, bạn bè cùng cơ quan đến thăm, anh lấy cớ thắp hương cho các cụ nên mời khách sang nhà bác cả, làm cơm bên đó, cứ như muốn giấu bà vợ già.

Có khi việc hiếu hỉ của họ hàng nội ngoại cả hai vợ chồng phải có mặt, nhưng anh lẳng lặng đi xe một mình, còn bà vợ già đi đứng thế nào thì tùy... Chị tôi biết mình bị chồng chê, nhưng nhẫn nhịn chịu đựng không than thở với ai một nhời. Sau cái tết cách đây vài năm, anh tôi đi ăn cỗ nhà bạn gái, rượu say không về, chị lẳng lặng đem hết những khăn xanh, áo trắng nhuộm gụ rồi sau đó vào hội các vãi đi chùa, và tham gia Ban vận động tu bổ, tôn tạo, xây dựng lại chùa chiền. Càng năng đi chùa, năng hoạt động trong hội các vãi, chị tôi càng hoạt bát, mạnh bạo, không như dạo nào chỉ là cái bóng của chồng con.

Từ ngày làng có đường đúc bê tông lên xã, lại có điện, nhiều nhà xoay cửa ra mặt đường, cũng mở quán bán nước, bán bia rượu, may quần áo, bán xăng dầu, tạp hóa, cho thuê váy cưới, thêm quán nét, quán chiếu băng hình, quán karaoke và đẻ thêm cái chợ ở đầu làng nữa thì chị dâu cả bòn mót ở vườn nhà mỗi thứ rau quả một tí, được một mẹt đem ra ngồi đầu chợ. Ngồi mốc mặt mà chả ai dòm ngó đến. Đã thế mấy bà, mấy cô trên phố xã mới tập buôn bán, chả biết giàu nghèo thế nào mà ăn nói chỏng lỏn, khinh người như cái rác, bĩu môi chê mẹt rau của chị. Ra chợ huyện bỏ vài ngàn bạc thì ối, rau mơn mởn, ớt xanh, ớt đỏ to bằng quả cam, hơi đâu vơ cái của nợ này về cho rác nhà! Chị ngồi ngậm bồ hòn. Khổ thân chị tôi.

Cũng từ độ làng lên phố, chị dâu thứ hai của tôi theo chị ba đi chùa. Hai chị cùng các vãi đi từng nhà vận động quyên góp dựng lại chùa Thượng trên nền chùa cũ, nhưng nhỏ hơn. Chị tôi bảo, hôm khởi công các vãi trù tính có lẽ cả tháng mới xong. Ai dè, ngay buổi sáng đào móng bà con trong làng, trong xã kéo đến xin làm công đức, cứ nườm nượp, nên mươi ngày chùa đã dựng xong.

Đúng dịp chùa khánh thành, các bà chị dâu gọi tôi về để nói chuyện gia đình. Tôi không thể ngờ, ba bà chị dâu lại có một bí mật mà mấy chục năm qua các chị vẫn giữ kín, không cho những người đàn ông trong nhà biết… Ấy là chuyện về bức tượng gỗ nhỏ, sơn thiếp đã tróc lở, có con chim sơn xanh đậu ở bên vai trái. Ở chùa Tây Phương cũng có một bức tượng như thế này, chỉ khác kích thước nhỉnh hơn. Sư thầy trụ trì chỉ cho tôi đó là tượng Thị Kính, nàng tu chính quả, được hóa Phật, còn con chim xanh nhảy nhót tầm gửi chỗ đậu trên vai Thị Kính kia là chàng nho sinh Thiện Sĩ bụng dạ hẹp hòi, nên dù đã có hạnh phúc như vàng cầm trong tay mà rồi lại ném đi mất...

Bức tượng Thị Kính có trong nhà bắt đầu từ mẹ, chị cả tôi bảo thế. Bấy giờ vào năm đầu sáu mươi, Hợp tác xã cấp thấp quy mô xóm bỗng thăng tiến lên cấp cao, quy mô toàn xã, để nhanh chóng tập trung nhân lực xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Khu đồi hoang tiếp giáp ba xóm được chọn làm trung tâm kinh tế, văn hóa của hợp tác xã. Chỉ dăm bữa, nửa tháng sức lực điền của mấy trăm người có trong tay dao quắm, cuốc xẻng đã san khu đồi đất pha sỏi thành hình hài sân kho, nền bãi, chuồng trại... Đợt vận động phá cũ xây mới, được phát động, khẩu hiệu kẻ vẽ bằng vôi kín các bờ tường nhà dân. Đội quân xe cút kít ra dời, trống dong, cờ mở kéo đi phá đình, phá đền chùa để lấy gỗ, gạch, đá đem về xây trụ sở, nhà kho, chuồng trại của hợp tác xã. Những cột, kèo bằng lim đen nhẫy khiêng ba, khiêng tư, cả hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng, tất tật chất lên xe cút kít, về đổ một đống trên khu đất mới san. Cả con chó đá ngồi canh cổng chùa cũng khiêng về, cho ngồi giữ cửa kho...

Chỉ có bức tượng gỗ nàng Thị Kính trên chùa Thượng là không lọt vào tay đội quân xe cút kít mà không ai biết. Mẹ tôi, do ai đó mách bảo nên biết cái ngày hợp tác xã phá chùa để lấy gạch, gỗ đã lén ra chùa thắp hương từ canh ba. Lúc đoàn quân xe cút kít bánh gỗ nghiến chèo chẹo trên đường làng, hướng lên chùa Thượng thì bà đã nhanh tay mở tấm khăn vải đen bọc bức tượng gỗ ôm đi.

Bấy giờ tống cựu nghinh tân được xem như tiêu chuẩn đạo đức của dân làng. Ông giáo Việt thấy những bộ câu đối sơn son của đình dỡ về ném ngổn ngang trong đống gỗ, lén xin ông bảo vệ được một bộ, không may bị Ban lãnh đạo hợp tác xã phát hiện đã gửi đơn tố cáo có tư tưởng thủ cựu về trường, suýt ông bị mất dạy.

Mẹ tôi sợ liên lụy đến các con đang công tác nên đem tượng về nhà giấu biệt trong hòm để sắn khô kê ở gian nhà bếp. Từ đó, nhiều lần tượng chuyển giấu loanh quanh trong nhà. Mãi sau này chuyện cũ đã nhạt, mẹ tôi cũng đã già, thấy không thể giữ riêng được nữa, mẹ để chị dâu cả thay mẹ cất giữ tượng.

Ngày đó, nhận cái bọc chăn gói bức tượng chị dâu tôi đã bàn với mẹ chồng, hay là đem trả tượng cho Văn hóa xã, chứ giữ của nhà chùa trong nhà, ngại lắm. Mẹ ngồi trên bậu cửa mãi lâu mới nói với chị cứ giữ, bao giờ có dịp thì các con thỉnh ngài ra chùa, của chùa trả chùa, không cho ai hết. Chị dâu tôi lại bảo, bây giờ chị mới sực thấy, có lẽ do bà giữ tượng trong nhà nên mẹ, các con dâu nhà này ai cũng như bị ám, có cái khổ hao hao nàng Thị Kính.

Nghe chị tôi nói thế, mẹ chấm nước mắt, bảo chị nói thế là thiển nghĩ. Nhà này cũng chân lấm, tay bùn nhưng có được yên lành như nhà thiên hạ đâu. Thời cải cách bị quy nhầm lên thành phần bóc lột, nhà cửa, ruộng vườn đội tịch thu, sau sửa sai, được Nhà nước đền bù , nhưng gia sản đã như cầm bát nước hất đi rồi, có lấy lại cũng chỉ là vớt vát. Vậy mà bây giờ lại nhà ngói cây mít, cơ ngơi nào kém cạnh ai trong làng, trong xã, con cháu lại học hành, công tác thành người danh giá cả. Nếu không do Ngài phù hộ độ trì thì ai cho?...

Chị cả để pho tượng lên sàn gác xép, nơi thường để chăn chiếu mùa hè, con cháu cũng chả đứa nào để ý đến. Cho đến mấy năm gần đây chị dâu thứ ba theo các vãi đi chùa, thì chị dâu cả gửi tượng lại cho em dâu.

Bức tượng trao tay từ mẹ đến các chị dâu bây giờ gần hết một đời người, nay tôi mới được nhìn thấy.

Chị tôi bảo, bây giờ các vãi đã dựng lại chùa Thượng, không được như cũ, nhưng cũng có nơi, có chốn để dân làng thờ phụng. Chùa không có tượng thì chỉ là gian nhà vắng, cho nên mồng một tháng này cả ba chị theo ý của mẹ xin thỉnh tượng về chùa...

Hà Đình Cẩn

Tin cùng chuyên mục