Người trồng rau miền Trung điêu đứng

Đợt mưa lũ kéo dài mấy ngày qua đã làm nhiều vựa rau trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam bị ngập úng, hư hại hoàn toàn. Cuộc sống nhiều hộ dân đang lâm vào cảnh lao đao, điêu đứng.

 

Mất trắng

Ông Lê Tư (thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, Đà Nẵng) cho biết, hơn 20 năm làm nghề trồng rau chưa khi nào ông thấy thời tiết bất thường như năm nay. “Theo kinh nghiệm, qua 23 tháng 10 (âm lịch) là hết mưa lụt nên bà con xuống giống bắt đầu vụ tết, không ngờ năm nay trời lại mưa lớn và kéo dài nhiều ngày nên không ai kịp trở tay”, ông Tư nói. Nhà ông Tư làm 3 sào rau (1.500m2), chủ yếu là rau cải và khổ qua bán tết, nhưng giờ hư hại hoàn toàn.
 
Vựa rau Túy Loan có diện tích gần 10ha với hơn 50 hộ dân canh tác theo phương pháp rau sạch hữu cơ, mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn rau quả các loại. Theo ông Trần Lượng, Phó Giám đốc Hợp tác xã rau Túy Loan, qua thống kê sơ bộ, mưa ngập đã làm gần 90% rau quả các hộ dân nơi đây bị hư hại. Nặng nhất là các hộ trồng rau cải, quế húng và khổ qua, thiệt hại hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, lo nhất là nguồn rau cung ứng ra thị trường bị thiếu hụt, nhất là trong dịp tết do thời gian không còn đủ để xuống giống, chưa kể phải chờ nắng lên đất khô tơi mịn mới có thể canh tác. Cũng theo ông Lượng, do rau Túy Loan được sản xuất theo quy trình VietGAP nên thị trường rất ưa chuộng. Khách hàng của hợp tác xã chủ yếu là siêu thị, nhà hàng lớn, trường học và chợ đầu mối. “Bây giờ giá rau quả cao gấp 3-4 lần thấy ham nhưng chịu vì không có hàng để cung cấp”, ông Lượng cho biết thêm.

Ông Trần Lượng, Hợp tác xã rau Túy Loan, chăm chút những gì còn lại sau đợt mưa lũ
Tại tỉnh Quảng Nam, các vựa rau lớn như Hưng Mỹ, Bàu Tròn, Trà Quế... cũng bị hư hại. Chỉ riêng tại huyện Thăng Bình, hơn 400ha rau vụ chính đã bị hư hại do ngập chìm trong nước. Ông Nguyễn Văn Quý (làng rau sạch Hưng Mỹ, xã Bình Triều, Thăng Bình) cho biết, đa phần diện tích rau bị mất trắng, công sức bà con chăm bón mấy tháng nay xem như trôi theo nước ra sông, ra biển. “Không chỉ rau đang hoặc chuẩn bị thu hoạch mà diện tích mới xuống giống cũng tiêu tan do đất cát trôi chảy xói lở. Chẳng còn trông mong gì nữa, tết này chắc chắn mất vui rồi”, ông Quý than thở. Tình trạng tương tự xảy ra với hơn 40ha rau quả của vùng rau Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc).

 
Khan hàng, giá cao

Những ngày này, dạo quanh các chợ, siêu thị tại Quảng Nam và Đà Nẵng đều chứng kiến mặt hàng rau quả rất khan hiếm, giá đã tăng 2-3 lần so với vài ngày trước. Không ít người, nhất là công nhân, sinh viên phải chuyển sang mua dưa muối vì rau quá đắt và rau cũng không được “đẹp”. Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng), cho biết: “Mọi khi rau muống, rau mồng tơi, rau ngót giá từ 5.000-7.000 đồng/bó nay lên đến 15.000-20.000 đồng/bó. Rau thơm, khổ qua, bầu, bí... đều tăng giá chóng mặt”. 

Theo ghi nhận, mức tăng giá tại các chợ cao hơn các siêu thị vài ngàn đồng/kg do một số tiểu thương tự động tăng giá. Bà Lê Thị Ngọc (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chia sẻ, những ngày này số tiền đi chợ cho gia đình đã tăng lên hơn 50% do một số mặt hàng tăng cao, nhất là rau củ quả. Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng), thông tin, để bình ổn giá rau quả, hiện chợ đã nhập một số rau ăn lá ở Gia Lai, Đà Lạt… về nên cũng phần nào hạn chế độ khan hiếm rau xanh trên địa bàn thành phố. Song do nguồn cung không đủ nhu cầu thực tế nên giá các mặt hàng này vẫn còn khá cao.

Tin cùng chuyên mục