- Người ta nói vụ cướp xe bia ở Biên Hòa trong khoảng 100 người thì chỉ có 3 người đứng ra ngăn cản và giúp người lái xe thu hồi những lon bia nằm lăn lóc trên đường.
- Người ta nói trong vụ cướp tiền ở quận 3, nạn nhân chỉ được những người đi đường trả lại 30,5 triệu trên tổng số tiền 50 triệu bị cướp.
- Và người ta cũng nói chưa bao giờ cái từ “hôi của” lại được cả xã hội chúng ta nhắc nhiều như mấy tháng vừa qua. Tôi đã thử search trên Google và trong vòng 0,16 giây Google đã cho ra 30.500.000 kết quả tìm kiếm. Con số đó đã nói lên điều gì về nhân cách của người Việt chúng ta, chắc hẳn ai cũng biết, cũng hiểu như hiểu 1+1 bằng 2 vậy!
Nhưng có một nữ nhà văn đã từng thốt lên rằng: “Trong đám đông đang thiếu một anh hùng”, cái từ “Anh hùng” đôi khi không nhất thiết phải là một con người lực lưỡng, khỏe mạnh hay thông minh tài giỏi. Đơn giản chỉ là khi chúng ta đứng trước ranh giới giữa cái Thiện và cái Ác, thì con người tử tế trong tận tâm trí của chúng ta sẽ không bị bóp chết mà thôi!
Có lần đứa em gái của tôi trên đường đi học về thấy có một tờ 5.000 của ai đó đánh rơi. Nó chỉ đứng nhìn rồi bỏ chạy. Về nhà kể với mọi người, tự nhiên có người buột miệng hỏi: “Sao không lấy. Dại quá!”. Em tôi thản nhiên bảo: “Vì sợ quả báo!”. Một đứa trẻ học lớp 5 đã biết thế nào là nhân quả nếu đi nhặt hay lấy đồ của người khác.
Rồi có lần tết đến, có người đến nhà chơi và lì xì cho chị em chúng tôi, nhưng khi ra về họ đánh rơi một block tiền tờ mệnh giá 5.000 đồng. Tôi phát hiện và mẹ tôi gọi điện thoại cho họ đến nhận lại. Khi đem kể chuyện này cho mọi người nghe, trong đám đông có một số người đã thốt lên: “Dại quá, lộc trời cho mà không lấy?”. Đứa trẻ non nớt như tôi không hề biết thế nào là lộc trời cho, nhưng tôi biết nhặt của rơi mà không trả là phải tội.
Mấy tháng trước VTV1 chiếu một đoạn phóng sự về vụ án Cậu Thủy, kẻ giả danh nhà ngoại cảm để đi lừa gạt những thân nhân gia đình liệt sĩ đang ngày đêm cầu mong sớm tìm được thi hài của con em mình hy sinh mấy chục năm về trước. Tôi xem và khóc tức tưởi, khóc như một đứa trẻ đang cầm miếng bánh trên tay thì bị người ta cướp mất. Miếng bánh ấy mang tên Niềm Tin Đạo Đức khi trông thấy những người có chức, có quyền cũng tham gia tiếp tay cho tội ác tày trời này.
Hôm bữa có cô bé chung dãy nhà trọ tự nhiên hớt ha hớt hải chạy vào phòng tôi khoe: “Chị ơi, ngoài kia có ông bị cụt chân đi bán táo mèo. Chỉ mười ngàn một ký thôi. Nhà chị có mua không để em mua giùm cho, chứ thấy ông ế sáng giờ tội quá”! Cứ thế cô bé gõ hết phòng này đến phòng khác. Nhà tôi mua 5kg táo mèo. Mặc dù phải đi chia cho bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm mỗi người một ít, nhưng tự nhiên lòng thấy vui vui. Hỏi ra mới biết ngày xưa cô bé này phải sống với ông bà ngoại, bố mẹ đi làm xa và nhà nghèo lắm. Có lần mấy chị em đi hái trộm cà chua nhà hàng xóm. Bị ông bà ngoại phát hiện, nhưng mấy chị em không hề bị đánh đòn mà thay vào đó ông ngoại đã giảng một bài học về cách làm người, về sự khó nhọc của người ta khi trồng ra một quả cà chua. Từ đó cho dù nghèo đói đến mức nào thì họ vẫn giữ được nhân cách tử tế của mình.
Vậy người tử tế đâu rồi giữa cuộc sống này? Tôi nghĩ đó chưa chắc đã là một bà bán cá ở ngoài chợ hay một ông tổng giám đốc của một ngân hàng lớn. Đó cũng chưa chắc đã là một cậu sinh viên hay một thanh niên giang hồ…
Thật ra người tử tế đều nằm trong mỗi con người chúng ta, từ khi phôi thai hình thành, lớn lên và chui ra khỏi bụng mẹ. Nhưng một khi chúng ta chui ra khỏi bụng mẹ, không còn sự bao bọc chở che, chúng ta phải tự vật lộn giữa cái thiện và cái ác. Lúc đó sự tử tế mới bắt đầu hình thành… Nhưng nó hình thành như thế nào là tùy thuộc vào những người đã tạo ra chúng ta.
Trần Trà My