Nguồn lực và quyết tâm

Thông tin về việc phát hiện tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo thời gian gần đây trên báo chí, cùng với đó là tình trạng heo, bò bị bơm nước trước khi giết mổ… đã làm dấy lên những lo ngại về sự an toàn vệ sinh thực phẩm, sự quay lưng của người tiêu dùng với mặt hàng thịt được nuôi trong nước là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Thông tin về việc phát hiện tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo thời gian gần đây trên báo chí, cùng với đó là tình trạng heo, bò bị bơm nước trước khi giết mổ… đã làm dấy lên những lo ngại về sự an toàn vệ sinh thực phẩm, sự quay lưng của người tiêu dùng với mặt hàng thịt được nuôi trong nước là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Vì vậy, việc Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), Công ty Trách nhiệm Hữu hạn De Heus và Công ty Fresh Studio Innovations Asia công bố chiến lược hợp tác, khi các bên cùng thực hiện chuỗi giá trị cung ứng thịt heo sạch, an toàn và truy xuất nguồn gốc rõ ràng, được không ít người tiêu dùng kỳ vọng sẽ có nguồn thịt an toàn đúng nghĩa.

Việc thực hiện được Chính phủ Hà Lan tham gia hỗ trợ 30% trong 3 triệu USD tổng vốn cho dự án, qua việc tài trợ để De Heus và Fresh Studio triển khai tổ chức tập huấn bước đầu cho khoảng 200 chủ trại heo, trước mắt ở Đồng Nai, về việc sử dụng con giống, thức ăn và áp dụng công nghệ Hà Lan. Sau đó sẽ chọn ra khoảng 50 chủ trại tham gia vào chuỗi cung ứng này. Phía Vissan sẽ đảm bảo việc giết mổ đúng quy chuẩn, vận chuyển cho đến khâu thành phẩm và phân phối ra thị trường. Nếu việc triển khai đúng tiến độ, dòng sản phẩm thịt heo này có thể ra mắt từ tháng 8 năm 2016. Là công ty có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý chất lượng và quảng bá các chuỗi thực phẩm sạch tại Hà Lan, cũng như góp phần vào việc triển khai các chuỗi cung ứng thủy sản và nông sản của Metro Cash and Carry Việt Nam, Fresh Studio sẽ giám sát từ khâu con giống, chăn nuôi, thức ăn đến giết mổ, vận chuyển và ra thị trường tiêu thụ.

Thật ra đây không phải lần đầu tiên ngành chăn nuôi heo xây dựng chuỗi cung ứng. Trước đó, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) ở TPHCM đã thiết lập chuỗi từ trang trại đến bán ăn nhờ khép kín từ con giống, chăn nuôi, thức ăn, giết mổ, vận chuyển và phân phối, kể cả chế biến. Hay như Công ty TNHH CP Việt Nam (ở Đồng Nai) cũng đã hình thành chuỗi này khi hợp tác với các trại nuôi gia công hay liên kết… Nhưng theo Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam, ông Gabor Fluit, điểm đặc biệt của chuỗi cung ứng này là tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn TRACEPIG. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn TRACEPIG phải có nguồn gốc nhận dạng rõ ràng, không chứa dư lượng kháng sinh vượt mức quy định, không nhiễm vi sinh vật gây bệnh, tất nhiên không có chất tăng trọng. Bên cạnh đó, sản phẩm còn tuân theo yêu cầu về phúc lợi động vật trong quá trình chăn nuôi và giết mổ để vật nuôi không bị sốc, qua đó chất lượng thịt sẽ tốt hơn khi đến với người tiêu dùng.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, việc liên kết xây dựng chuỗi thịt heo an toàn sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện, không chỉ cần có kinh nghiệm mà còn cả nguồn lực và sự quyết tâm. Đây là điều phải hướng đến nhằm tạo ra dòng sản phẩm thịt an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Có thể nói, đây là bước đi không chỉ đối với Vissan, mà cần có thêm nhiều doanh nghiệp khác cùng tham gia các chuỗi liên kết và cung ứng, góp phần tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi để có thể đứng vững và phát triển trong quá trình hội nhập.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục