Nguy cơ bệnh dịch từ nước hồ bơi

Nhiễm bệnh sau khi đi bơi
Nguy cơ bệnh dịch từ nước hồ bơi

Trong những ngày nắng nóng liên tục vừa qua, nhiều bậc phụ huynh tranh thủ cho con đến các hồ bơi “giải nhiệt”. Nhu cầu này cũng bắt đầu nhộn nhịp khi mùa hè sắp đến. Tuy nhiên, nguy cơ lây bệnh từ nước hồ bơi rất cao nếu không được xử lý vệ sinh sạch sẽ.

Công viên nước là nơi thu hút đông thanh thiếu niên vui chơi trong mùa hè. Ảnh: Mai Hải

Công viên nước là nơi thu hút đông thanh thiếu niên vui chơi trong mùa hè. Ảnh: Mai Hải

Nhiễm bệnh sau khi đi bơi

Chị H. (ngụ phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM) tranh thủ ngày nghỉ cho 2 con nhỏ ra hồ bơi N.L nằm trong khu dân cư để… bì bõm. Tưởng rằng như thế sẽ giúp các con vận động khỏe mạnh, tránh được cái nắng hầm hập, nhưng ngay sau hôm đó thì cả vợ chồng chị H. “phát sốt” bởi 2 đứa con thi nhau nôn mửa và tiêu chảy liên tục. Hớt hải đưa con đi bệnh viện, chị H. được bác sĩ truy vấn về chế độ dinh dưỡng cũng như thói quen sinh hoạt của các con nhưng tất cả được loại trừ, chỉ còn lại nước hồ bơi là thủ phạm nghi vấn. “Chỉ cần một cháu bị tiêu chảy mà xuống hồ bơi là các cháu còn lại đều có nguy cơ lây bệnh”, BS Nguyễn Thị Út, Bệnh viện Nhi đồng 2 - TPHCM, giải thích khi khám bệnh cho con chị H…

Tương tự, thấy đứa con 5 tuổi bỗng dưng bị ngứa và đỏ mắt hơn 3 ngày qua, chị Lan, ngụ phường 9 quận 3, mua thuốc nhỏ mắt cho cháu nhưng không hết. Đưa cháu đến BV Mắt TPHCM, chị Lan mới lo lắng khi biết cháu bị đau mắt đỏ và có thể dẫn đến bội nhiễm, viêm loét giác mạc. “Cuối tuần tôi thường cho cháu ra hồ bơi ở gần nhà bơi. Đi khám mới được bác sĩ khuyến cáo đau mắt đỏ có thể cháu nhiễm khuẩn từ nước hồ bơi”, chị Lan nói.

Một bác sĩ tại khoa khám của BV Mắt cho biết, trong 1 tháng qua, số người đến khám do đau mắt đỏ tăng lên nhiều, trong đó không ít người có đi tắm ở các hồ bơi công cộng. Trong khi đó, các bác sĩ tại BV Da liễu TPHCM ghi nhận tình trạng trẻ bị mắc các bệnh ngoài da như nấm mốc, ghẻ ngứa đến khám cũng tăng lên đáng kể, và qua khai thác bệnh sử thì không ít cháu có đi tắm ở hồ bơi. Còn bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng Phan Dư Lê Lợi, BV Hoàn Mỹ Fortis - Sài Gòn, cho biết tình trạng viêm tai giữa có nguyên nhân từ thói quen bơi lội ở các ao hồ, bể bơi công cộng cũng gia tăng thời gian qua. “Viêm tai giữa nếu chủ quan không điều trị kịp thời có thể dẫn đến điếc, có trường hợp tử vong bởi biến chứng viêm màng não hay xuất huyết não”, BS Lợi cho biết.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, khuyến cáo bệnh não mô cầu rất nguy hiểm và phát sinh khi đi bơi trong môi trường nước mất vệ sinh do vi khuẩn gây ra.

Quá tải và quá bẩn

Trong những ngày nắng nóng này, hàng chục hồ bơi công cộng tại TPHCM đều quá tải. Cứ mỗi buổi trưa, chiều, hồ bơi Y.K. (quận Bình Thạnh) đều tấp nập trẻ em lẫn người lớn ngụp lặn. Có trẻ em đeo kính bơi nhưng phần lớn là không bảo hộ mắt nên nguy cơ đau mắt đỏ rất cao. Tại hồ bơi công cộng trong Khu dân cư Nam Long, phường Tân Thuận Đông, quận 7, cũng đầy ắp trẻ em lẫn người lớn mỗi buổi chiều mặc dù hồ chơi chẳng lấy gì rộng rãi. Thậm chí, trong khi chờ các con bơi lội, các bậc phụ huynh còn tranh thủ mang đồ ăn, nước uống hoặc được phục vụ ẩm thực ngay sát bên hồ bơi trông rất mất vệ sinh. Có em nhỏ vừa bơi một vòng lại chạy lên ăn ngồm ngoàm đầy thức ăn chưa kịp nuốt lại ngụp lặn xuống hồ bơi…

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, bên cạnh một số hồ bơi tuân thủ an toàn vệ sinh như thay nước thường xuyên, bổ sung clour diệt khuẩn thì vẫn có những hồ bơi chưa đảm bảo an toàn vệ sinh. Qua giám sát điều kiện vệ sinh tại nhiều hồ bơi trên địa bàn TP mới đây, khoa Sức khỏe cộng đồng-Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tỏ ra lo ngại vì kết quả kiểm tra có đến hàng loạt hồ bơi không đảm bảo nồng độ clour dư (chất diệt khuẩn) trong nước. Điều đó đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn như vi trùng mủ xanh, nấm… sinh sôi, gây bệnh.

Đánh giá về diễn biến dịch bệnh trong thời điểm giao mùa hiện nay, BS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế TPHCM, cũng cho rằng các dịch bệnh tay - chân - miệng, tiêu chảy, viêm não các loại chưa có dấu hiệu chững lại. Do đó, các biện pháp phòng chống không chỉ ở gia đình, nhà trường mà cả ở những khu vực vui chơi, sinh hoạt công cộng. Trong đó, hồ bơi cũng là môi trường tiềm ẩn sinh sôi và lây lan bệnh dịch. “Phải tăng cường giám sát và yêu cầu quản lý các hồ bơi đảm bảo chất lượng vệ sinh nguồn nước và tuyên truyền khuyến cáo người mắc bệnh hạn chế xuống hồ bơi”, BS Nam nói.

Thực tế phần lớn đối tượng của các hồ bơi là trẻ em dưới 15 tuổi, khả năng miễn dịch thấp và ý thức phòng bệnh chưa cao. Trong khi các bậc phụ huynh cứ nghĩ rằng ủng hộ con em mình đi bơi là tốt mà không hiểu hết cách thức ngừa bệnh cho các cháu. Các chuyên gia y tế nhìn nhận nước hồ bơi không sạch sẽ tạo điều kiện cho vi trùng lọt vào vùng tai - mũi - họng và gây bệnh. Kế đến là bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) thường do virus gây ra và dễ lây lan trong hồ bơi. Dịch bệnh tiêu chảy cấp có thể lây lan qua nước hồ bơi rất nhanh vì khi nước hồ bơi mất vệ sinh vào miệng dễ gây bệnh tiêu chảy. Hoặc khi có người mắc bệnh tiêu chảy nhưng vẫn đi bơi cũng là nguồn lây bệnh cho những người khác.

Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM khuyến cáo quản lý các hồ bơi tăng cường châm clour dư cho nước luôn đảm bảo nồng độ 0,4 - 0,8 milgram/lít, thường xuyên vệ sinh, thay nước hồ bơi. Đồng thời, những người mắc bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, quai bị… không nên tắm hồ bơi để tránh lây bệnh cho cộng đồng. Trước khi bơi nên tắm qua và không phóng uế, khạc nhổ trong lúc bơi, trang bị kính bơi, bịt mũi bằng nút cao su khi bơi và tắm lại nước máy sạch sẽ ngay sau khi bơi…

Quỳnh Chi

Tin cùng chuyên mục