Mặc dù ảnh hưởng của các nghiên cứu khoa học và tiếng tăm các học viện nghiên cứu của Mỹ vẫn còn mạnh mẽ, nhưng như Thomson Reuters nhận định, Mỹ không còn là “Gã khổng lồ của khoa học”, thống trị “mặt bằng” nghiên cứu khoa học toàn cầu như họ đã từng đạt được cách đây 30 năm.
Thomson Reuters là tổ chức cung cấp dịch vụ thông tin thị trường, tư vấn tài chính hàng đầu thế giới và tổ chức này thường xuyên có những đánh giá các nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng trên thế giới.
Theo Thomson Reuters, năm 1981, các nhà khoa học Mỹ chiếm lĩnh gần 40% các chương trình nghiên cứu được đăng trên hầu hết những tờ báo có ảnh hưởng nhất toàn cầu. Nhưng đến năm 2009, con số này đã giảm xuống còn 29%.
Cũng trong giai đoạn này, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã gia tăng đáng kể số lượng các nghiên cứu khoa học xuất hiện trên báo chí thế giới, từ 33% lên 36%, trong khi các nước ở châu Á - Thái Bình Dương cũng tăng từ 13% đến 31%. Trung Quốc hiện cũng trở thành nhà “sản xuất” nghiên cứu khoa học lớn thứ 2, sau Mỹ, chiếm gần 11% của tổng số nghiên cứu ra đời trên thế giới.
Với quỹ kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học chiếm đến 2,8% GDP, với nhiều học viện lừng danh thu hút những tài năng kiệt xuất từ khắp nơi, tiềm lực của nước Mỹ vẫn mạnh hơn bất kỳ đối thủ nào. Nhưng ảnh hưởng khoa học của Mỹ đang bị đe dọa bởi không chỉ người Mỹ đang né tránh các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học ứng dụng khó khăn mà vì các nước khác đang dồn sức vào nhiều hơn.
Nếu như phân nửa các nghiên cứu của Mỹ chỉ tập trung vào các ngành sinh học và y khoa thì vào thời điểm này, các quốc gia châu Á lại tập trung nghiên cứu những ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, phát triển lĩnh vực kỹ thuật khoa học ứng dụng trọng yếu. Vô hình trung, người Mỹ đã quá tập trung vào một vài lĩnh vực mà bỏ trống mặt trận cho các đối thủ của họ.
Đầu tuần trước, Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục LHQ (UNESCO) cũng vừa công bố một báo cáo với những nhận định tương tự. Nếu trong năm 2002, gần 83% các nghiên cứu và phát triển khoa học được thực hiện ở các nước phát triển thì con số này đã giảm xuống còn 76% trong năm 2007.
Riêng trong lĩnh vực khoa học ứng dụng thì Mỹ ở thứ hạng thấp - thua Trung Quốc về số bằng sáng chế và số lượng kỹ sư. Thống kê của UNESCO còn cho biết Trung Quốc dẫn đầu nhóm nước đang nổi lên trong lĩnh vực khoa học với 1,4 triệu nhà nghiên cứu.
Sau nhiều nỗ lực, mới đây Trung Quốc đã qua mặt Mỹ để trở thành nước có siêu máy tính mạnh nhất thế giới. Siêu máy tính Thiên Hà của Trung Quốc nhanh hơn siêu máy tính đang giữ ngôi vị quán quân của Mỹ tới 30%.
Dẫu không phải lần đầu tiên Mỹ bị mất ngôi vị số một về lĩnh vực tin học vào tay một nước châu Á (trước đó là người Nhật), nhưng việc siêu máy tính của Trung Quốc được đánh giá là có tốc độ nhanh nhất thế giới, cũng quả là điều đáng cho cường quốc này phải suy nghĩ.
XUÂN HẠNH