Bolivia

Nguy cơ bùng nổ bạo lực

Nguy cơ bùng nổ bạo lực

Trả lời phỏng vấn báo chí vào ngày 3-6, Tổng thống Bolivia Carlos Mesa thừa nhận cuộc khủng hoảng hiện nay ở Bolivia không mang tính tình thế mà là một cuộc khủng hoảng, có nguy cơ gây bùng nổ bạo lực và đối đầu, đe dọa nghiêm trọng tương lai của quốc gia Nam Mỹ có trữ lượng khí tự nhiên lớn thứ hai khu vực Mỹ La-tinh này. 
 

Nguy cơ bùng nổ bạo lực ảnh 1
Dân chúng phong tỏa một đoạn đường cao tốc dẫn vào thủ đô La Paz

Tổng thống Carlos Mesa nhận định Bolivia  đang trải qua thời điểm vô cùng khó khăn khi "tất cả các thể chế và bộ máy nhà nước đều có vấn đề, bị suy giảm quyền lực hợp pháp và thiếu tính liên kết cần thiết". Ông cho rằng xã hội Bolivia đang bị chia rẽ sâu sắc và nguy cơ xảy ra bạo lực là rất cao; đồng thời loan báo chính phủ sẽ có những giải pháp tổng thể, dài hạn để đối phó với tình hình phức tạp hiện nay.
 
Các cuộc biểu tình quần chúng, phong tỏa đường phố diễn ra suốt 3 tuần qua trên khắp cả nước với sự tham gia của hàng nghìn người yêu cầu chính phủ quốc hữu hóa ngành dầu khí, cứu trợ dân nghèo, cải thiện các chính sách xã hội cùng phong trào đòi quyền tự trị ở miền Đông và cuộc tổng đình công do Nghiệp đoàn Giao thông phát động đã làm tê liệt hoàn toàn nhiều thành phố lớn. Cục đường bộ quốc gia thông báo hiện có 52 điểm tại các trục đường giao thông trong cả nước bị phong tỏa và tất cả các bang đều xảy ra biểu tình. 
 
Đặc biệt ở thủ đô La Paz , các cửa hàng bắt đầu khan hiếm hàng hóa, các điểm bán xăng dầu đang bị đe dọa phải đóng cửa nếu không được cung cấp tiếp, và nhà máy cung cấp nhiên liệu cho thủ đô La Paz  nằm bị đoàn người biểu tình bao vây từ hơn hai tuần nay. Bên cạnh đó, sân bay quốc tế ở thủ đô La Paz tạm thời bị đóng cửa, khiến Bolivia  rơi vào cảnh cô lập với bên ngoài. 
 
Ngày 3-6, tập đoàn dầu khí REPSOL của Tây Ban Nha vừa quyết định cắt 850 triệu đô-la đầu tư vào Bolivia  trong giai đoạn 2005- 2009, do nước này tăng thuế đối với các công ty nước ngoài kinh doanh tại đây.
 
Trước tình hình trên, ngày 3-6, Tổng thống Carlos Mesa đã ra sắc lệnh triệu tập Hội nghị hợp hiến đồng thời với cuộc trưng cấu ý dân về quyền tự trị khu vực vào ngày 16-10 tới. Tuy nhiên, đại diện nhiều tổ chức và đảng phái đã phản đối sắc lệnh trên vì cho rằng không hợp hiến nếu chưa được Quốc hội thông qua. Đại diện của các tổ chức dân sự khu vực Santa Cruz, miền Đông Bolivia, còn tuyên bố sẽ tự tiến hành cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 12-8. 
 
Trong khi đó, Chủ tịch Liên hiệp Hội đồng Nhân dân El Alto, một trong những khu vực đông dân và nghèo nhất nước và là trung tâm nổ ra các cuộc biểu tình, khẳng định làn sóng phản đối chính phủ sẽ không chấm dứt, nếu chính phủ không đáp ứng yêu cầu quốc hữu hóa dầu mỏ và khí đốt ở nước này.

L.Q (Theo TTXVN)
 

Tin cùng chuyên mục