Nguy cơ bùng phát các dịch bệnh khác trong năm 2020

Trong bối cảnh thế giới vẫn còn đang loay hoay với cuộc chạy đua tìm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, ngày 1-5, Liên hiệp quốc (LHQ) lại cảnh báo, hàng chục quốc gia có nguy cơ thiếu hụt vaccine phòng chống các bệnh khác do ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế của ngành hàng không nhằm đối phó với đại dịch Covid-19.

Gián đoạn tiêm chủng thông thường

Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết, đã mua 2,43 tỷ liều vaccine cho 100 quốc gia từ năm 2019 để có thể tiến hành tiêm chủng cho khoảng 45% trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, từ ngày 22-3, cơ quan này cho biết kế hoạch vận chuyển các lô hàng vaccine này đã giảm 70%-80% so với kế hoạch do ảnh hưởng từ các biện pháp hạn chế đối với các chuyến bay thương mại. Trong khi đó, chi phí đảm bảo vận chuyển hàng không đã tăng vọt, với giá cước hiện tại lên tới 200% so với giá bình thường. Do vậy, các quốc gia có nguồn lực hạn chế sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể chi trả được những mức giá này, khiến cho trẻ em tại các quốc gia này dễ bị mắc các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine như bại liệt, sởi... 

Các nước vẫn đang khẩn trương điều chế vaccine ngừa virus SARS-CoV-2
UNICEF cho biết đây là vấn đề liên quan đến hậu cần chưa từng xảy ra và khoảng 26 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi nhưng cũng có một số quốc gia châu Á như Triều Tiên và Myanmar, có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng. Sự gián đoạn tiêm chủng thông thường, đặc biệt là ở các nước có hệ thống y tế kém phát triển, có thể dẫn đến những dịch bệnh nghiêm trọng trong năm 2020 hoặc trong tương lai.


Nỗ lực tạm thời chờ vaccine

Trong khi đó, theo tuyên bố mới nhất của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 1-5, đại dịch Covid-19 vẫn là “tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế” (PHEIC) trong bối cảnh bệnh đang lây lan ngày càng rộng tại các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém. Ngoài ra, trong khuyến cáo ngày 1-5, Ủy ban Khẩn cấp WHO cũng kêu gọi tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục phối hợp với WHO nhằm ứng phó hiệu quả trong đại dịch Covid-19 cũng như chuẩn bị cho sự bùng phát các dịch bệnh khác.

Tuy nhiên, trong khi chờ tối thiểu 12 - 18 tháng để đảm bảo một vaccine thực sự an toàn và hiệu quả, ngày 1-5, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ (FDA) thông báo đã cấp phép sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. FDA sẽ trao quyền cho Công ty dược phẩm Gilead Sciences để sử dụng khẩn cấp thuốc kháng virus Remdesivir, mở ra cơ hội sử dụng rộng rãi ở các bệnh viện của Mỹ trong thời gian tới.  Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Giám đốc điều hành của Gilead Sciences - ông Daniel O’Day, đã gọi động thái mới nhất của FDA là bước đi đầu tiên quan trọng và công ty này sẽ ủng hộ 1,5 triệu mẫu thuốc để giúp đỡ các bệnh nhân.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo nước này sẽ cung cấp miễn phí thuốc kháng virus Avigan cho 43 nước để tiến hành nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả của thuốc này trong điều trị bệnh Covid-19, sau khi các nhà khoa học Trung Quốc cho biết loại thuốc kháng virus này hiệu quả trong việc điều trị các bệnh nhân Covid-19, nhất là các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Sau đợt nghỉ Tuần lễ vàng hết ngày 6-5, Tokyo sẽ gửi trước thuốc này tới 38 nước, đủ để điều trị 20 - 100 người cho những mục đích nghiên cứu.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) thông báo đã cung cấp một gói hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 trị giá 2 triệu EUR (2,19 triệu USD) cho 5 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Philippines, nhằm tăng cường công tác giám sát, chẩn đoán và củng cố hệ thống ứng phó với dịch Covid-19 tại các nước này. 

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Việt Nam sẽ được nhận tổng số tiền viện trợ là 9,5 triệu USD nhằm ứng phó dịch Covid-19, trong đó bao gồm 5 triệu USD cho quỹ hỗ trợ kinh tế và khoản hỗ trợ cho y tế trị giá 4,5 triệu USD được thông báo trước đó nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, kích hoạt hệ thống giám sát phát hiện trường hợp khả nghi, sự hỗ trợ của các chuyên gia trong việc ứng phó và chuẩn bị, giáo dục và tham gia cộng đồng, ngăn chặn lây nhiễm bệnh cho các cơ sở y tế, kiểm tra sức khỏe công cộng tại các điểm nhập cảnh.

Tin cùng chuyên mục