Lời cảnh báo được đưa ra khi Ukraine đang tiếp nhận lượng vũ khí viện trợ khổng lồ, nhưng chưa có thống kê đầy đủ về mục đích và đối tượng sử dụng.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2-2022, Ukraine đã gặp phải những vấn đề liên quan đến kiểm soát vũ khí. Nhiều người dân và binh sĩ Ukraine tham gia vào mạng lưới buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Buôn lậu các loại vũ khí quân sự là một hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao ở Ukraine với các mặt hàng chủ yếu như lựu đạn, tên lửa và mìn.
Theo bà Catherine de Bolle, cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ kết thúc, nhưng nhiều khả năng lặp lại tình trạng giống như 30 năm trước trong cuộc chiến tranh Balkan. Cho đến nay, số vũ khí từ cuộc chiến này vẫn đang được các băng nhóm tội phạm sử dụng. Bà Catherine de Bolle cho biết, cảnh sát châu Âu đang giám sát hoạt động của những kẻ cực đoan ủng hộ khủng bố và bạo lực giữa Ukraine và EU.
Dư luận quốc tế lo ngại việc đưa vũ khí vào đất nước có thị trường buôn bán vũ khí lớn ở châu Âu như Ukraine rất dễ dẫn tới thảm họa. Do không có mặt trên thực địa nên Washington và NATO phụ thuộc rất nhiều vào thông tin do Chính phủ Ukraine cung cấp. Đến nay, quân đội Ukraine đã nhận được một lượng thiết bị quân sự lớn từ khoảng 14 quốc gia, trong đó Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất. Trong số hàng loạt thiết bị quân sự đang được cung cấp có hơn 1.400 hệ thống tên lửa phòng không Stinger, 5.500 hệ thống tên lửa chống tăng Javelin, 700 máy bay không người lái Switchblade, và 90 pháo tự hành M777 155mm. Riêng với Stinger, nếu kiểm soát không chặt, rất có thể số tên lửa này sẽ rơi vào tay những kẻ khủng bố. Tên lửa Stinger là hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) gọn nhẹ, dễ dàng mang vác, di chuyển và triển khai. Với tầm bắn trung bình khoảng 3 - 5 km, hệ thống tên lửa này có thể dễ dàng hạ gục các loại máy bay dân sự.
Phương Tây có thể cạn kiệt vũ khí
Việc đổ vũ khí vào Ukraine khiến các bên đối mặt với tình trạng thiếu hụt vũ khí quân sự. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, liên minh này đã cạn kiệt trang thiết bị quân sự giúp Ukraine. Theo ông Josep Borrell, năng lực quốc phòng và chi tiêu quân sự của EU chưa tương xứng với những mục tiêu cần thiết để chống lại các mối đe dọa an ninh. Từ năm 1999 đến năm 2021, chi tiêu quốc phòng của EU chỉ tăng 20%, trong khi ở Mỹ là 66%, Nga là 292% và Trung Quốc là 592%. Trong dài hạn, theo ông Borell, các thành viên EU cần tập trung phối hợp mua sắm và chế tạo các khí tài như xe tăng chủ lực. EU đã viện trợ quân sự hơn 2 tỷ USD cho Kiev và đang đề xuất gói viện trợ khác hơn 9 tỷ USD nhằm giúp Ukraine tái thiết.
Tại Mỹ, một số thượng nghị sĩ Mỹ và chuyên gia cảnh báo, nếu chính phủ của Tổng thống Biden tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine thì kho dự trữ vũ khí của nước này có thể cạn kiệt trong vài tháng. Phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện, bà Ellen Lord, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần, cho rằng, điều này là “một mối đe dọa lớn” đối với an ninh quốc gia. Theo bà, Mỹ đã chuyển giao gần 1/4 kho dự trữ tên lửa phòng không Stinger cho Ukraine. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định với giới lập pháp rằng, kho dự trữ vũ khí vẫn chưa đến mức giới hạn.
Hôm 19-5, chính phủ của Tổng thống Joe Biden tuyên bố tiếp tục viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine trị giá 100 triệu USD. Động thái này đã gây ra phản ứng trái chiều. Trả lời phỏng vấn tờ Washington Post, ông William Hatung, chuyên gia kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Quincy, cảnh báo, số vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine vượt quá mức viện trợ vũ khí vào Afghanistan trong 1 năm - lúc xảy ra cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.