Tăng cường tự chủ công nghệ

Cơ quan An ninh mạng Liên minh châu Âu (ENISA) vừa đưa vào hoạt động Cơ sở dữ liệu lỗ hổng bảo mật châu Âu (EUVD), một động thái then chốt nhằm củng cố “thành trì” an ninh kỹ thuật số của toàn khối.

Việc ra mắt EUVD ngày 13-5 đã thu hút sự quan tâm rộng rãi từ giới chuyên gia. Đa số đánh giá đều tích cực, kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ sinh thái an ninh mạng vững chắc và đồng bộ trên toàn EU, góp phần bảo vệ người dân, doanh nghiệp và các cơ sở hạ tầng quan trọng trước các thách thức an ninh mạng ngày càng phức tạp.

Theo bà Henna Virkkunen - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách chủ quyền công nghệ, an ninh và dân chủ, EUVD đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực củng cố an ninh và khả năng phục hồi của châu Âu trên không gian mạng. Bằng cách tập trung hóa thông tin về các lỗ hổng bảo mật có liên quan đến thị trường chung, EU đang thiết lập các tiêu chuẩn an ninh mạng cao hơn, tạo điều kiện cho cả các chủ thể công và tư nhân bảo vệ không gian kỹ thuật số chung một cách hiệu quả và tự chủ hơn.

Sáng kiến này một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của EU trong việc tăng cường chủ quyền công nghệ, thông qua việc cung cấp các nguồn lực đáng tin cậy để quản lý và giảm thiểu các rủi ro an ninh mạng đối với các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông. Đây cũng được coi là một bước đi chiến lược nhằm tăng cường tự chủ công nghệ và giảm phụ thuộc vào các nguồn dữ liệu bên ngoài.

Trong bối cảnh hệ thống theo dõi lỗ hổng bảo mật của Mỹ (Common Vulnerabilities and Exposures) cũng đang gặp nhiều thách thức, giới chuyên gia nhận định, để đạt được hiệu quả tối đa, EUVD cần có sự phối hợp chặt chẽ với các hệ thống quốc tế và đảm bảo tính nhất quán trong việc quản lý và chia sẻ thông tin về lỗ hổng bảo mật. Động thái mới của EU cũng cho thấy sự cần thiết phải cải tổ và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này.

Tin cùng chuyên mục