Song hiện nay chính quyền địa phương và ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Trong khi đó, số vụ cháy do điện, lỗi vi phạm phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong sử dụng điện sinh hoạt đang tăng cao, tập trung nhiều nhất ở các chung cư cũ.
Cảnh sát PCCC lưu ý cư dân chung cư 65 - 67 Đỗ Quang Đẩu (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) chấp hành các quy định về an toàn trong sử dụng điện
Vi phạm phổ biến, kéo dài
Các lô V, L, X, G của chung cư Ngô Gia Tự (phường 2, quận 10) hiện có hàng ngàn người dân sinh sống, thế nhưng công tác PCCC tại đây hiện rất lơ là. Ở tất cả các lô chung cư nêu trên, hệ thống dây điện sinh hoạt được lắp đặt, câu mắc chằng chịt như tổ nhện, rất dễ cháy lan cháy lớn khi sự cố hỏa hoạn xảy ra.
Theo khảo sát của Tổng công ty Điện lực TPHCM trong năm 2017, Tp có hơn 2.000 hộ dân (đa số sống tại các chung cư cũ) có những tồn tại, vi phạm gây mất an toàn trong sử dụng điện, là nguy cơ dẫn đến hỏa hoạn, cháy nổ. Cụ thể, có 6.174 lỗi liên quan đến yếu tố kỹ thuật, 2.236 lỗi liên quan đến thói quen sinh hoạt của người dân. Phổ biến nhất là các lỗi mất an toàn như: dây điện câu móc qua khe cửa sổ, mối nối hở, băng keo lão hóa hoặc bị bong tróc...
Riêng lô V, nhiều dây điện đã cũ kỹ, bị bong tróc vỏ vẫn không được cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thay thế. Đã vậy, dọc khu hành lang, không ít hộ dân còn tự ý đấu nối dây điện không đảm bảo kỹ thuật, lắp thêm đèn chiếu sáng, thiết bị tiêu thụ điện vượt công suất, làm gia tăng nguy cơ chạm chập điện.
Quan sát tại các lô của chung cư Ngô Gia Tự, chúng tôi thấy lỗi vi phạm PCCC phổ biến nhất là người dân lắp đặt, bố trí trang thờ, kệ đốt nhang ngay dưới hệ thống dây điện vắt trên tường. Tình trạng trên cũng diễn ra phổ biến tại hầu hết các chung cư cũ, khu nhà tập thể trên địa bàn TP, phổ biến nhất là ở các chung cư Phạm Thế Hiển (phường 4, quận 8), Ấn Quang (phường 4, quận 10), lô G chung cư Hùng Vương (quận 5)…
Một cán bộ của Đội Hướng dẫn kiểm tra (Phòng Cảnh sát PCCC quận 1) cho biết, trên thực tế, cứ có kiểm tra ở các chung cư cũ là có phát hiện trường hợp người dân vi phạm PCCC trong sử dụng điện sinh hoạt. Gần đây, ngày 5-4, Phòng Cảnh sát PCCC quận 1 kiểm tra chung cư 65 - 67 Đỗ Quang Đậu (phường Phạm Ngũ Lão) và phát hiện hàng loạt vi phạm PCCC, trong đó có các lỗi: hệ thống dây điện trần (không bó gọn vào ống nhựa), ý câu mắc điện không đảm bảo kỹ thuật… Đáng lưu ý hơn, những lỗi này từng được Phòng Cảnh sát PCCC quận 1 nhắc nhở, đề nghị khắc phục nhiều lần nhưng vẫn tồn tại.
“Người dân tự ý câu mắc điện sai kỹ thuật, lắp thêm thiết bị điện có công suất lớn là những lỗi vi phạm vô cùng nguy hiểm, có thể gây chạm, chập, hỏa hoạn bất cứ lúc nào. Đặc biệt, khi xảy ra hỏa hoạn, lửa sẽ lan nhanh do hệ thống dây điện, cáp viễn thông giăng mắc chằng chịt, hậu quả sẽ rất khó lường”, vị cán bộ Đội Hướng dẫn kiểm tra (Phòng Cảnh sát PCCC quận 1) lưu ý.
Quyết liệt kéo giảm
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Tấn Hưng, Chánh Văn phòng Đảng ủy kiêm Trưởng ban Quan hệ cộng đồng (Tổng công ty Điện lực TPHCM), cho biết đơn vị đang phối hợp UBND các quận - huyện, Cảnh sát PCCC TP triển khai thực hiện nhiều giải pháp để kéo giảm vi phạm trong sử dụng điện, ngăn ngừa cháy nổ xảy ra. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã tư vấn, phát tài liệu, hướng dẫn kiến thức an toàn sử dụng điện cơ bản cho 6.230 gia đình ở các khu dân cư, chung cư cũ, khu vực có nguy cơ cháy nổ cao.
“Sau mỗi đợt khảo sát, tư vấn kiến thức sử dụng điện an toàn, chúng tôi cũng sẽ gửi báo cáo kết quả khảo sát và danh sách các gia đình đến UBND các quận - huyện, phường - xã và cảnh sát PCCC các quận - huyện để theo dõi, kiểm tra, phúc tra, kịp thời khắc phục các tồn tại, vi phạm”, ông Hưng nói và cho biết từ nay đến hết năm 2018, đơn vị tiếp tục khảo sát, phổ biến kiến thức sử dụng điện an toàn cho thêm 17.000 hộ dân.
Cư dân ở chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đặt bàn thờ đốt nhang ngay dưới đường dây điện
Trong khi đó, thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát PCCC TPHCM, cho biết đơn vị đang tập trung kiểm tra, xử lý đối với các chung cư vi phạm các quy định về PCCC, nhất là các chung cư cũ vi phạm an toàn trong sử dụng điện sinh hoạt. Cảnh sát PCCC TPHCM cũng yêu cầu đến các phòng cảnh sát PCCC quận - huyện phải tổng rà soát, nắm rõ từng lỗi vi phạm tại các chung cư cũ, nhất là các vi phạm về điện để tham mưu cho Cảnh sát PCCC TP và UBND quận - huyện có giải pháp khắc phục hợp lý. Thậm chí phối hợp đình chỉ hoạt động (ngưng cung cấp điện cho chung cư) khi ban quản trị, ban quản lý, cư dân chung cư cố tình không khắc phục vi phạm.
Ông Nguyễn Tấn Hưng cho biết, đối với các gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo, nếu hệ thống điện trong nhà không đảm bảo an toàn, ngành điện lực TP sẽ huy động nguồn lực nội bộ, thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên của đơn vị, để khắc phục miễn phí, dự kiến trong năm 2018 là 1.000 hộ.
Cảnh sát PCCC cũng kiến nghị Tổng công ty Điện lực TPHCM phải đưa điều kiện đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện vào nội dung hợp đồng bán điện. Nếu quá trình sử dụng điện, hộ dân nào vi phạm kiên quyết ngưng cung cấp điện.
Cảnh sát PCCC TPHCM cũng khuyến cáo người dân, cư dân chung cư trong việc sử dụng điện cần tuân thủ các quy định về an toàn PCCC: lựa chọn dây dẫn điện phù hợp với khả năng chịu tải tiêu thụ điện; hệ thống điện trong nhà cần có thiết bị bảo vệ (aptomat) tổng, thiết bị bảo vệ cho từng khu vực, thiết bị điện; không câu, mắc dây điện tùy tiện; các mối nối dây dẫn phải đảm bảo đúng kỹ thuật - nối so le và được quấn băng cách điện; nên đặt dây dẫn trong ống, hộp bảo vệ; lựa chọn thiết bị điện có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; sử dụng các thiết bị điện đúng yêu cầu kỹ thuật; không đặt các thiết bị điện gần các đồ dùng dễ cháy; không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn trên cùng một ổ cắm; tắt thiết bị điện khi không sử dụng; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa, thay thế dây dẫn, thiết bị điện bị hư hỏng…
Cán bộ PCCC sâu sát địa bàn, kịp thời nhắc nhở cư dân
Thống kê cho thấy, trong các vụ cháy xảy ra trên cả nước những năm gần đây, nguyên nhân gây cháy do sử dụng điện không an toàn luôn chiếm tỷ lệ cao (50% - 70%). Riêng ở TPHCM, tỷ lệ này có năm, có thời điểm còn cao hơn; các lỗi vi phạm về an toàn điện dẫn đến cháy nổ thường tồn tại nhiều ở 2 đối tượng là nhà ở kết hợp kinh doanh và các chung cư cũ.
Trên thực tế, các vi phạm trong sử dụng điện tại các chung cư cũ còn rất phổ biến. Hiện Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (C66) đang yêu cầu Cảnh sát PCCC TPHCM tổng rà soát, thống kê các nguy cơ cháy có liên quan đến lỗi vi phạm an toàn trong sử dụng điện để có giải pháp khắc phục nhanh chóng, hiệu quả; phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường việc kiểm tra, xử lý đối với ban quản trị, ban quản lý các chung cư vi phạm, thậm chí cho ngưng hoạt động (ngưng cung cấp điện) nếu vi phạm không được khắc phục.
Việc xử lý các vi phạm sẽ được làm quyết liệt hơn trong thời gian tới, nhằm hạn chế thấp nhất vi phạm tồn tại. Ngoài ra, C66 cũng đề nghị Cảnh sát PCCC TPHCM tăng cường, mở rộng, đổi mới các hình thức tuyên truyền về PCCC cho cư dân các chung cư; quán triệt đến cán bộ PCCC phụ trách địa bàn phải thường xuyên đi thực tế, đi cơ sở, nhắc nhở kịp thời để cư dân khắc phục các vi phạm, tồn tại.
Thiếu tướng ĐỖ MINH DŨNG Phó Cục trưởng C66 (Bộ Công an)
Phải thay đổi ý thức cho người dân
Không chỉ có chung cư cũ, ngay cả một số chung cư mới hình thành sau này cũng tồn tại nhiều lỗi vi phạm về an toàn điện, kéo theo nguy cơ cháy nổ. Phổ biến nhất là việc người dân tự ý câu mắc điện không an toàn. Điều này cho thấy các giải pháp của chính quyền, ngành chức năng TP thời gian qua chưa hiệu quả. Là người nhiều năm sống ở chung cư, tôi nhận thấy có 2 nguyên nhân khiến các vi phạm về điện phát sinh nhiều và kéo dài.
Thứ nhất là do ý thức của một bộ phận cư dân kém. Thứ hai, do chính quyền, ngành chức năng chưa làm hết trách nhiệm, không phát hiện vi phạm, hoặc có kiểm tra, phát hiện vi phạm nhưng xử lý không kiên quyết, dần dần người dân bị “lờn luật”.
Để kéo giảm nguy cơ cháy do sử dụng điện không an toàn ở chung cư, theo tôi, các cấp chính quyền, ngành PCCC phải tăng cường và mở rộng các hình thức tuyên truyền về PCCC, phổ biến những kiến thức PCCC cơ bản nhất để người dân hiểu, đánh giá được sự nguy hiểm từ những hành vi, việc làm không đúng của mình, từ đó thay đổi nhận thức.
Tiếp đến, chính quyền, nhất là cảnh sát PCCC phải kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các vi phạm, không bao che, buông lỏng; lãnh đạo, thanh tra của các cơ quan này cần theo dõi, xử lý, thậm chí điều chuyển công tác đối với các cán bộ chỉ huy, trực tiếp phụ trách địa bàn không làm hết trách nhiệm, để vi phạm phát sinh, tồn tại kéo dài. Nếu làm tốt yếu tố trên, tôi nghĩ các vi phạm về an toàn điện gây nguy cơ cháy nổ ở các chung cư sẽ giảm hơn một nửa.
Ông NGUYỄN HỮU CÔNG sống ở tháp A1, chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân)